Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc - Huế 2012:

"Vinh dự cho những đoàn kịch xã hội hóa được giải cao nhất"

(Dân trí) - Đoạt giải cao nhất trong vở kịch hài, kinh dị “Hồn ma báo oán”, nhân vật chính của vở diễn - nghệ sĩ Bảo Trí (vai ông Minh, ) đã chia sẻ nhiều cảm xúc và tình hình thực tế của kịch nghệ Sài Gòn đến độc giả Dân trí.

Anh có thể chia sẻ những cảm xúc khi đạt huy chương vàng?

Tron cuộc đời làm nghệ thuật của tôi, đứng trên sân khấu đã lâu, hiện đã 50 tuổi, để được nhận huy chương vàng thì đây là lần đầu tiên. Cũng rất vinh dự khi tôi đi tham gia liên hoan lần này là lần đầu trong đời. Tôi là một nghệ sĩ tự do, không thuộc cơ quan nào, nhưng thông qua sân khấu kịch Sài Gòn của Phước Sang đã cho tôi một vai diễn hợp với mình để tham dự liên hoan năm nay. Rất mừng công sức mình bỏ ra đã được ban giám khảo đón nhận, chấp nhận khả năng của mình và tặng cho tôi một niềm vui vô biên. Đây cũng là niềm vui chung của những đoàn kịch được xã hội hóa ở trong Nam và là sự phấn khích lớn thúc đẩy mình ráng làm sao phải phấn đấu hơn nữa để giữ vững niềm tin rằng kịch vẫn sống mãi trong lòng khán giả. Từ đó bước vững chắc trong con đường nghệ thuật để càng ngày phải có thêm nhiều vở diễn chất lượng hơn nữa đến với công chúng. Lúc trước tôi có thi ở khu vực, hồi đó có chấm điểm diễn viên từ cao xuống thấp là A1,A2,A3 và lần đó anh cũng được giải diễn viên A1.

NS Bảo Trí - vai ông Minh trong Hồn ma báo oán
NS Bảo Trí - vai ông Minh trong "Hồn ma báo oán"

 
Anh có thể chia sẻ về vai diễn của mình trong vở “Hồn ma báo oán”?

Trước đây, tôi đóng kịch hài chủ yếu, nhưng trong vở kịch này, khi chuyển sang nhân vật bị giằng xé nội tâm khi giết người thân của mình để cướp của và cũng như bị nhiều tai nạn chết người trong gia đình như một sự báo oán của trời đất thì mình phải chuẩn bị rất kỹ, nhất là phần tâm lý, làm sao thể hiện hết được bản chất của kẻ sát nhân và sự lo âu, hối lỗi của hắn. Có thể nói đây là vai diễn “nặng đô” nhất của tôi từ trước đến nay.

Diễn xuất nội tâm của nhân vật ông Minh
Diễn xuất nội tâm của nhân vật ông Minh
 
Đời sống của nghệ sĩ Sài Gòn ra sao thưa anh?

Trong Sài Gòn có nhiều sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả và đèn sân khấu lúc nào cũng sáng cả tuần nên nghệ sĩ chúng tôi ở đây có nhiều cơ hội kiếm sống. Khán giả trong đó cũng đến rạp xem rất đông và càng ngày cũng càng khó tính, kén chọn vở diễn chứ không dễ xem như trước, vì thế tất cả anh em phải dồn hết sức trong mỗi buổi diễn để kéo khán giả về mình chứ không khán giả quay lưng đi thì anh em sẽ khổ. Nếu mình cố gắng hết mình thì khán giả sẽ không bao giờ rời bỏ mình đi đâu em.

Khán giả Huế có nhiệt tình như trong Sài Gòn không anh?

Trước khi đi, tôi cũng đã dò la thì thấy người Huế cũng ít khi xem kịch. Nhưng khi đoàn đến đây, chúng tôi không ngờ có khán giả đến xem đông như tối hôm mình diễn vậy. Chính sự cổ vũ quá sung của khán giả Huế thể hiện qua nhiều tràng pháo tay, nhiều trận cười sảng khoái đã làm hưng phấn thêm mình và các bạn lúc diễn trên sân khấu. Cứ mỗi lúc hạ màn mà nghe vỗ tay rào rào là trong lòng thấy sướng quá trời.

Diễn xuất nội tâm của nhân vật ông Minh
Khán giả Huế vào rạp xem đông nghịt vở "Hồn ma báo oán" và nhiều vở kịch khác sau này kể từ khi Liên hoan khai mạc được 2 ngày

Anh có kiến nghị các cấp cao hơn về sự cần thiết để kịch nghệ Việt Nam  ngày càng phát triển?

Kịch nói là đặc sản chung của mỗi vùng mỗi miền cũng như mỗi nơi đều có một món ăn đặc sản riêng độc đáo. Tôi mong muốn sao mai mốt nữa sẽ có một sự dung hòa giữa các miền, khán giả sẽ thưởng thức được các món ăn như nhau và thích thú với tất cả món ăn đó. Đó là sự phối hợp, kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa 3 miền tạo nên một tiếng nói lạ. Tôi nghĩ là sẽ rất lạ, rất hấp dẫn. Ngay với công chúng khi xem mà thấy có các anh em ở 3 miền ra diễn thì sẽ rất thích và ngay anh ra diễn cũng thấy có gì nó lạ và hay. Anh nghĩ đó là sự kết hợp trong một vở diễn có yếu tố 3 miền với nhau. Chúng ta nên thử nghiệm từ từ, để anh em 3 miền giao lưu để cùng diễn chung với nhau. Như anh em Hà Nội dàn dựng một vở diễn rồi anh em Sài Gòn và Huế cùng ra diễn và ngược lại.

Diễn xuất nội tâm của nhân vật ông Minh
Cảnh ông Minh (bên phải, NS Bảo Trí) thành điên loạn sau khi bị vợ, con trai, con gái chết bất đắc kỳ tử vì bị quả báo

Diễn viên phải có một mái nhà, có người chỉ bảo. Như anh diễn tự do, nay đây mai đó nên không có sự định hướng nghề nghiệp chuẩn. Đợt này nhờ mái nhà của sân khấu kịch Sài Gòn nên anh mới thể hiện 1 nhân vật mà mình mơ cũng không thể nào có. Làm gì thì làm, diễn viên phải có một mái nhà để phát huy khả năng của mình. Không có một mái nhà , không có sân khấu, không có những vở kịch hay, những vai diễn hay thì diễn viên dù tài năng đến chừng nào thì người ta cũng không thể thấy sâu tài năng của mình.

Xin cảm ơn, chúc anh gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp và các kỳ liên hoan lần sau.

Vở kịch "Hồn ma báo oán" cùng với "Tội ác và quyền lực" của Công ty CP Đầu tư Giải trí Phước Sang có đến 4 diễn viên (2 diễn viên mỗi vở) được Huy chương vàng cho nghệ sĩ xuất sắc nhất. Tiếp đến là Công ty CP Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn (3 HCV), Công ty CPDV Truyền thông quảng cáo Sài Gòn Phẳng (2 HCV), Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM (1 HCV), Công ty TNHH Nụ cười mới (1 HCV) và Nhà hát sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần (1 HCV)... Dù số lượng đoàn diễn chưa bằng 1/2 các đoàn từ Bắc nhưng tất cả các đoàn từ Nam ra đều có được diễn viên nhận HCV, chiếm gần 1 nửa số HCV từ liên hoan. Đặc biệt nhiều đơn vị xã hội hóa tại Sài Gòn có số HCV rất cao mà Công ty CP Đầu tư Giải trí Phước Sang là một ví dụ điển hình


Đại Dương - Anh Việt