Thái Bình:

Vinh danh "tục chơi sáo diều" là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Đức Văn

(Dân trí) - “Tục chơi sáo diều trong lễ hội Sáo Đền" ở xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ngày 8/11, UBND xã Song An, huyện Vũ Thư, Thái Bình đã tổ chức lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vinh danh "Tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền" do Bộ VHTT&DL trao tặng.

Vinh danh tục chơi sáo diều là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - 1

Từ xa xưa, hội làng Sáo Đền được coi là một hội lớn của trấn Sơn Nam Hạ, tổ chức trong quần thể Đốc Hỗ Điện

Từ xa xưa, hội làng Sáo Đền được coi là một hội lớn của trấn Sơn Nam Hạ, tổ chức trong quần thể Đốc Hỗ Điện. Tục chơi diều sáo được thực hành trong lễ hội Sáo Đền từ ngày 22 - 28 tháng Ba Âm lịch, chính hội là ngày 24 - 26.

Lễ hội có các nghi thức như tắm tượng, rước kiệu ngài Đô đài lực sĩ Đại tướng quân Nguyễn Tất Ứng từ đền Đồng Quàn, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư về cáo yết Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, giỗ Thánh Mẫu, thi diều và các trò diễn: chọi gà, cờ tướng, kéo co, bắt vịt, đi cầu ngô, đập niêu đất, tổ tôm...

Vinh danh tục chơi sáo diều là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - 2

Hàng năm, cứ đến ngày hội Sáo Đền, phần thi sáo diều thu hút rất đông đảo du khách thập phương và nhân dân tham dự.

Tục chơi diều sáo gắn với truyền thuyết bà Ngọc Dao đưa Lê Tư Thành về quê lánh nạn. Để giải sầu, bà thường cho con thi diều với trẻ con trong làng. Một truyền thuyết khác lại cho rằng tục thả diều nhằm tưởng nhớ Quốc công Đinh Lễ, người đã chỉ dẫn binh lính làm và thả diều vừa để động viên quân sĩ, vừa là ám hiệu chỉ huy quân. Vì thế, khi ông được cấp đất thế nghiệp ở An Lão, con cháu họ Đinh tổ chức thi thả diều để tưởng nhớ công lao của ông, dần dần trở thành một tục lệ trong lễ hội Sáo Đền. Dù là truyền thuyết nào đúng thì đều có chung một nội dung là tưởng nhớ công lao của tổ họ Đinh làng An Lão và Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Quần thể di tích Sáo Đền hiện nay gồm 3 chùa và 2 đền nhỏ, Đền Mẫu là nơi thờ Quốc Thái Phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế cùng Thánh Mẫu Ngô Thị Ngọc Giao; Đền Tam Quốc Công thờ Đinh Lễ, Đinh Liệt, Đinh Bồ ngay cạnh Đền Mẫu; Chùa Son (Gián Nghị - Song An) thờ Phù Dung công chúa - chị ruột của vua Lê Thánh Tông; chùa Kiếu (An Phúc - Song An) thờ Công chúa - con gái đầu lòng của vua Lê Thánh Tông; Chùa Quỳnh (Gia Hội - Song An) thờ Tướng quân Đinh Huệ Công - con trai thái sư Đinh Lễ.

Hàng năm, cứ đến ngày hội Sáo Đền, phần thi sáo diều thu hút rất đông đảo du khách thập phương và nhân dân tham dự.

Mỗi chiếc sáo diều gồm hai bộ phận: diều và sáo. Diều có các loại cánh doi, cánh bầu, cánh cốc hay còn gọi là cánh tiên, hình dáng cầu kỳ, đa dạng. Tuy nhiên, số lượng nhiều hơn cả là diều cánh doi, vừa dân dã mà lại có thể cõng được các bộ sáo lớn.

Vinh danh tục chơi sáo diều là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - 3

Tại buổi lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, có 52 CLB sáo diều tại Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Cần Thơ, Khánh Hòa... và các CLB sáo diều địa phương.

Về diều sáo và thể thức thi, sáo có các loại: Bộ 5, bộ 4, bộ 3, bộ 2 với các âm thanh cồng, còi, go, ghí, gô. Diều sáo phải làm bằng chất liệu truyền thống như tre, nứa, luồng, miệng sáo bằng gỗ hoặc bằng đồng. Diều có kích cỡ từ 2m trở lên.

Tại buổi lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, có 52 CLB sáo diều tại Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Cần Thơ, Khánh Hòa... và các CLB sáo diều địa phương.

Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia diễn ra trong ngày mồng 7 và 8/11.