Viết - vẽ bậy lên các điểm du lịch: Sự thiếu ý thức đã đến hồi báo động?

(Dân trí) - Đã đến lúc cần phải gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn viết - vẽ bậy lên di tích, điểm du lịch của một bộ phận khách du lịch?

Di tích, điểm du lịch... chằng chịt nét viết - vẽ

Mới đây, cư dân mạng tiếp tục dậy sóng trước hình ảnh một người đàn ông ngang nhiên cầm bút vẽ bậy lên biểu tượng bàn tay nâng đỡ Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà - Đà Nẵng.

Theo đó, khi phát hiện người đàn ông trung niên diện trang phục lịch sự dùng bút xóa viết dòng chữ “DT11678” lên hình tượng bàn tay đỡ Cầu Vàng đã có người tiến tới nhắc nhở nhưng người này không nghe. Thậm chí, người đàn ông này còn dùng điện thoại để chụp lại “chiến tích” của mình khiến người xem không khỏi bức xúc.

Viết - vẽ bậy lên các điểm du lịch: Sự thiếu ý thức đã đến hồi báo động? - 1

Hình ảnh người đàn ông dùng bút xoá ngang nhiên đứng vẽ bậy trên Cầu Vàng - Đà Nẵng gây bức xúc dư luận.

“Cầu Vàng được vinh danh trên báo nước ngoài đó trời ơi! Rồi du khách nước ngoài đến đây thấy những dòng chữ xấu xí này, họ sẽ cảm thán ra sao?”, một người bình luận.

“Đi du lịch còn xách theo bút xóa. Thiệt không thể hiểu nổi là mấy người này lại thích “thể hiện” như thế làm gì nhỉ? Đã bị nhắc rồi mà vẫn cố viết lên cơ!”, một lời bình luận khác.

Hồi cuối tháng 3/2019, một làn sóng phẫn nộ cũng đã lan rộng trên mạng xã hội khi xuất hiện hình ảnh một cặp đôi dùng bút xoá viết lên tượng đá trên đỉnh Fansipan - Lào Cai. Nhiều thành viên trên diễn đàn du lịch thậm chí còn đòi lập nhóm để truy lùng bằng được danh tính của hai nhân vật thiếu ý thức đã làm vấy bẩn khung cảnh đẹp đẽ của “nóc nhà Đông Dương”.

“Đây là bức tượng đá có linh hồn ở đỉnh Fansipan của Sapa mà một bạn nam tên Tú và bạn nữ tên Nhung khắc tên mình lên. Đây là một sự thiếu ý thức của lớp trẻ, có tý tiền đi du lịch không chịu ngắm cảnh mà lại vẽ bậy lên mọi nơi”, một thành viên bình luận.

Tài khoản có tên V.T bức xúc đặt câu hỏi: “Đây là sự phá hoại, đi du lịch mà không có văn hóa, không có ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thì tốt nhất là nên ở nhà. Sẽ ra sao nếu ai cũng muốn ghi tên mình trên đỉnh Fansipan như thế này?”.

Thực tế, việc viết và vẽ bậy lên các công trình du lịch, di tích lịch sử, văn hóa ở Việt Nam không phải mới xảy ra. Cách đây ít lâu, cư dân mạng từng phẫn nộ khi bức tường đá trên đỉnh Mã Pí Lèng (Hà Giang) bị du khách vẽ bậy trở nên nham nhở, xấu xí. Năm 2018, trên mai rùa đá tại chùa Thiên Mụ (Huế) cũng bị du khách vẽ chi chít.

Ngoài ra, ở các điểm di tích lớn của Hà Nội như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cột Cờ - Hà Nội, Tháp Hoà Phong – Hồ Hoàn Kiếm... cũng bị nhiều du khách vẽ bậy tới mức không thể nhận ra đó là những di tích đã được xếp hạng.

Điều đáng nói là việc xử lý các vết bẩn này làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết cấu của di tích – danh thắng. Để xoá bỏ dòng chữ do người đàn ông vẽ lên biểu tượng bàn tay đỡ cây Cầu Vàng, các công nhân kỹ thuật hạ tầng của khu du lịch đã phải mất tới 4 giờ để sơn - sửa.

Để xoá bỏ dòng chữ trên tượng đá Fansipan, bộ phận kỹ thuật cũng phải dùng máy móc chuyên dụng để mài mặt đá tự nhiên cho đến khi dòng chữ biến mất. Tuy nhiên, sau công đoạn này, khu vực khắc dòng chữ đã bị xước lại phải cần thêm thời gian để tiếp tục khắc phục.

Nạn viết - vẽ bậy đã đến lúc phải báo động

Theo thống kê của ngành văn hóa, cả nước hiện có hơn 40.000 di tích - điểm tham quan trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh. Điều đáng buồn là phần lớn các di tích này đều bị xâm hại bởi nạn “vẽ bậy”.

Viết - vẽ bậy lên các điểm du lịch: Sự thiếu ý thức đã đến hồi báo động? - 2

Dòng chữ vô ý thức của một cặp đôi trên tượng đá Fansipan khiến dư luận bức xúc hồi tháng 3/2019.

Một số thành viên trong diễn đàn du lịch cho rằng, đa số các dòng chữ - hình vẽ bôi bẩn các điểm di tích - điểm du lịch trong cả nước là do những người trẻ thiếu ý thức gây nên. Và đã đến lúc cần phải xem đây là một vấn nạn và phải có sự báo động khẩn cấp về tình trạng này.

Các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị quản lý khu du lịch phải đưa ra những chế tài thật nghiêm khắc để xử lý tận gốc những trường hợp vi phạm, hòng làm gương cho những người khác.

Chị Bùi Hà - Hướng dẫn viên du lịch một công ty lữ hành ở Hà Nội cho rằng: “Tôi làm hướng dẫn viên du lịch inbound (khách du lịch quốc tế) nên phải thường xuyên đưa khách đến các di tích, thắng cảnh nổi tiếng trong nước.

Mỗi khi thấy khách trố mắt ngạc nhiên trước những vết viết - vẽ đầy nham nhở và xấu xí ở các điểm tham quan là tôi chỉ nước muốn “độn thổ”. Tôi đau lòng và xấu hổ vô cùng tận. Nhiều khách thậm chí còn hỏi tôi “Tại sao người ta lại vẽ lên như vậy?” mà tôi không biết trả lời như thế nào.

Với tôi, mọi hành động vẽ - viết bậy lên di tích - điểm tham quan là một hành vi xâm phạm nghiêm trọng di tích. Đó là một sự ứng xử kém văn hoá và vô ý thức. Nó cho thấy tư duy bảo vệ di tích – thắng cảnh của người trẻ hiện nay cực kỳ hời hợt. Tôi vô cùng lo lắng nếu tình trạng này cứ lặp đi lặp lại mà không có chế tài xử phạt nào”.

Nhà Lí luận - Phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cũng bày tỏ rằng, ông không thể lí giải nổi việc viết – vẽ bậy lên di tích có gì vui mà người trẻ lại bất chấp đến thế.

“Các di tích - thắng cảnh là di sản cha ông để lại. Đó không phải là một công trình kiến trúc đơn thuần mà chứa đựng rất nhiều giá trị về văn hoá, lịch sử, tinh thần... vì thế không ai được quyền xâm phạm.

Các công trình du lịch được xây dựng nên với bao nhiêu công sức tiền của nhằm phục vụ mục đích tham quan chứ không phải để phá hoại. Đã không thể bảo vệ được thì cũng không nên phá hoại. Người trẻ ứng xử với di tích như thế quả là đáng lo ngại và xấu hổ”, ông Bình nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên bức xúc rằng, mọi hành động viết – vẽ bậy lên lên di tích đều vi phạm Luật Di sản văn hoá. Và phải xử lý thật nặng tay để sớm ngăn chặn sự việc này.

Bên cạnh đó, ông Vương Duy Biên cũng cho rằng, hành động viết – vẽ bậy lên di tích, điểm tham quan sẽ làm biến dạng di tích. Ở một góc độ nào đó thì cũng có xem là hành vi phá hoại di tích. Điều đáng nói là nó sẽ làm méo mó đi những giá trị văn hóa và nét đẹp của đất nước Việt Nam trong mắt du khách.

“Chúng ta đã có Luật Di sản nhưng chúng ta chưa xử phạt những hành vi này chính vì thế mới xảy ra tình trạng di tích - di sản bị xâm phạm như ngày nay. Tôi thật sự cảm thấy xấu hổ khi biết rằng, đối tượng viết - vẽ bậy lên di tích đa phần là những người trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Chủ nhân tương lai của đất nước mà ứng xử với di tích – di sản kiểu đó khác nào phá nát”, ông Biên nói.

Hà Tùng Long