Việt Nam là “thiên đường mua sắm dành cho khách thông minh”?
(Dân trí) - Trên báo Anh, Việt Nam vừa được gọi là "Thiên đường mua sắm dành cho những du khách thông minh". Tại sao?
Tờ Guardian (Anh) vừa đăng tải bài viết giới thiệu về du lịch làng nghề ở Việt Nam. Chuyến đi qua những làng nghề thủ công truyền thống đã khiến Guardian gọi Việt Nam là thiên đường mua sắm dành cho những du khách thông minh.
Bắt đầu với một chiếc bình trà bằng sứ nhỏ xinh, rồi một chiếc đĩa gỗ phủ sơn mài, rồi một chiếc khăn dệt bằng tay… Đó là những món đồ lưu niệm được mua ở thời điểm khởi đầu chuyến hành trình du ngoạn Việt Nam của cô Liz Boulter - một biên tập viên chuyên mục du lịch của tờ The Guardian (Anh).
Ngay từ giây phút đầu tiên này, Liz đã biết mình đã “cắn câu” trong chuyến đi “sẽ chỉ toàn mua sắm”. Liz khẳng định mình không phải người nghiện mua sắm nhưng những món đồ lưu niệm ở Việt Nam quá hấp dẫn. Hấp dẫn ngay từ giá cả, khi rất nhiều món thú vị có giá chưa tới 2 bảng (65.000 đồng).
Chuyến hành trình đến thăm các làng nghề đã đưa lại cho Liz góc nhìn độc đáo về con người, văn hóa và cảnh vật Việt Nam. Đến làng nghề nào, Liz cũng không thể cưỡng lại “cơn thèm mua sắm” và “mua cho tới khi không còn tay để xách… mua và cảm thấy hạnh phúc vì từng món đồ đã mua…”.
Những món đồ lưu niệm Liz mua ở Hà Nội - điểm khởi đầu của hành trình - đều là những món đồ thủ công. Cả đoàn 15 du khách người Anh cùng đi với Liz đều mê mải với những chiếc ví lụa, khăn lụa, túi xách, đồ gốm sứ, đồ trang sức “handmade"…
Chuyến đi của họ kéo dài hơn 2 tuần và họ đều phải dặn nhau rằng không nên mua quá nhiều vì sợ sẽ không thể mang hết về Anh, nhưng rồi những món đồ thủ công nhỏ xinh này luôn khiến họ “tặc lưỡi” và tự thuyết phục mình rằng “chẳng tốn nhiều diện tích đâu”.
Sau khi thăm thú ở Hà Nội, họ đi lên vùng núi phía Bắc Việt Nam. Điểm đến là thung lũng Mai Châu - nơi sinh sống của những người Thái Trắng. Tại đây, Liz đã ghé thăm những ngôi làng chuyên sản xuất thủ công những mặt hàng khác nhau, có làng chuyên về đồ sơn mài, có làng chuyên về đồ thổ cẩm…
Mai Châu nằm cách Hà Nội khoảng 100km, nơi đây duy trì cuộc sống nông thôn điển hình của những làng quê Việt Nam, với cánh đồng lúa trải dài và những rặng núi xa xa trùng điệp, thấp thoáng trên đồng là bóng nón lá và những chú trâu cần mẫn.
Đến thăm Mai Châu, Liz tự mua cho mình những chiếc bát gỗ phủ sơn mài, mua cho con gái những món đồ trang sức “handmade”, mua cho bạn bè những chiếc khăn thổ cẩm dệt tay…
Theo Liz, những làng nghề truyền thống như thế này rất thu hút du khách phương Tây. Đặc biệt là những làng nghề “thức thời” như ở Mai Châu, người dân đã mở ra dịch vụ “homestay”, để du khách phương xa nghỉ lại cùng với gia đình.
Đoàn của Liz cũng “homestay”, họ được ở trong một nhà sàn truyền thống của Bản Lác, ăn những bữa cơm do gia đình chủ nhà chuẩn bị…
Trở về Hà Nội, Liz lại cùng đoàn đến thăm làng nghề Xuân Lai ở Bắc Ninh. Ở đây, tre được hun khói theo cách làm truyền thống đã có từ hàng thế kỷ nay. Những cây tre mới đốn hạ sẽ được ngâm dưới ao khoảng 6 tháng trước khi lấy lên đem hun khói.
Tại đây, những thân tre được xử lý để tạo thành những chiếc bàn, chiếc ghế, thậm chí chiếc giường, chiếc tủ… Ở đây, không có món đồ nào đủ nhỏ để Liz có thể mua, nhưng nhìn ngắm những món đồ nội thất đẹp đẽ và lạ mắt này, Liz tin rằng nếu chúng sang được thị trường Anh - Mỹ, chắc chắn sẽ “gây bão” tại thị trường đồ nội thất nơi đây.
Hành trình của Liz ở Việt Nam kết hợp thăm quan làng nghề với chiêm ngưỡng cảnh vật, trải nghiệm văn hóa. Đoàn của Liz đi từ Bắc chí Nam, họ đã thăm cả Hạ Long, Huế… Đến đâu họ cũng tìm mua được những món đồ lưu niệm nhỏ với giá rẻ bất ngờ, chẳng hạn một chiếc áo lụa có giá chỉ 6 bảng (200.000 đồng).
Đến làng hương Thủy Xuân ở Huế, Liz gặp những người phụ nữ làm nón lá, họ ghép từng chiếc lá nón đã được phơi khô, cẩn thận khâu bằng tay, để làm được một chiếc nón mất cả nửa ngày nhưng họ chỉ bán với giá 3 đô la (65.000 đồng), ngoài ra, ở đây, người ta chủ yếu làm hương với rất nhiều công đoạn phức tạp.
Liz không mua hương nên cô chọn mua một chiếc nón. Cô tự nhận rằng mình trông thật ngố khi đội nón nhưng một chiếc nón “handmade” cầu kỳ tới từng đường kim mũi chỉ như thế này sẽ khiến ngôi nhà ở London của cô lưu giữ được một nét cổ kính của Việt Nam… Vì vậy, cô không thể không mua cho mình một chiếc nón.
Hành trình tiếp tục tới Hội An, đây là thiên đường mua sắm thú vị nhất trong số những nơi Liz từng ghé qua trên “đất nước của những nụ cười”. Nơi đây có tranh lụa, đồ gốm sứ, đồ thêu, thiệp nghệ thuật, đồ chơi “handmade”… Vậy là “cơn khát mua sắm” lại tiếp tục với những quần áo lụa, đèn lồng xếp… dành cho những đứa trẻ ở nhà đang háo hức chờ quà của Liz trong ngày về.
Những ngày lưu lại ở Nha Trang cũng rất tuyệt vời, thiên nhiên ở đây tuyệt đẹp, đoàn của Liz ngụp lặn với những dải san hô ở đảo Hòn Mun, tắm bùn ở suối nước nóng Tháp Bà và sau đó họ ghé huyện Cam Lâm để thăm làng nghề đan móc.
Ở đây, phụ nữ thường tận dụng thời gian rảnh rỗi để đan móc những búp bê vải, túi đựng điện thoại, nơ buộc tóc, tranh, đồ trang trí… Điều chắc chắn là Liz lại không thể thôi mua sắm.
Cảm giác vui thích khi đi mua sắm ở Việt Nam kéo dài từ đầu đến cuối cuộc hành trình. Chặng cuối, Liz đến với miền Nam. Ở một vùng ngoại ô của TPHCM, Liz “chết mê” một cảnh trí Thiên Chúa giáng sinh được thực hiện tỉ mỉ từ giấy bìa, rất phù hợp để bày trong nhà mỗi dịp Giáng sinh. Ở Anh, những món đồ thủ công như thế này không dễ gì mua được còn ở Việt Nam, những món đồ tuyệt vời này có thể bắt gặp tình cờ ở bất cứ đâu.
Hành trình kết thúc với vùng châu thổ sông Mekong, họ lại “homestay” với người dân bản địa, đi thăm chợ nổi Cái Răng. Tại đây, Liz bắt gặp những món đồ đan lát xinh xắn được các bà lão luôn miệng cười thực hiện “nhoay nhoáy”. Các bà có những ngón tay linh hoạt, khéo léo nhất Liz từng được thấy. Cô chọn mua cho mình một số dụng cụ nhà bếp bằng gỗ.
Kết thúc chuyến thăm Việt Nam, nhìn lại những “chiến lợi phẩm” của mình, Liz nhận ra rằng mình đã “phải lòng” quá nhiều món đồ thủ công ở nơi đây, đến mức cô đang phải nghĩ đến việc bỏ bớt đồ của mình ở lại để có thể mang tất cả những “chiến lợi phẩm” này về Anh.
Bích Ngọc
Theo Guardian