Vì sao người Mỹ ngày càng ngần ngại trước cụm từ "Black Friday"?

Bích Ngọc

(Dân trí) - Một khảo sát mới đây cho thấy, dù nước Mỹ là quê hương của "Black Friday" nhưng qua thời gian, nhiều người trẻ ở quốc gia này không còn hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ "Black Friday".

Vì sao người Mỹ ngày càng ngần ngại trước cụm từ Black Friday? - 1

Một khảo sát mới đây cho thấy, dù nước Mỹ là quê hương của "Black Friday" nhưng qua thời gian, nhiều người trẻ ở quốc gia này không còn hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ "Black Friday" (Ảnh: Daily Mail).

Một khảo sát mới được thực hiện bởi trang tin dành cho sinh viên - Campus Reform (Mỹ) đã gây sửng sốt khi cho thấy rằng nhiều bạn trẻ tại Mỹ cảm thấy ngần ngại trước cụm từ "Black Friday" (Thứ Sáu Đen) vì cho rằng tên gọi này có yếu tố... phân biệt chủng tộc.

Nhiều bạn trẻ trả lời phỏng vấn của tờ Campus Reform đã cho rằng từ "black" trong bối cảnh đời sống văn hóa đại chúng hiện tại có thể gây nên những sự nhạy cảm, khiến người Mỹ gốc Phi cảm thấy không thoải mái. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nhiều bạn đã hiểu sai ý nghĩa của từ "black" trong "Black Friday", khi được giải thích để hiểu đúng, nhiều bạn liền thay đổi quan điểm của mình.

Sau đó, nhiều người trẻ đã không còn muốn đổi tên cho ngày "Black Friday" nữa, bởi họ hiểu rằng từ "black" thực ra không hề có ý liên hệ gì tới vấn đề màu da, chủng tộc.

Cái tên "Black Friday" được đặt ra là để nói về tình hình tài chính mong ước của các nhà bán lẻ, rằng họ sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận lớn trong dịp mua sắm đặc biệt này, để cán cân lợi nhuận sẽ chuyển sang "đen" (có lãi) thay vì "đỏ" (bị lỗ).

Qua thời gian, "Black Friday" đã trở thành một thời điểm kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Ở thời điểm này, các nhà bán lẻ đều có chương trình khuyến mại đặc biệt để thu hút khách hàng đến với mình.

Vì sao người Mỹ ngày càng ngần ngại trước cụm từ Black Friday? - 2

Khảo sát của Campus Reform cho thấy, dù nước Mỹ là quê hương của "Black Friday" nhưng nhiều người trẻ ở quốc gia này hiện không còn hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ "Black Friday" (Ảnh: Daily Mail).

Khảo sát của Campus Reform cho thấy, dù nước Mỹ là quê hương của "Black Friday" nhưng nhiều người trẻ ở quốc gia này hiện không còn hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ "Black Friday". Trên một số diễn đàn, người ta thậm chí đã tranh luận về việc nên... đổi tên cho ngày "Black Friday" thành "Holiday Buying Day" (Ngày hội mua sắm) hay "Spending Day" (Ngày tiêu dùng)... để tránh "nhạy cảm".

Hiện tại, một số người trẻ tại Mỹ còn bắt đầu hình thành những quan niệm mới về hoạt động tiêu dùng, mua sắm, săn "sale" trong dịp "Black Friday".

Nhiều bạn trẻ cho biết họ sẽ không mua sắm gì nhiều trong dịp này và coi đây là một cách tiêu dùng có trách nhiệm: không mua sắm xô bồ, không "ham hố" những "deal" giảm sốc để rồi mua cả những món đồ mình không thực sự cần đến, gây lãng phí tiền bạc và thậm chí là gia tăng lượng rác thải thời trang, rác thải điện tử... gây nên hệ lụy cho môi trường.

"Thứ Sáu Đen" (tiếng Anh: "Black Friday") là tên gọi đang được sử dụng tại nhiều quốc gia dành cho ngày thứ sáu sau Lễ Tạ ơn (tại Mỹ, ngày Lễ Tạ ơn rơi vào ngày thứ năm lần thứ tư trong tháng 11, nên "Thứ Sáu Đen" sẽ rơi vào cuối tháng 11).

Đây được coi là ngày mở đầu cho mùa mua sắm chuẩn bị cho dịp nghỉ lễ Giáng sinh - năm mới. "Black Friday" bắt đầu được các hãng bán lẻ tại Mỹ đẩy mạnh kể từ năm 2005, họ cùng biến ngày này trở thành ngày mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm. Nhiều cửa hàng giảm giá mạnh trong "Thứ Sáu Đen" để hấp dẫn lượng khách hàng lớn.

"Thứ Sáu Đen" không phải là ngày nghỉ lễ chính thức tại Mỹ, nhưng nhiều bang tại Mỹ vẫn coi ngày sau Lễ Tạ ơn như một ngày nghỉ cho nhân viên. Như vậy, nhân viên sẽ được nghỉ trong ngày Lễ Tạ ơn và ngày thứ sáu sau đó, tiếp đến là hai ngày cuối tuần, tạo thành một chuỗi 4 ngày nghỉ liên tục, kỳ nghỉ này góp phần làm tăng số lượng người đi mua sắm tại Mỹ.