Vì sao người đẹp liên tục thi "chui"?

(Dân trí) - Chuyện người đẹp “vượt rào” ra nước ngoài tham gia các “đấu trường nhan sắc” từ lâu đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thế nhưng, cho đến bây giờ, các cơ quan quản lý vẫn chưa có giải pháp nào để giải quyết sự việc này một cách thoả đáng.

 

 

Nhiều người đẹp, người mẫu dù biết rõ nếu ra nước ngoài tham gia các cuộc thi hoa hậu, người mẫu mà không có giấy phép hoặc không được cấp phép là sai luật nhưng vẫn “ngó mặt làm ngơ”.
Nhiều người đẹp, người mẫu dù biết rõ nếu ra nước ngoài tham gia các cuộc thi hoa hậu, người mẫu mà không có giấy phép hoặc không được cấp phép là sai luật nhưng vẫn “ngó mặt làm ngơ”.

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi...”

Trong 5 năm trở lại đây, cùng với sự bùng nổ của các cuộc thi nhan sắc trên thế giới, số lượng người đẹp Việt “vượt rào thi chui” cũng ngày gia tăng. Điều đáng ngạc nhiên là dù luật đã quy định rõ ràng về thủ tục đủ điều kiện được cấp phép tham gia các “đấu trường nhan sắc” bên ngoài lãnh thổ trên nhiều phương tiện truyền thông nhưng nhiều người đẹp vẫn kêu không biết luật. Năm 2013, Quế Vân đạt giải Á hậu 1 Hoa hậu Người Việt thế giới được tổ chức tại Mỹ. Tuy nhiên, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) lại hoàn toàn không hay biết gì về việc “bà mẹ hai con” này đi thi. Trả lời lí do vì sao đi thi chui, không xin phép cơ quan có thẩm quyền, Quế Vân hồn nhiên cho biết, cô cũng như nhiều người đẹp khác không biết phải làm hồ sơ xin cấp phép mới được thi hoa hậu.

Thậm chí, có những trường hợp dù đã biết rõ luật nhưng vẫn “đánh liều” đi thi rồi về chịu phạt vì không đủ thời gian hoặc không dám xin vì biết xin sẽ không được cấp phép. Người đẹp Phan Hoàng Thu sau khi lọt vào top 10 và đoạt giải phụ Hoa hậu Đông Nam Á tại cuộc thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế tại Malaysia về đã chia sẻ rằng cô biết rõ luật nhưng vì chỉ có một tuần để chuẩn bị nên không kịp xin phép và mong “mọi người thông cảm”. Mới đây, NTK Văn Thành Công thú nhận rằng, vì biết rõ theo luật chỉ 3 người đứng đầu một cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia trong nước mới được thi hoa hậu ở nước ngoài nên anh đã quyết định “xé luật” đưa Lâm Thuỳ Anh (tức Hoàng Thị Lắm) qua Hàn Quốc tham gia Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn cầu - Miss Global Beauty Queen 2015 rồi về chịu phạt.

Tương tự, trường hợp người đẹp Huỳnh Thuý Anh biết phạm luật nhưng vẫn 2 lần liên tiếp qua nước ngoài thi chui. Lần thứ nhất, cô bị phạt cấm mọi hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nước sau khi thi chui Hoa hậu Cộng đồng người Việt tại Mỹ. Tuy nhiên, chưa đầy 2 tháng sau, người đẹp tiếp tục vi phạm khi đến Đức tham dự Miss Intercontinential - Hoa hậu Liên lục địa 2014. Với lần tái phạm này cô phải nhận án phạt 22,5 triệu đồng từ Sở VH,TT&DL TP.HCM.

Luật quá cứng hay quá mềm?

Chứng kiến việc các người đẹp nhiều lần cố tình vi phạm quy định của pháp luật, nhiều người trong giới đã từng lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là Cục NTBD cần phải tăng khung hình phạt nặng để luật đủ sức răn đe hơn.

Bản thân ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở VH,TT& DL TP. HCM khi nói về “vấn nạn” này cũng đồng tình với quan điểm luật xử phạt các người đẹp thi chui còn quá mềm. Mềm ở đây chính là chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe và còn một vài kẽ hở nên các người đẹp đã không nghiêm chỉnh tuân theo luật.

Có thể nói, con số 15-30 triệu đồng mà Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành vào tháng 11/2013 để xử phạt các thí sinh ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế không có giấy phép dường như chẳng “nhằm nhò” gì đối với các người đẹp. Vì thực tế, những người đẹp nằm trong danh sách các người đẹp thi chui từ trước tới nay đa phần là những người vô danh. Họ chính là những người đang “khát khao” có được một danh hiệu để đường đường chính chính bước vào showbiz. Và chỉ chịu phạt có mấy chục triệu mà sau đó họ có thể tự do “bán” nhan sắc và danh tiếng kiếm tiền tỷ... thì chẳng dại gì mà không làm.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Việc luật quy định chỉ 3 người đứng đầu một cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia trong nước mới được thi hoa hậu ở nước ngoài cũng đang gây cản trở rất lớn đối với các người đẹp, người mẫu trong nước. Theo cựu người mẫu Thuý Hạnh thì không chỉ luật này mà luật cấm người mẫu đạt giải cao trong các cuộc thi người mẫu không được thi hoa hậu cũng là một điều hạn chế.

“Rõ ràng luật này đã khiến Việt Nam chúng ta bỏ phí rất nhiều cơ hội để có thể ghi tên trên bản đồ nhan sắc của nhiều cuộc thi hoa hậu. Theo tôi, chúng ta có thể nên điều chỉnh lại cho linh hoạt hơn. Chẳng hạn, những người đẹp từng nằm trong top 3 một cuộc thi nhan sắc có thể đại diện cho quốc gia tham gia các “đấu trường nhan sắc” quốc tế. Còn những ai không nằm trong diện đó thì chỉ được phép đi thi với tư cách cá nhân, không được đại diện cho quốc gia. Vì suy cho cùng, việc họ đạt được một giải thưởng nào đó cũng là niềm tự hào cho đất nước”, Thuý Hạnh nói.

Cũng theo Thuý Hạnh thì trong số các cuộc thi nhan sắc trên thế giới chỉ Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ là yêu cầu thí sinh dự thi phải từng đạt một giải chính thức tại các cuộc thi trong nước, còn một số cuộc thi chỉ yêu cầu về chiều cao, số đo ba vòng đạt chuẩn khả năng biểu diễn… Vì thế, việc cấm đoán hoặc không cấp phép cho những người đẹp tham gia các cuộc thi này cũng sẽ khiến họ phải chọn cách thi chui. Và càng như thế việc quản lý sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều và luật cũng mất đi tính nghiêm của luật.

Hoàng Khánh Đăng

Vì sao người đẹp liên tục thi "chui"? - 2