Vì sao một số bộ phim càng về sau càng đuối?

Hương Hồ

(Dân trí) - Nói về tình trạng càng về cuối càng đuối của một số phim, nhà văn, nhà biên kịch Trịnh Thị Thanh Nhã cho rằng, nguyên nhân liên quan đến sự vững chắc về kỹ năng xây dựng câu chuyện của các biên kịch.

Sau một giai đoạn xuất hiện hàng loạt phim truyền hình Việt mang hơi hướng tình tiết drama (tình huống kịch tính, gay cấn) thì nửa đầu năm 2023, dòng phim có nội dung nhẹ nhàng, mang lại năng lượng tích cực, không cần tạo drama lại trở nên thịnh hành với các tác phẩm như Đừng làm mẹ cáu, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Gia đình mình vui bất thình lình…

Những bộ phim này như làn gió mới khi sở hữu kịch bản gần gũi, đời thường mà không cần tạo nhiều chi tiết cao trào, gây căng thẳng cho người xem.

Khán giả đều nhanh chóng bị thu hút bởi cuộc sống của người lao động ở xóm trọ dưới chân cầu Long Biên trong Cuộc đời vẫn đẹp sao. Dù nghèo khó nhưng sự lạc quan vẫn luôn thường trực ở những người lao động ấy - họ nương tựa, chia sẻ với nhau để sống qua ngày. Hay đó là gia đình với những cá tính khác biệt cùng chung sống nhưng vẫn luôn tràn ngập tiếng cười trong Gia đình mình vui bất thình lình…

Mặc dù có sự đổi mới trong kịch bản, tuy nhiên, càng về chặng đường cuối, những tác phẩm này vẫn gặp phải những phản ứng tiêu cực của một bộ phận khán giả. Họ cho rằng, các phim lộ rõ sự "đuối" ở phần cuối.

Có thể nói, đây là tình trạng chung của phim truyền hình Việt giờ vàng nhiều năm qua?

Vì sao một số bộ phim càng về sau càng đuối? - 1

Diễn xuất ấn tượng của Thanh Hương và NSƯT Hoàng Hải trong phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao" (Ảnh: VTV).

Nhân vật vẫn còn chưa thuyết phục ở phần cuối

Trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao, ngoài cuộc sống của người lao động nghèo, chuyện tình cảm của Lưu (NSƯT Hoàng Hải) và Luyến (Thanh Hương) chính là yếu tố thu hút khán giả. Tuy nhiên, những phân cảnh của cặp đôi này thường xuyên bị "loãng", chuyện tình cảm của họ không tiến triển bởi sự xuất hiện của loạt nhân vật phụ như Bát (Tuấn Anh), Nghĩa (Thanh Dương)...

Trên các diễn đàn, nhiều khán giả bày tỏ sự bức xúc khi nhân vật Bát liên tục "chiếm sóng", thậm chí có cách cư xử khiến người xem ức chế.

"Đang xem hay lại nhìn thấy nhân vật Bát mà chán chẳng muốn xem"; "Sao nhân vật Bát này ngày càng khốn nạn hơn không thay đổi, nhìn bức xúc không muốn xem nữa", "Phim sắp hết rồi mà Bát chiếm sóng nhiều quá", "Xem Bát chỉ muốn tát"… là những bình luận của khán giả.

Vì sao một số bộ phim càng về sau càng đuối? - 2

Nhân vật Bát (Tuấn Anh) trong "Cuộc đời vẫn đẹp sao" xuất hiện dày đặc khiến khán giả ức chế (Ảnh: VTV).

Ngoài ra, nhân vật Nghĩa (Thanh Dương) xuất hiện khiến nữ chính Luyến cũng nhận không ít ý kiến trái chiều. Nhiều người bày tỏ sự khó chịu, bức xúc khi Luyến "đong đưa" với Nghĩa, không thể hiện rõ ràng việc thích hay không thích. Những cảnh tán tỉnh giữa Luyến - Nghĩa không được lòng người xem và bị cho là dài dòng, cố ý tăng kịch tính.

Cuộc đời vẫn đẹp sao sẽ tăng số tập phát sóng lên 42 so với 30 tập trong kịch bản ban đầu. Chia sẻ về điều này, diễn viên, MC Hà Đan đảm nhận vai Phương Nga đã cho biết: "Lý do là vì ê-kíp đã rất cố gắng để khắc họa kỹ từng tuyến nhân vật, mỗi nhân vật đều được đạo diễn cho thêm màu sắc để diễn biến tâm lý của mỗi người đều uyển chuyển nhất, chân thật nhất".

Nữ diễn viên nói, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng luôn cân nhắc và cắt nhiều cảnh không cần thiết, cô đọng thoại hết sức có thể để tránh rườm rà cho phim chứ không hề có ý muốn kéo dài.

Bộ phim Gia đình mình vui bất thình lình cũng gặp tình trạng tương tự. Hiện tại, sau hơn nửa chặng đường phát sóng, mặc dù có nhiều tình huống gây cười, thú vị nhưng về cuối phim lại có nhiều chi tiết lan man, dài dòng.

Vì sao một số bộ phim càng về sau càng đuối? - 3

Tình huống mất nhẫn cưới của Thành (Doãn Quốc Đam) bị kéo dài đến 4 tập vẫn chưa ngã ngũ trong "Gia đình mình vui bất thình lình" (Ảnh: VTV).

Hơn 5 năm trở lại đây, phim truyền hình Việt giờ vàng đã có bước đột phá ấn tượng với những cái tên như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Về nhà đi con, Hoa hồng trên ngực trái, Hương vị tình thân, Thương ngày nắng về…

Sự phát triển của mạng xã hội cũng là yếu tố quan trọng đưa những bộ phim ấy phủ sóng mạnh mẽ tới đông đảo công chúng. Tuy nhiên, không có bộ phim nào làm hài lòng khán giả từ đầu đến cuối. 

Hương vị tình thân là một trong những ví dụ điển hình. Thời điểm ra mắt, phim nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả bởi sự quy tụ của dàn diễn viên "khủng" như NSND Như Quỳnh, NSND Công Lý, NSƯT Võ Hoài Nam, Mạnh Trường, Phương Oanh, Thu Quỳnh…

Phần 1 của phim cũng tạo hiệu ứng mạnh mẽ với tỷ suất người xem ấn tượng qua mỗi tập phát sóng. Tuy nhiên, sang phần 2, có một số ý kiến cho rằng đã bị giảm nhiệt. 

Vì sao một số bộ phim càng về sau càng đuối? - 4

Bộ phim "Hương vị tình thân" khiến nhiều khán giả than phiền khi thời lượng quảng cáo nhiều hơn thời gian của một tập phim (Ảnh: VTV).

Tương tự, Thương ngày nắng về dù sở hữu dàn diễn viên thực lực cùng kịch bản hấp dẫn nhưng lại bị cho là cố tình kéo dài thời lượng, khiến phim dần kém thu hút với khán giả.

Phần 2 Thương ngày nắng về chỉ xoay quanh bi kịch của nhân vật Khánh (Lan Phương) khi cô liên tục bị dồn vào bước đường cùng. Trong khi chuyện tình của Duy (Đình Tú) - Trang (Minh Huyền) và mối quan hệ của Trang với mẹ ruột (NSND Minh Hòa) vốn là những chi tiết hút khán giả lại bị một số khán giả cho là khai thác hời hợt.

Một vài nguyên nhân dễ nhận thấy

Nói về tình trạng càng về cuối càng đuối của một số phim truyền hình Việt, nhà văn, nhà biên kịch Trịnh Thị Thanh Nhã cho rằng, nguyên nhân liên quan đến sự vững chắc về kỹ năng xây dựng câu chuyện của các biên kịch.

"Khá nhiều biên kịch hiện nay không lưu tâm đến nghiệp vụ mà chỉ viết theo bản năng. Vài ba kịch bản phim tốt đều là sẵn có của nước ngoài, đã được khẳng định qua phim của họ. Các biên kịch làm công tác Việt hóa thực sự đã ít chú tâm và đặt câu hỏi vì sao họ thành công còn mình thì ngược lại khi tự sáng tác.

Nếu chú tâm một chút, họ sẽ thấy, để thành công cần một câu chuyện có đầu có cuối, thống nhất trên trục kịch tính và đích tới của câu chuyện. Từ đó sẽ tìm hiểu và tự bù đắp cái thiếu của mình".

Vì sao một số bộ phim càng về sau càng đuối? - 5

Nhân vật Khánh trong "Thương ngày nắng về" liên tục bị dồn vào những tình huống bi kịch (Ảnh: VTV).

Mặt khác, theo biên kịch Trịnh Thanh Nhã, việc đào tạo biên kịch cho phim truyền hình hiện nay khá bất cập. Trong chương trình đào tạo nghiệp vụ 4 năm của trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, chỉ dành 1 năm cho mục đào tạo này.

Thời gian để hoàn thiện các bước trong quy trình sáng tác kịch bản phim truyền hình khá eo hẹp, không cho phép thực hành tốt và kỹ. Vì thế, các biên kịch trẻ đều chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa", ra trường là rơi hết kiến thức.

Nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương từng chỉ ra một số nguyên nhân như: Biên kịch đưa ra nhiều tình tiết, nhân vật nhưng không đủ sức kiểm soát dẫn đến đuối dần khiến nội dung phim thiếu hợp lý. Nhà sản xuất cùng đạo diễn thấy phim thu hút nên yêu cầu biên kịch kéo dài thêm nội dung để tăng số lượng tập dẫn đến có hiện tượng lê thê.

Một nhà biên kịch khác (xin được giấu tên) cho hay, phim Việt đều khó làm số tập ngắn hơn. Thông thường ít nhất là 30 tập trở lên mới đủ thu nhập cho biên kịch và nhà sản xuất cũng lấy lại tiền đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận từ quảng cáo.