Vì sao màn ảnh Việt thiếu... “nam tính”?
(Dân trí) - Đã từ lâu, phim Việt thiếu vắng hình ảnh những nhân vật “anh hùng”, những “nam chính” mang vẻ đẹp mạnh mẽ, quyết liệt. Vì sao?
Cho đến bây giờ, dàn diễn viên ngôi sao của điện ảnh thị trường thập niên 90 thế kỷ trước vẫn có đủ sức mạnh “làm mưa làm gió” truyền thông và khán giả đương đại với những câu chuyện đời, những vai diễn, những sự trở lại sau hơn 10 năm vắng bóng. Hẳn vẫn còn nhiều người nhớ, Lý Hùng của những năm 90 từng chinh phục hàng ngàn khán giả hâm mộ với loạt các vai anh hùng hảo hán trong “Thăng Long đệ nhất kiếm”, “Tráng sĩ Bồ Đề”… Lý Hùng cùng với lò võ gia đình (bố là võ sư Lý Huỳnh, anh trai Lý Sơn) đã tỏa sáng với những vai nam chính võ nghệ cao cường, “vượt mặt” những diễn viên nam khác cùng thời. Nhắc lại để thấy, đã có một thời, những vai “anh hùng hảo hán”, những vai nam mạnh mẽ, quyết liệt, võ nghệ cao cường... là sức hút lớn của màn ảnh Việt.
Bẵng đi rất lâu, những nhân vật nam như thế không còn. Điện ảnh Việt chuyển mình với những nhân vật “thần tượng” khác. Những nhân vật nam chính thuộc giới tính thứ ba xuất hiện. Những nhân vật nam mềm mại hơn, dịu dàng hơn xuất hiện. Những nhân vật nam “xinh trai” xuất hiện. Chưa kể, còn xuất hiện cả những nhân vật nam “nhạt nhòa”, không phong cách, không dấu ấn, không màu sắc.
Theo phân tích của nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền, “Đề tài, câu chuyện của phim sẽ quyết định mẫu hình nhân vật. Những năm gần đây, phim Việt chủ yếu là phim giải trí, ra rạp với mục đích rất lớn là bán vé, tăng doanh thu. Bởi vậy, mỗi dự án phim đều phải xác định rõ đối tượng khán giả mà họ phục vụ, những khán giả sẽ bỏ tiền mua vé đến rạp xem phim. Trong đó, khán giả trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Đa số chỉ có những khán giả trẻ sẽ là người bỏ tiền mua vé xem phim. Phim ra rạp hướng tới khán giả này sẽ phải phục vụ thị hiếu của họ, phải “chiều chuộng” số đông. Chính vì thế, những mẫu hình nhân vật nam xinh trai kiểu Hàn Quốc, những nhân vật nam hài hước… sẽ xuất hiện”.
Trương Minh Quốc Thái với những vai nam tính hiếm có trên màn ảnh Việt hiện tại
Hay nói một cách hài hước như đạo diễn Tuấn Dũng từng nói, “Thời thế tạo anh hùng. Trên phim ảnh cũng vậy. Chưa kể, mỗi thời thế, mỗi bối cảnh lịch sử, mỗi câu chuyện phim lại có những mẫu anh hùng riêng, mẫu nhân vật nam với cá tính riêng”.
Bộ phim lịch sử “Những người viết huyền thoại” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tuy bị chê về cách kể chuyện dài dòng, lê thê nhưng lại được khen về nhân vật nam của Trương Minh Quốc Thái. Khi phim ra mắt, giới phê bình đã cho rằng, rất lâu rồi phim Việt mới có một nhân vật “anh hùng” đậm chất nam tính, khỏe khoắn, trai tráng, mạnh mẽ như nhân vật của Trương Minh Quốc Thái.
Mới đây, xuất hiện trong bộ phim lịch sử “Người trở về”, Trương Minh Quốc Thái thêm một lần nữa ghi điểm với khán giả bằng một vai nam tính, mạnh mẽ, quyết liệt- không chỉ trong trận chiến, mà trong cả tình yêu, cuộc sống. Quang- nhân vật của Trương Minh Quốc Thái bước ra khỏi chiến tranh đã đi tìm bằng được cô y tá đã đặt nụ hôn lên môi mình trong một trận bom để cưới cô ấy. Bằng sự chân thật, cách diễn sinh động, Quang- đã chinh phục khán giả với một cá tính rất quen với phái mạnh (mạnh mẽ, quyết liệt, khỏe khoắn) nhưng rất… lạ trên màn ảnh Việt.
Đặt giữa bối cảnh ra rạp cùng hàng loạt những phim giải trí như “Hy sinh đời trai”, “49 ngày”… Bộ phim “Người trở về” không chỉ khác biệt về nội dung, về đề tài, về câu chuyện, còn khác biệt về cả sự nam tính trong… nhân vật nam. Nếu Tấn Beo, Trường Giang… là sự nối gót của Thái Hòa và dòng phim giải trí, phim hài suốt bao nhiêu năm nay, ở đó- Trương Minh Quốc Thái là một vai nam khác biệt, rõ nét, không thể “đồng hóa”.
Trần Bảo Sơn trong phim "Quyên"
Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng, “Những nhân vật nam đầy chất nam tính, mạnh mẽ- cũng rất hay, và rất hấp dẫn. Nhưng, để những nhân vật nam như thế xuất hiện, còn phải phụ thuộc vào tài năng của người viết kịch bản. Phải có câu chuyện để những nhân vật nam như thế bộc lộ được nét nam tính, mạnh mẽ, “anh hùng” của mình. Và câu chuyện ấy lại phải thu hút được khán giả trẻ mua vé đến rạp”.
Không thuộc dòng phim chiến tranh, Trần Bảo Sơn với vai Hùng trong bộ phim “Quyên” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cũng là một vai nam chính được đánh giá mạnh mẽ, quyết liệt và nam tính. Một kiểu nhân vật nam “hiếm” của màn ảnh Việt. Tuy nhiên, câu chuyện của bộ phim “Quyên” (khác xa với câu chuyện của tiểu thuyết “Quyên”) đã gây tranh cãi khi ra rạp.
Giới chuyên môn cho rằng, câu chuyện của phim “Quyên” rời rạc, phi lo-gic. Bởi vậy, Hùng của Trần Bảo Sơn tuy là vai được khen ngợi nhất phim nhưng vẫn là nhân vật nam thiếu hấp dẫn với khán giả Việt.
Hào Hoa