Vì sao Củng Lợi thấy buồn khi bước đi trên thảm đỏ ở Cannes?
(Dân trí) - Khi nữ diễn viên Củng Lợi xuất hiện trên thảm đỏ của Liên hoan phim Cannes, cô đã khiến tất cả các ống kính máy ảnh phải hướng vào mình, và chính tại đây, cô đã nói rằng mình đang cảm thấy rất buồn giữa một sự kiện điện ảnh lớn nhất thế giới.
Khi nữ diễn viên Củng Lợi xuất hiện trên thảm đỏ của Liên hoan phim Cannes, cô đã khiến tất cả các ống kính máy ảnh phải hướng vào mình, một cách rất tự nhiên, đơn giản bởi Củng Lợi là cái tên “đã có thương hiệu” tại các sự kiện điện ảnh, được biết tới bằng hàng loạt những vai diễn in dấu ấn tại các liên hoan phim và từng xuất hiện trong những dự án điện ảnh lớn.
Tuy vậy, nữ diễn viên “Hồi ức một geisha” (2005) vẫn thẳng thắn chia sẻ với báo giới ở Cannes rằng năm nay, cô đến Cannes với một tâm thế thất vọng vì sự vắng bóng của những bộ phim Trung Quốc.
Năm nay, nếu Hàn Quốc có “The Handmaiden”, Philippines có “Ma’ Rosa” tranh giải ở hạng mục cao quý nhất - giải Cành Cọ Vàng, Nhật Bản có “After the Storm” và “Harmonium” tranh giải ở hạng mục Un Certain Regard (Một góc nhìn đặc biệt), thì Trung Quốc không có bất cứ một phim nào tranh giải dù vốn là một nền điện ảnh lớn ở Châu Á.
Thậm chí, ngay cả ở những hạng mục chiếu phim giới thiệu, nằm ngoài hạng mục tranh giải, cũng không có một phim Trung Quốc nào được lựa chọn. Củng Lợi đã ngay lập tức lên tiếng nhận định rằng đây chính là những dấu hiệu đầu tiên của một nền công nghiệp điện ảnh quá đề cao doanh thu.
Trước báo giới ở Cannes, Củng Lợi không ngần ngại chia sẻ: “Đương nhiên đây là vấn đề tiền bạc. Chúng ta cần phải giúp công chúng hiểu rằng điện ảnh không phải chỉ để giải trí. Điện ảnh có thể để lại nơi tâm hồn người xem những điều sâu sắc. Điện ảnh đâu phải chỉ để cười đùa, đâu phải chỉ để hài tếu. Điện ảnh có ý nghĩa lớn hơn như thế rất nhiều. Và không có nhiều người nói về những điều này trong nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc hiện nay”.
Dù đã ở tuổi 50 nhưng nhan sắc Củng Lợi vẫn lộng lẫy vẻ đẹp Á Đông thu hút mọi ánh nhìn. Trước đây, cô đã xuất hiện trong một số bộ phim tranh giải chính thức tại Cannes, vì vậy, Củng Lợi đã trở thành gương mặt quen thuộc ở đây, nhờ vào chính những hoạt động nghệ thuật được biết đến và được công nhận của nữ diễn viên.
Củng Lợi cũng đã từng là thành viên ban giám khảo chấm giải tại Cannes, năm nay, cô là đại sứ thương hiệu của một nhãn hàng mỹ phẩm danh tiếng tại Pháp, vì vậy, sự xuất hiện của Củng Lợi tại Cannes rất được chăm sóc về mặt hình ảnh.
Với gần ba thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, Củng Lợi đã đạt được một sự nghiệp đáng mơ ước, cùng với sự hợp tác của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu trong những bộ phim như “Cúc Đậu” (1990), “Đèn lồng đỏ treo cao” (1991), “Phải sống” (1994)…
Củng Lợi cũng đã từng có thời kỳ hoạt động ở Hollywood và tham gia vào những dự án điện ảnh như “Hồi ức một geisha” (2005), “Chuyên án Miami” (2006)…
Khi được hỏi liệu có phải do thiếu những vai diễn hay, có sức nặng, dành cho những diễn viên Châu Á mà Củng Lợi đã không thể có được một sự nghiệp đáng kể tại Hollywood hồi đầu thập niên 2000, Củng Lợi cho rằng vấn đề không nằm ở chủng tộc mà ở giới tính.
Cô cho biết: “Có rất nhiều vai diễn dành cho nam, nhưng không có nhiều vai diễn dành cho nữ. Có rất nhiều nữ diễn viên xuất sắc trong nền công nghiệp điện ảnh Mỹ nhưng lại không có đủ vai diễn cho họ. Để tìm được một vai diễn hay đã khó đối với họ lắm rồi, huống hồ là với một nữ diễn viên Trung Quốc.
“Làm thế nào để bạn có thể hòa nhập yếu tố Á Đông của mình vào trong kịch bản? Điều đó khó lắm. Làm thế nào để một nữ diễn viên Trung Quốc có thể làm việc ăn khớp với một ê-kíp toàn những đồng nghiệp nước ngoài? Chắc chắn không đơn giản đâu”.
Năm nay là một năm điện ảnh Trung Quốc bị “thất sủng” ở Cannes, một năm mà Cannes “lạnh nhạt” với điện ảnh Trung Quốc, bởi không có một bộ phim Trung Quốc nào được lựa chọn xuất hiện tại liên hoan năm nay, không có một vị giám khảo Trung Quốc nào được xướng tên trong danh sách ban giám khảo.
Một tình huống “tuyệt đối không” như vậy chưa từng xảy ra trong vòng hơn hai thập kỷ trở lại đây trong mối quan hệ giữa Liên hoan phim Cannes và điện ảnh Trung Quốc. Bởi trước nay Cannes vốn luôn chú ý tới việc cân bằng các màu sắc văn hóa - điện ảnh tại liên hoan phim lớn hàng đầu thế giới. Đây được xem là một “sự hy hữu khó hiểu”.
Dù điện ảnh Trung Quốc bị “lạnh nhạt” ở Cannes 2016 nhưng vẫn có những nữ diễn viên Trung Quốc tìm tới với thảm đỏ của Cannes. Đáng chú ý nhất có Củng Lợi và Lý Băng Băng - những gương mặt được xem là đại diện tiêu biểu cho màn ảnh Hoa ngữ.
Dù vậy, khi đã bước lên thảm đỏ Cannes, Củng Lợi vẫn mạnh dạn chia sẻ thẳng thắn những tâm tư của mình về nền điện ảnh trong nước, cô không hề “tảng lờ” sự thiếu vắng phim Trung Quốc tại liên hoan phim danh giá hàng đầu thế giới...
Trong khi những nữ diễn viên tên tuổi như Củng Lợi, như Lý Băng Băng xuất hiện trên thảm đỏ của Cannes là điều không có gì để phải bất ngờ thì hiện tại, mạng xã hội Trung Quốc lại đang bàn tán về một nữ diễn viên ít ai từng nghe tiếng - Zhao Erling.
Cô gái này đã xuất hiện trên thảm đỏ Cannes với một bộ váy sặc sỡ, diêm dúa và nán lại tạo dáng quá lâu đến mức nhân viên phục vụ thảm đỏ đã phải đề nghị cô rời đi.
Sự xuất hiện của những diễn viên không tên tuổi không phải là điều đáng ngạc nhiên ở những sự kiện đẳng cấp quốc tế như LHP Cannes, bởi như Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) bình luận: những diễn viên ít tên tuổi cũng thường tìm tới những sự kiện như thế này để đánh bóng, dát vàng cho hình ảnh của mình tại quê nhà.
Và Thời báo Hoàn cầu đã phải bình luận rằng: LHP Cannes từng một thời là sân chơi lớn cho những nhà làm phim Trung Quốc thể hiện tài năng, đáng buồn là dần dần sự kiện này lại trở thành nơi để một số diễn viên ít tên tuổi tìm đến, coi đó là công cụ quảng cáo cho mình trên nấc thang danh vọng.
Bích Ngọc
Theo Global Times/Washington Post