Vì sao cứ có "cảnh nóng" là phim Việt lại gây tranh cãi?
(Dân trí) - Mỗi khi phim truyền hình Việt xuất hiện một “cảnh nóng” là dư luận lại râm ran bàn tán, thậm chí “ném đá” không tiếc tay. Vì sao vậy?
Cứ có “cảnh nóng” lại gây tranh cãi
Nếu “cảnh nóng” trên phim chiếu rạp đã trở thành một thứ gì đó quá quen thuộc thì “cảnh nóng” trên phim truyền hình lại đang khiến người xem phải tập làm quen. Và cũng vì chưa thực sự quen nên mới có chuyện “năm người mười ý” mỗi khi có một cảnh nào đó hơi nhạy cảm xuất hiện trên truyền hình.
Năm ngoái, bộ phim “Quỳnh búp bê” mặc dù đã được gián nhãn 18+ (phim dành cho đối tượng 18 tuổi trở lên) bị tạm dừng phát sóng một thời gian vì gặp phải nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận do có quá nhiều cảnh bạo lực lẫn nhạy cảm là một ví dụ khá điển hình. Bộ phim này sau đó đã buộc phải chỉnh sửa lại để phù hợp hơn với khán giả truyền hình.
Trước đó, hàng loạt “cảnh nóng” trong phim “Mỹ nhân Sài Thành”, “Thương nhớ ở ai”, “Mộng phù hoa”… cũng được cư dân mạng “điểm mặt chỉ tên” vì sự tần xuất của “cảnh nóng” quá dày đặc và mức độ quá táo bạo. Đặc biệt, cảnh trong phim “Thương nhớ ở ai” tạo nên những cuộc bàn luận râm ran kéo dài.
Mới đây, một số “cảnh nóng” của phim “Những cô gái trong thành phố” cũng lại tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Ngay tập 5 của phim, nhân vật Cúc bị gã quản đốc gọi lên phòng riêng để thực hiện ý đồ đồi bại nhưng bất thành nhờ sự giải cứu của bảo vệ.
Tiếp đến, nhân vật Mai trước khi quyết định lấy người đàn ông hơn mình 44 tuổi để lấy tiền trả nợ cho mẹ đã tự nguyện “hiến dâng” cho người yêu.
Rồi Mai lại bị chồng sắp cưới giờ trò đưa vào khách sạn để chiếm đoạt nhưng khi phát hiện đã không còn trong trắng thì vội nói lời từ hôn. Chưa dừng ở đó, vì hoàn cảnh mà Mai phải theo An làm nghề rót bia tiếp khách và cô đã bị gã khách đưa vào nhà nghỉ để hãm hại nhưng bất thành.
Vì sao cứ có cảnh nóng thì phim truyền hình Việt lại gây tranh cãi? Và liệu có phải khán giả đang quá khắt khe với “cảnh nóng” khi nó đang phản ảnh thực tế cuộc sống của xã hội hiện đại?
Phải hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hoá
Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ, mỗi khi có một cảnh nào hơi nhạy cảm xuất hiện trên truyền hình lại khiến dân tình xôn xao là vì phim truyền hình vốn dĩ nghiêm túc hơn phim chiếu rạp, lại được phát sóng rộng rãi trên các kênh sóng lớn mà khó lòng kiểm soát được độ tuổi người xem nên khán giả nhìn nhận có phần khắt khe và khó tính hơn.
Tuy nhiên, theo đạo diễn phim “Cha cõng con” thì cảnh nóng phim truyền hình thời gian gần đây đã có rất nhiều sự khác biệt. Trước hết, nội dung phim nằm trong diễn biến của câu chuyện hoặc làm rõ các tình tiết chứ không phải được chắp nối vụng về, khiên cưỡng.
Tiếp nữa, cảnh nóng phim truyền hình cũng được tiết chế vừa phải và có góc quay kỹ thuật chứ không trần trụi, thô thiển… Bởi lẽ đó mà sự râm ran có dấy lên thì cũng chỉ nhẹ nhàng rồi chìm dần chứ không căng thẳng.
NSND Minh Châu cũng cho rằng, sở dĩ khán giả Việt chưa đối xử bình thường với “cảnh nóng” trên phim truyền hình là vì họ vẫn bị chi phối bởi những quan niệm của người Á Đông. Và điều này lại hoàn toàn mâu thuẫn khi phần đa những tập phim có chứa cảnh “cảnh nóng” lại có lượng người xem cao hơn hẳn những tập bình thường.
“Thực tế là khán giả vẫn ý kiến nhưng mắt vẫn xem là vì họ không thể chế ngự được sự tò mò. Chỉ có điều, họ thường tách “cảnh nóng” ra khỏi diễn biến phim nên mới có những bàn luận lệch pha, không hợp lý…
Rõ ràng, phim truyền hình Việt nhiều năm gần đây đã có sự nâng cao rất đáng kể cả về chất lượng lẫn hình ảnh. Bởi lẽ đó, tôi chưa thấy có “cảnh nóng” nào tới mức phải “ném đá” cả.
Người xem chỉ nên phản ứng khi phim lạm dụng quá nhiều cảnh trần trụi, thô thiển và gượng gạo. Những cảnh đó không ăn nhập gì với diễn biến của câu chuyện và gây nên sự phản cảm… thì mới đáng để bàn”, NSND Minh Châu nói.
Bản thân nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lại cho rằng, “cảnh nóng” phim truyền hình Việt đã có nhiều sự thoải mái hơn. Nếu xem một bộ phim cùng đề tài tình yêu nhưng phim truyền hình Hàn Quốc rất hiếm hoi có cảnh hở hang thì phim Việt lại khá thoải mái về chuyện này. Tất nhiên, vì là phim chiếu trên truyền hình nên không thể thoái mái kiểu như phim điện ảnh.
“Chỉ có một lý do đơn giản là vì phim truyền hình là phim chiếu cho mọi đối tượng khán giả nên “cảnh nóng” có thận trọng tới đâu thì vẫn phát sinh những ý kiến trái chiều.
Không ý kiến của người đứng tuổi thì cũng ý kiến của các bậc phụ huynh có con trẻ bởi không phải bậc phụ huynh nào cũng muốn con mình sớm tiếp xúc với những thứ vượt quá tuổi. Mà phim truyền hình là phim làm từ tiền thuế của dân nên người ta cũng được quyền đòi hỏi nhà sản xuất phải lắng nghe họ và có điều chỉnh phù hợp để không làm xô lệch giá trị văn hoá.
Tôi cho rằng, bất kể phim thuộc đề tài gì và chiếu kênh sóng nào thì việc góp phần xây dựng đạo đức, văn hoá… luôn phải được đưa lên hàng đầu”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói thêm.
Hà Tùng Long