Vì sao chi gần 15 tỷ đồng, màu sơn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo vẫn bị chê?
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ màu sơn mới của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) bị chê là do chưa "thuận mắt" nhiều người.
Quá trình trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Bên cạnh lời nhận xét, căn biệt thự như được hồi sinh thì nhiều người lại thẳng thắn cho rằng màu sơn mới không phù hợp, làm mất sự cổ kính vốn có của công trình. Đặc biệt mức chi phí trùng tu của căn biệt thự lên đến gần 15 tỷ đồng cũng gây xôn xao.
Trao đổi với Dân trí, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho hay, dự án cải tạo biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo đang ở trong quá trình triển khai, nghiên cứu, chưa hoàn thiện. Tông màu về cơ bản là bám theo nguyên bản, song về độ đậm nhạt còn có vấn đề.
Cá nhân KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng nhận thấy rằng, màu vôi của biệt thự đang bị hơi đậm. Tuy nhiên, vào mùa hè nắng chiếu tứ phía, lại ở vị trí ngã tư thông thoáng, màu biệt thự sẽ bạc rất nhanh.
"Đây mới là giai đoạn sơ bộ hoàn thiện, còn nhiều hạng mục khác như sân, thềm chưa triển khai. Đến khi hoàn thiện, chúng ta đánh giá mới chính xác. Màu vôi hiện tại cũng chưa phải là màu chính thức. Cần chờ một thời gian nữa để đơn vị thi công điều chỉnh và thử lại", ông Nghiêm nói.
Theo ông Nghiêm, việc dư luận có những ý kiến trái chiều khi trùng tu công trình kiến trúc là điều khó tránh khỏi. Trước đây, khi Hà Nội tu sửa Tháp Rùa, làm lại Ô Quan Chưởng hay sơn lại Nhà hát lớn cũng có nhiều ý kiến tranh cãi.
Công trình Nhà hát lớn thậm chí phải sơn lại toàn bộ vì màu sơn đầu bị phản ứng là quá lòe loẹt. Tuy nhiên, các công trình này sau khi hoàn thiện, điều chỉnh thì đều khiến người dân hài lòng.
Trước ý kiến cho rằng, chỉ nên thử nghiệm quét vôi ở một góc để tránh lãng phí, ông Nghiêm nêu quan điểm: "Phải có nhìn nhận tổng thể và sau đó từ tổng thể mới quyết định sửa đến mức độ nào. Nếu chỉ thử một mặt tường thì sẽ rất khó đánh giá".
Trong khi đó KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, nhiều người "không ưa" diện mạo mới của công trình có thể là do họ nghĩ "biệt thự cũ là phải cổ", "màu sơn của các biệt thự cũ ăn sâu vào tiềm thức" nên khi thay đổi là phản ứng.
Ngoài ra, đa phần dư luận mới dựa vào các hình ảnh trên mạng để bình luận, tranh cãi. Theo ông Hào hình ảnh thực tế của công trình có thể sai khác với trên mạng.
"Tôi cho rằng, trước khi trùng tu tôn tạo, điều quan trọng là phải tuân thủ nguyên mẫu cũ. Chắc chắn các nhà chuyên môn cũng đã phải xem xét các tài liệu, trực tiếp khảo sát để có màu sơn phù hợp. Màu sơn không chỉ phải phù hợp với công trình mà còn phải phù hợp với không gian, cây cỏ xung quanh", ông Hào nói.
Chia sẻ về màu sơn mới của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo gây tranh cãi, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, căn biệt thự này được trùng tu, sơn màu như nguyên gốc hay tìm một màu mới là do yêu cầu của chủ đầu tư.
"Mọi người tranh luận màu này ổn, màu kia chưa phù hợp nhưng khi thi công chắc chắn, các chuyên gia đã tìm hiểu về màu sơn gốc ngày xưa.
Ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia I vẫn lưu giữ rất nhiều hồ sơ thiết kế, phối cảnh các biệt thự cũ ở Hà Nội trong đó có biệt thự ở 49 Trần Hưng Đạo. Chúng ta mới chỉ nói đến chuyện màu sơn chói quá, không phù hợp nhưng chưa ai nói đến việc màu sơn cũ của biệt thự có thế không?", nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho hay.
Theo ông Tiến, trong nửa đầu thế kỷ 20 việc quét vôi ngoài phố thường chỉ có màu vàng, bên trong nội thất quét màu xanh nhạt (màu ve), cửa sổ, cửa ra vào hầu hết quét sơn xanh lá cây hoặc xanh thẫm.
"Nhà đầu tư không dại gì sơn khác màu của những tư liệu đã để lại. Có thể màu sơn trên những ô trang trí đó màu nâu đỏ nên mới được sơn mới như vậy. Theo thời gian, màu này cũng sẽ phai thì chắc chắn sẽ thuận mắt hơn", nhà Hà Nội học Ngọc Tiến chia sẻ.
Dự án trùng tu biệt thự mẫu tại số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài được nghiên cứu từ năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa Hà Nội và vùng Ile-de-France, quận Hoàn Kiếm và Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France (PRX). Trải qua một năm trùng tu, đến nay công trình đã đi vào giai đoạn hoàn thiện.
Sau khi hoàn thành, quận Hoàn Kiếm sẽ phát huy giá trị công trình, trở thành trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ của Hà Nội.
Trước ý kiến tranh cãi về màu sơn của công trình, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, màu vôi tường hiện nay của biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo mới chỉ là thử nghiệm chưa phải là cuối cùng.
Về chi phí trùng tu gần 15 tỷ đồng, quận Hoàn Kiếm chưa đưa ra phản hồi, bình luận.