Vì sao "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng M-TP bị loại khỏi đề cử giải Cống hiến?
Nhà báo - nhạc sĩ Hữu Trịnh, đại diện Ban Tổ chức (BTC) giải Cống hiến giải thích với chúng tôi về lý do BTC quyết định loại bài hát rất được giới trẻ yêu thích "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng M-TP.
Có hai nguyên nhân khiến chúng tôi loại bài hát "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng M-TP. Thứ nhất, bài hát có hàm lượng sáng tạo không cao, từng bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) yêu cầu chỉnh sửa vì sáng tác dựa trên phần hòa âm, phối khí của một bản nhạc khác. Mà hòa âm, phối khí như bộ khung sườn để tạo nên một tác phẩm. Vì vậy, nếu một bài hát có bộ khung giống với một tác phẩm khác thì chắc chắn nó không chứa nhiều sự sáng tạo riêng.
Thứ hai, Sơn Tùng M-TP mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng hình ảnh hấp dẫn đối với giới trẻ chứ chưa có đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng như tiêu chí của giải thưởng. Ngoài ra, giải còn hướng đến những gương mặt có ảnh hưởng tích cực với công chúng không chỉ về chuyên môn mà cả về đạo đức, tư cách".
Ngay khi BTC giải Cống hiến phát đi thông tin này, ngay lập tức đã có những ý kiến trái chiều. Tất nhiên, với một quyết định chạm đến ca sĩ có lượng người hâm mộ đông đảo như Sơn Tùng M-TP, thì ngoài những chuyện thuần túy là chuyên môn BTC giải thưởng còn phải có cả sự cứng rắn và quyết liệt.
Việc loại "Chắc ai đó sẽ về" ra khỏi đề cử giải Cống hiến, là việc nên hay không nên?
Rất nên, đó là điều chắc chắn. Trước đó, ca khúc đình đám khác của Sơn Tùng M-TP là "Em của ngày hôm qua" đã bị loại khỏi giải thưởng Làn Sóng Xanh cũng với lý do "giống nhạc của người khác".
1. "Chắc ai đó sẽ về" đạt cột mốc 500 nghìn lượt người nghe sau 2 giờ tung lên mạng, và 1 triệu lượt ngay ngày đầu tiên. 4 triệu lượt cho những ngày tiếp theo. Hiện tại, đã có gần 15 triệu lượt người nghe ca khúc ấy.
Một con số gần như là không tưởng, đó là số lượng người nghe mà ngoài Sơn Tùng M-TP, vẫn chưa có ca sĩ nào của Việt Nam đạt được. Đó rõ ràng là một kỷ lục.
Vẫn như những ca khúc đình đám trước đây của Sơn Tùng M-TP, bài hát này vừa ầm ĩ trên mạng được vài hôm thì một ai đó đã phát hiện "Chắc ai đó sẽ về" có phần âm nhạc rất tương đồng với ca khúc "Because I Miss You" của ca sĩ Hàn Quốc Jung Yong Hwa.
Vốn dĩ, những ca khúc của Sơn Tùng M-TP giống nhạc này một chút, giống nhạc kia một ít đã là chuyện không mới. Thế nhưng, thời điểm "Chắc ai đó sẽ về" bị phát hiện có những nét tương đồng với "Because I Miss You" của Jung Yong Hwa, Sơn Tùng M-TP đang vướng vào câu chuyện lùm xùm với chính Công ty Văn Production. Sơn Tùng M-TP là độc quyền của công ty này.
Mọi thứ bắt đầu trở nên rối rắm từ đây.
"Chắc ai đó sẽ về" là ca khúc chính của bộ phim "Chàng trai năm ấy" do ông bầu Quang Huy làm đạo diễn. Sơn Tùng M-TP vừa tham gia diễn xuất vừa đóng vai trò "đinh" trong việc thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Phim đóng máy, cũng là lúc Sơn Tùng M-TP tỏ ý định rời Văn Production. Hẳn nhiên, Văn Production không dễ gì để mất "gà vàng" của mình vào tay người khác.
Văn Production có công văn yêu cầu các trang nhạc gỡ những bài hát nổi tiếng của Sơn Tùng M-TP, vì Sơn Tùng M-TP đang là ca sĩ độc quyền của Văn Production.
Để đáp trả, Sơn Tùng M-TP tố cáo Văn Production bóc lột sức lao động, và món nợ ân tình giữa Sơn Tùng M-TP và Văn Production đã được chàng ca sĩ này trả dứt điểm.
Sơn Tùng M-TP về với đội của ông bầu Quang Huy. Và "Chắc ai đó sẽ về" bị đánh tơi tả vì đạo nhạc.
2. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, từng nói với tôi giọng rất bức xúc, “Chắc ai đó sẽ về” đạo nhạc một cách tinh vi". Ông nói điều này, sau khi đã họp bàn với Hội đồng thẩm định, bao gồm những nhạc sĩ đầy uy tín như: nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, nhạc sĩ Đỗ Bảo, nhạc sĩ Dương Khắc Linh… và ông.
"Việc sáng tác mà dựa theo phần nhạc của người ta ít hay nhiều gì cũng không thể chấp nhận được. Tôi khẳng định, ca sĩ Sơn Tùng đạo nhạc. Và ngay ngày mai, chúng tôi sẽ gửi kết luận của Hội đồng thẩm định cho Cục Điện ảnh để họ xem xét về các cơ sở trước khi quyết định có cấp phép cho bộ phim "Chàng trai năm ấy" hay không?" - nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.
"Còn quan điểm đạo đức, thì rõ ràng sáng tác mà ăn cắp thì không còn đạo đức gì nữa rồi. Hiện tại, chúng tôi chỉ mới xét ca khúc này, còn những ca khúc khác của Sơn Tùng M-TP chúng tôi chưa có kế hoạch" - vẫn lời của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương với tư cách là Giám đốc Trung tâm Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cùng kết luận của Hội đồng thẩm định, đã có công văn gửi Cục Bản quyền (Bộ VH-TT&DL) đề nghị cấm lưu hành ca khúc này.
Chính từ đây, bộ phim "Chàng trai năm ấy" phải dời lịch chiếu vì ca khúc chủ đạo của phim vướng vào câu chuyện đạo nhạc.
Ông bầu Quang Huy đã phải “có bệnh vái tứ phương” suốt ngày ra rả chuyện "Sơn Tùng M-TP không đạo nhạc, lấy tư cách là nhạc sĩ tôi khẳng định điều đó". Một vài nhạc sĩ trẻ khác cũng đăng đàn bảo vệ cái lý này của Quang Huy.
Thời may, (gọi là thời may thôi, chứ có được thời may này cũng cần rất nhiều toan tính) từ Hàn Quốc - Công ty FNC Entertainment (công ty quản lý của Jung Yong Hwa) nhận định, ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng M-TP không vi phạm bản quyền.
Được lời như cởi tấm lòng, Bộ VH-TT&DL có cuộc họp với Cục Bản quyền Tác giả, Cục Điện ảnh, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và các nhà chuyên môn về những tai tiếng liên quan đến ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng M-TP.
Đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết, hiện không thể khẳng định bài hát này đạo nhạc. Các nguyên nhân được đưa ra là: Âm hưởng hai bài hát có sự tương đồng nhưng Bộ đã nhận được phản hồi từ phía Hàn Quốc xác nhận, đây không phải là trường hợp ăn cắp bản quyền; Chưa có ai khiếu nại, tố cáo về việc này và Sơn Tùng M-TP khẳng định đây là bài hát do chính mình sáng tác, chỉ có bản phối là của người khác.
Cuối cùng, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL kết luận: "Sơn Tùng M-TP phải thay phần beat (nhạc nền) thì mới được phép lưu hành". Và sau tất cả những ầm ĩ ấy, Văn Production vẫn mất “gà vàng” về tay ông bầu Quang Huy, "Chàng trai năm ấy" vẫn ra rạp và "Chắc ai đó sẽ về" vẫn được chào đón nồng nhiệt.
Thú thật là tôi đến chịu cách xử lý của cơ quan quản lý, bởi lần đầu tiên tôi biết một cơ quan quản lý văn hóa cấp cao lại đi dung dưỡng cho cái thói ăn cắp sự sáng tạo của người khác theo lối "Bỏ cái phần ăn cắp ấy đi, rồi tôi cấp phép tất".
Còn cái văn bản của công ty giải trí gì gì đấy của Hàn Quốc, là thứ mà bỏ tiền ra vẫn mua được. Hơn nữa, phía Hàn Quốc đủ khôn ngoan để không dây dưa với những người hoạt động trong làng giải trí tại nước ta - quốc gia mà có vô vàn những cá nhân hâm mộ cuồng tín nhóm nhạc Hàn Quốc.
Sơn Tùng M-TP thoát một cú ngoạn mục, ông bầu Quang Huy đã thắng trận đánh lớn cực kỳ ngoạn mục.
3. Trở lại với quyết định loại ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" ra khỏi giải thưởng Cống hiến, tôi cho rằng đó là hành động rất đúng đắn của BTC giải thưởng này. Ít ra thì, BTC cũng cho dư luận thấy được, đây là một giải thưởng đàng hoàng.
Sự phức tạp hay những thứ nhăng nhố khác luôn mang lại cho nền văn hóa những màu sắc thú vị. Văn hóa, sẽ khô cứng vô cùng nếu chỉ khoác trên mình tấm áo hàn lâm. Lại càng vô vị hơn, nếu một làng giải trí chỉ toàn những nghệ sĩ đúng nghĩa. Những cá nhân như Sơn Tùng M-TP giúp cho làng giải trí Việt thêm màu thêm sắc, hiểu theo một nghĩa toàn diện.
Quan trọng hơn, việc loại ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" là cách thức để nhiều nhạc sĩ trẻ nổi tiếng hiện nay suy nghĩ lại cách mà họ sáng tác. Bởi theo chỗ tôi được biết, ngay cả một số nhạc sĩ có tuổi cũng sử dụng lối sáng tác dựa trên phần beat của thiên hạ, rồi nhao nhao "Ai cũng sáng tác lối đó thì tôi sáng tác theo, có gì đâu mà ăn cắp với không ăn cắp, đạo nhạc với không đạo nhạc".
Một nghệ sĩ hay một người sáng tác, có thể lừng danh hay không lừng danh, nhưng đã là một nghệ sĩ hay một người sáng tác thì lòng tự trọng phải đặt lên hàng đầu. Mà không chỉ có nghệ sĩ, bất cứ ai cũng cần sở hữu một lòng tự trọng, có lòng tự trọng, thì người ta mới vượt qua được những đố kị, những thói hư tật xấu hay đơn giản hơn, là người ta không lấy của người rồi nhận vơ đó là của mình.
Việc loại một ca khúc đình đám của Sơn Tùng M-TP ra khỏi giải thưởng, như là thêm lần "giải thiêng" cho đám đông về hiện tượng Sơn Tùng M-TP. Tất nhiên, lần "giải thiêng" này không khiến Sơn Tùng M-TP "mất linh" trong lòng người hâm mộ.
Như trong đêm liveshow 5 của chương trình Hòa âm và ánh sáng - The Remix 2015 đã được diễn ra trong không khí khá tẻ nhạt, vì thiếu vắng sự góp mặt của Sơn Tùng M-TP (lý do mà đơn vị tổ chức đưa ra để lý giải cho sự vắng mặt này là vì Sơn Tùng M-TP đang bị đau họng, không thể hát được). Ngay khi thông tin này xuất hiện, rất nhiều khán giả có mặt tại Nhà thi đấu Quân khu 7 đã đứng dậy bỏ về.
Sơn Tùng M-TP vẫn có sức hút rất riêng của cậu ấy, mà nói như những lý lẽ trên facebook của nhiều người hâm mộ Sơn Tùng M-TP thì "Ăn cắp hay không ăn cắp quan trọng gì, miễn sao nghe hay và đúng tâm trạng là được" thì đủ hiểu là Sơn Tùng M-TP được yêu mến đến mức nào.
Nhưng cho dù được yêu mến đến mức nào đi chăng nữa, thì Sơn Tùng M-TP vẫn phải có một chỗ ngồi thích hợp cho Sơn Tùng M-TP.
Ở chỗ ngồi đấy, Sơn Tùng M-TP thỏa sức sáng tác dựa trên bản beat của người khác, thỏa sức múa may quay cuồng hay nhuộm tóc, trang điểm theo các nghệ sĩ biểu diễn của Hàn Quốc, thỏa sức có điệu bộ cử chỉ rập khuôn những ca sĩ của xứ Kim chi…
Tuy nhiên, Sơn Tùng M-TP chỉ nên ngồi ở chỗ ấy thôi, và không một giải thưởng nào nếu có uy tín lại cất Sơn Tùng M-TP lên một vị trí cao hơn. Nơi mà Sơn Tùng M-TP không thể thuộc về ít nhất là ở giai đoạn này.
Quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ quyết định này của BTC giải Cống hiến. Ít ra thì, điều này minh chứng cho việc không phải ai cũng có thể thỏa hiệp được với những người làm văn hóa.
Theo Ngô Nguyệt Hữu
An ninh thế giới online