Vì sao càng nâng cao công nghệ sản xuất, phim Việt càng đánh mất khán giả?
(Dân trí) - Trong vòng 5 năm trở lại đây, mặc dù phim truyền hình Việt vẫn được sản xuất ồ ạt nhưng không còn tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ như trước.
Mặc dù, có những bộ phim được đầu tư rất mạnh tay về công nghệ thu âm trực tiếp (Mưa bóng mây, Người phán xử), công nghệ làm phim 4K (chuẩn hình ảnh với độ sắc nét cao), sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại và quy trình làm phim rất chuyên nghiệp… nhưng vẫn khiến khán giả rơi rụng dần.
Công nghệ phát triển nhưng khán giả vẫn rơi rụng dần
NSND Hoàng Dũng chia sẻ rằng, so với điều kiện làm phim trước đây, bây giờ mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều. Cụ thể là phương tiện kỹ thuật, công nghệ làm phim đã đổi mới và tân tiến. Đặc biệt, thời gian gần đây, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam còn có sự hợp tác với nước ngoài để ê-kíp của mình có cơ hội cọ xát và học hỏi công nghệ sản xuất phim của nước bạn.
Nam nghệ sĩ kể rằng, ngày xưa, để quay được một cảnh cận ở ngoài trời, ê-kíp phải sử dụng không biết bao nhiêu là phản quang và đèn chiếu. Thậm chí, ngày xưa, diễn viên còn phải tập nhìn phản quang, tập nhìn mặt trời để không bị nheo mắt khi quay. Và phải mất rất nhiều thời gian và nhân sự mới lấy được một cảnh quay ưng ý. Bây giờ, khi quay phim, không bao giờ có ánh sáng trực tiếp vào mặt.
Bản thân diễn viên Bảo Thanh cũng thừa nhận, công nghệ làm phim ngày nay so với thời cô đóng bộ phim đầu tiên khi mới 8 tuổi (phim “Vào Nam, ra Bắc” - PV) đã khác hơn rất nhiều. cả quy trình lẫn công nghệ làm phim đã có sự cải tiến.
“Chúng tôi may mắn vì sinh ra khi xu hướng làm phim hiện đại đã được cập nhật. Chính vì thế mà luôn trân trọng những cống hiến của các nghệ sỹ gạo cội đi trước. Vì khó khăn, vất vả, thiếu thốn… như thế nhưng các bậc tiền bối vẫn tiếp tục cống hiến và gắn bó với nghệ thuật cho đến tận bây giờ”, Bảo Thanh nói.
Trong hội thảo “Phim truyền hình Việt: Xu thế và thách thức” diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận định rằng, đây chính là thời điểm khán giả đòi hỏi cao hơn ở phim truyền hình Việt cả nội dung và hình thức thể hiện. Điều này buộc các nhà sản xuất phim phải tự học hỏi kinh nghiệm, bắt kịp với xu thế mới hay tìm những cách khác nhau để nâng cao chất lượng, chẳng hạn như hợp tác sản xuất với các đài truyền hình nước ngoài. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng khẳng định, về mặt công nghệ, Việt Nam và thế giới hầu như không có sự xa cách nhiều.
Phim truyền hình đang tuột dốc không phanh?
Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo “Phim truyền hình Việt: Xu thế và thách thức”, ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó giám đốc Hãng phim truyền hình TP.HCM chia sẻ rằng, phim truyền hình từng rất nở rộ và đạt được đỉnh cao trong khoảng từ 2007 đến 2010. Riêng khoảng 3 năm trở lại đây, phim truyền hình đang tuột dốc không phanh, thoái trào hay đi vào đường cùng.
Một trong những nguyên nhân khiến phim truyền hình Việt không còn được yêu thích như trước theo ông Hưng là vì chất lượng phim không còn được tốt. Bên cạnh đó, phim truyền hình Việt cũng phải chịu sự cạnh tranh từ những bộ phim nước ngoài, các bộ phim chiếu online hay từ truyền hình thực tế...
Bản thân NSƯT Hoàng Hải lại cho rằng, cách đây khoảng 10 năm, dù công nghệ chưa phát triển, trang thiết bị còn thiếu thốn, quy trình sản xuất phim mang tính mày mò là chính… nhưng phim Việt vẫn hút khán giả vì ngày xưa phim rất ít. Các bộ phim truyền hình đa phần chỉ chiếu vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật nên khán giả lúc nào cũng háo hức xem. Còn bây giờ, khán giả lại quá nhiều kênh sóng để giải trí nên phim Việt đâm ra bị phân chia thị phần khán giả.
“Lượng thông tin bây giờ bùng nổ khủng khiếp, hàng trăm kênh với hàng nghìn phim của các nước nên khán giả có nhiều sự lựa chọn. Nếu hình thức thể hiện hiện đại nhưng nội dung không thú vị là người ta cũng bấm điều khiển chuyển kênh ngay”, NSƯT Hoàng Hải nói.
Ngoài ra, theo nam nghệ sỹ này, vấn đề kịch bản cũng làm khá nhiều nhà sản xuất đau đầu. Chuyện khan hiếm kịch bản hay đã khiến các nhà sản xuất buộc phải chuyển sang dùng kịch bản Việt hoá. Tuy nhiên, kịch bản Việt hóa cũng đòi hỏi phải có sự thay đổi chứ không thể bê nguyên bản từ nước ngoài về.
Bản thân NSND Hoàng Dũng lại nhìn nhận, bên cạnh kịch bản, đạo diễn và quy phim thì diễn viên cũng được xem là “linh hồn” của bộ phim. Nhưng hiện nay, có một hiện tượng là nhiều gương mặt trẻ vì chạy theo số lượng mà đôi khi quên luôn chất lượng. Vì thế, việc chọn đội ngũ diễn viên cũng rất cần được chọn lọc kỹ lưỡng và đồng bộ.
Cần nhìn nhận lại cách làm phim cho giới trẻ
Theo con số khảo sát về lượng người xem phim truyền hình năm 2016 được đưa ra tại hội thảo về phim truyền hình diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Telefilm 2017, có 42% khán giả xem phim truyền hình thường xuyên nhưng chủ yếu nằm ở nhóm khán giả trên 50 tuổi (74,5%) và nhóm 40 - 49 tuổi (50%). Xem nhiều nhất là nhóm người nghỉ hưu, người giúp việc, nội trợ (82%), kinh doanh và buôn bán nhỏ (55,8%).
Khán giả yêu thích nhất là dòng phim phim hài hước, lãng mạn với tỷ lệ 51%, tiếp đến phim cổ trang với 48,9%, phim trinh thám hành động 43,7%, phim tâm lý tình cảm 36,3%, phim gia đình 18,6% và cuối cùng là phim Sitcom 17,5%.
Nghĩa là đối tượng khán giả trẻ (dưới 30 tuổi) là đối tượng tiếp cận thường xuyên với công nghệ lại đang khá thờ ơ với phim Việt. Nhiều nhà làm phim cho rằng, thực tế này khiến các nhà làm phim phải thay đổi về cách làm phim hiện nay.
“Đã qua rồi cái thời khán giả ngồi trước màn hình và truyền hình chiếu gì là họ phải xem. Việc khiến cho người trẻ đánh mất thói quen ngồi trước tivi để xem phim là điều cần phải bàn tính. Sau cơn sốt “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”, “Tuổi thanh xuân”… chúng ta cần phải nhìn nhận việc vấn đề kịch bản và chủ đề phim là vô cùng quan trọng. Đừng làm phim theo lối cho có hoặc cũng đừng chỉ chỉ nâng cao công nghệ mà phải nâng cao cả vấn đề kịch bản, chủ đề phim”, một đạo diễn phân tích thêm.
Hà Tùng Long