Vì sao các chương trình giải trí cho người già lại bị “bỏ rơi”?

(Dân trí) - Nhiều năm qua, người già ở Việt Nam vẫn phải xem hoặc chơi chung các chương trình truyền hình thực tế, giải trí, phim ảnh… với người trẻ, vì họ có quá ít kênh để xem. Vậy tại sao “miếng bánh ngon” này bị các nhà đài và nhà sản xuất “bỏ rơi”?

Người già không có kênh riêng để xem

Cách đây không lâu, khán giả truyền hình cả nước đã từng phải “phát sốt” với câu nói bất hủ “không sao đâu, bình tĩnh sống” của thí sinh 59 tuổi - Nguyễn Thanh Thúy đến từ Đà Lạt trong chương trình Vietnam’s Got Talent (Tìm kiếm tài năng Việt Nam). Không ít người đã tỏ ra ngạc nhiên khi ở tuổi lục tuần mà người phụ nữ ấy vẫn tự tin bước lên sân khấu để trổ tài ca hát và đánh đàn. Nhiều người lại bày tỏ sự ngưỡng mộ trước lòng lạc quan hiếm có của “bà già” này dù hoàn cảnh sống rất đỗi khó khăn.

Thực tế, trường hợp của bà Nguyễn Thanh Thúy kể trên chỉ là một điển hình bởi hiện nay vẫn có rất nhiều người lớn tuổi tìm đến với các chương trình truyền hình thực tế hoặc các kênh giải trí dành cho nhiều đối tượng lứa tuổi để thử sức mình vì họ không có chương trình riêng. Và đó là lý do vì sao trên một số chương trình được mặc định là chỉ dành cho người trẻ tham gia thỉnh thoảng lại có sự xuất hiện của những thí sinh lớn tuổi.

tivi4-1465194005995

Hình ảnh bà Nguyễn Thị Thuý, 59 tuổi tham gia Vietnam's Got Talent gây nhiều ấn tượng đối với khán giả truyền hình. Ảnh: BHD.

Theo tổ chức UNFPA tại Việt Nam thì Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á. Vào năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10,2% tổng dân số cả nước thì đến năm 2014, tỷ lệ này đã tăng lên 10,5%.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia của UNFPA tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có hơn 40% người cao tuổi vẫn tham gia lao động, hơn 50% người từ 60 đến 64 tuổi đang làm việc và nhiều người chỉ dừng làm việc sau tuổi 74. Với một đặc trưng riêng biệt này, nhu cầu về vui chơi, giải trí, điều dưỡng, chăm sóc... là rất lớn.

Tuy nhiên, đáng tiếc là các chương trình truyền hình thực tế, các kênh giải trí, các bộ phim (điện ảnh lẫn truyền hình)... dành riêng cho đối tượng người già trên truyền hình Việt Nam hiện nay đang rất “hẻo”. Và để “thoả mãn” nhu cầu được vui chơi - thi thố, nhiều người già buộc lòng phải “lấn sân” sang các chương trình có nhiều người trẻ tham gia.

Trên VTV hiện nay, các chương trình truyền hình thực tế - kênh giải trí dành cho người già rất ít ỏi. Ngoài chương trình “Cây cao bóng cả”, “Cựu chiến binh Việt Nam” đã ngừng phát sóng cách đây khá lâu thì hiện trên truyền hình VTV chỉ còn mỗi chương trình “Vui - Khỏe - Có ích” được thực hiện dưới dạng gameshow, phát sóng vào sáng thứ Bảy hàng tuần là còn tồn tại. Ngoài ra, có thêm một số chương mà người già có thể tham gia cùng với người trẻ như: “Hãy chọn giá đúng”, “Ai là triệu phú”, “Chiếc nón kỳ diệu”, “Vietnam’s Got Talent”...

Vui - Khỏe - Có ích là chương trình hiếm hoi trên VTV dành riêng cho người già. Ảnh: TL.
"Vui - Khỏe - Có ích" là chương trình hiếm hoi trên VTV dành riêng cho người già. Ảnh: TL.

Ở các đài truyền hình khác thì có chương trình “Chuyện kể lúc 0 giờ” (ANTV); “Chuyện tuổi già” (Đài PT-TH Hà Nội); “Tiếng hát mãi xanh” (HTV)...

Không chỉ có các chương trình truyền hình thực tế, các kênh giải trí... mà ngay cả phim ảnh dành cho đối tượng tuổi già ở Việt Nam hiện nay dường như không có. Hàng năm, rất nhiều bộ phim điện ảnh “bom tấn” được đầu tư tiền tỷ để tung ra rạp nhưng chủ yếu hướng đến đối tượng trẻ chứ không có phim dành cho người già. Ngay cả phim truyền hình, các nhà đài cũng hướng đến đối tượng trẻ hoặc dung hòa nhiều đối tượng chứ không có bộ phim riêng cho người cao tuổi. Vì lẽ đó mà nhiều năm qua, tình trạng người cao tuổi ở Việt Nam phải xem chung hoặc chơi chung các chương trình truyền hình thực tế, giải trí, phim ảnh... với người trẻ là chuyện đã quá phổ biến.

Trong khi đó, theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì ở các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Sinagapore, Thái Lan... các đài truyền hình luôn có những kênh riêng dành cho đối tượng khán giả là người lớn tuổi. Các chương trình truyền hình được xây dựng cho đối tượng này luôn có sự khác biệt và thể hiện rõ sự tôn trọng đặc biệt đối với người già. Ở Mỹ, Nga và một số nước Châu Á, các rạp chiếu luôn có kênh phân loại đối tượng khán giả xem và các nhà làm phim đầu tư sản xuất phim dành cho khán giả trung niên rất đều đặn.

Vì sao “miếng bánh ngon” vẫn bị "bỏ rơi"?

Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng, trong bối cảnh thực tế hiện nay ở Việt Nam, có thể nói các chương trình truyền hình thực tế, giải trí, phim ảnh... dành cho đối tượng người già đang là “miếng đất màu mỡ”, “miếng bánh ngon” đầy tiềm năng. Sở dĩ như vậy bởi các chương trình này không chịu quá nhiều áp lực về cạnh tranh giữa các đài hoặc với các đối tượng khán giả khác. Và điều quan trọng hơn cả, đối tượng người già mới chính là đối tượng xem truyền hình nhiều nhất bởi họ có nhiều thời gian hơn hẳn người trẻ. Ngược lại, phương tiện vui chơi - giải trí của người già lại rất ít nên nhu cầu được “hoà mình” trong các chương trình truyền hình thực tế, giải trí, phim ảnh... là luôn luôn lớn. Đó là chưa kể đến việc người già có khả năng kinh tế lẫn sự trải nghiệm nên nhu cầu được giải trí họ cũng cao không thua kém gì người trẻ.

Người già ở Việt Nam hiện nay vẫn đang buộc phải xem truyền hình chung với giới trẻ vì không có kênh riêng. Ảnh: TL.
Người già ở Việt Nam hiện nay vẫn đang buộc phải xem truyền hình chung với giới trẻ vì không có kênh riêng. Ảnh: TL.

Vậy tại sao “miếng bánh ngon” này vẫn bị các nhà sản xuất hoặc một số đài truyền hình “bỏ rơi”?. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì nguyên nhân khiến cho các nhà đài và nhà sản xuất Media không mặn mà với các chương trình truyền hình thực tế, giải trí, phim ảnh... dành cho đối tượng già là vì phải chạy theo doanh thu quảng cáo.

“Phim truyền hình, chương trình truyền hình thực tế hay chương trình giải trí... nào cũng vậy thôi, nhà nào cũng phải tính đến doanh thu quảng cáo. Mà các đơn vị quảng cáo tức là doanh nghiệp bán hàng bây giờ toàn đổ xô hướng đến giới trẻ, ít quan tâm đến người già vì thế các nhà đài buộc phải chạy theo nhu cầu đó. Họ quan tâm đến phim ảnh, truyền hình cho giới trẻ mới bán được nhiều quảng cáo, thu được nhiều lợi nhuận.

Riêng phim ảnh thì còn có một lí do nữa đó là các đoàn làm phim bây giờ quá trẻ. Thế hệ chúng tôi về hưu hết rồi, thế hệ mới quá trẻ, các bạn ấy hiểu về giới trẻ hoặc hiểu đến tuổi trung niên là cùng, họ không biết nhiều về người lớn tuổi... vì thế các bạn ấy chỉ làm được những bộ phim chung chung cho nhiều đối tượng thế thôi. Theo như tôi thấy, cho đến nay, nhiều đài truyền hình còn không có kế hoạch định hướng cho năm sau sẽ làm bao nhiêu phim về nông nghiệp, thành thị, thanh niên, phụ nữ, người già... Chúng ta vẫn đang chờ kịch bản hoặc chờ những thứ gì đó khác.

Vấn đề là người già ở Việt Nam đang đóng một vai trò hết sức quan trọng và chiếm một tỉ lệ không hề nhỏ. Vì thế, nếu làm các chương trình hoặc bộ phim về lớp già thì sẽ làm đời sống tinh thần của họ tốt hơn rất nhiều. Đó cũng là một trong những vấn đề quan trọng của việc chăm sóc người già. Nhiều bộ phim của Hàn Quốc chiếu gần đây, chúng ta xem thấy các nhân vật già rất đáng yêu, rất thú vị. Hoặc phim về cuộc đời như “Đơn giản tôi là Maria” chẳng hạn, cả cuộc đời của họ từ trẻ đến già họ rất thích.

Đáng ra, các nhà quản lý cần phải cân đối được việc này, lấy cái này bù cái kia. Ví dụ, các doanh nghiệp đổ xô mua quảng cáo ở chương trình hoặc phim ảnh cho người trẻ nhiều thì lấy phim người trẻ bù phim người già chứ không thể cứ chạy theo lợi nhuận rồi bỏ quên người già được. Chúng ta cần phải xây dựng kế hoạch, 5 năm, 10 năm... để có sự điều chỉnh hợp lý”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói.

Đến bao giờ Việt Nam mới có các chương trình hoặc kênh riêng dành cho người già như các nước trong khu vực?. Ảnh: PV.
Đến bao giờ Việt Nam mới có các chương trình hoặc kênh riêng dành cho người già như các nước trong khu vực?. Ảnh: PV.

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên cũng từng nhận định, việc thiếu các chương trình giải trí, phim ảnh dành cho đối tượng người già trên truyền hình cũng là một thiệt thòi lớn đối với người cao tuổi nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung. Vì suy cho cùng, người già mới là đối tượng xem truyền hình nhiều dù khả năng tiếp cận các sản phẩm hàng hóa quảng cáo không cao bằng đối tượng trẻ. Tuy nhiên, nếu cứ chạy theo lợi nhuận, chỉ thấy các món hời trước mắt... nên đổ xô làm các chương trình ăn khách hòng “câu” quảng cáo thì về lâu dài truyền hình sẽ bị mất cân đối.

“Chúng ta phải nhớ, đối tượng trẻ rồi cũng phải già. Và nếu đến một thời điểm nào đó, người trẻ và người già không có sự khác biệt nhau về suy nghĩ, gu thẩm mỹ và thói quen sinh hoạt thì rất nguy hiểm. Có điều đó là dù các chương trình truyền hình và phim ảnh dành cho người già ở Việt Nam hiện nay rất tiềm năng nhưng các nhà sản xuất hoặc các nhà đài có đủ khả năng để làm hay không nữa. Tôi đồ rằng, nếu thực sự có tư duy và tầm nhìn thì việc “hốt” doanh thu từ các chương trình truyền hình, giải trí, phim ảnh... cho người già cũng không thua giới trẻ”, Thứ trưởng Biên chia sẻ.

Hà Tùng Long