Vì sao ca khúc nổi tiếng “Nối vòng tay lớn” chưa được cấp phép?

(Dân trí) - Trước nghi vấn rằng, ca khúc của cố nhạc sĩ họ Trịnh từng được nhiều nghệ sĩ hát trong các chương trình nghệ thuật, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông lại là ca khúc… chưa được cấp phép. Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã thẳng thắn trả lời xoay quanh vấn đề này.

Thông tin đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” do trường đại học Y dược Huế và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức vào đêm 21/4 gặp khó khăn do có 4 ca khúc trong chương trình bao gồm: “Nối vòng tay lớn”, “Ca dao mẹ”, “Huế - Sài Gòn – Hà Nội”, “Đêm thấy ta là thác đổ” chưa được cấp phép phổ biến khiến dư luận bức xúc. Xoay quanh vấn đề này, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn.
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

Rất nhiều ý kiến bất ngờ trước thông tin đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” do trường đại học Y dược Huế và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức vào đêm 21/4 gặp khó khăn do có 4 ca khúc trong chương trình chưa được cấp phép phổ biến. Ông có thể nói gì trước sự việc này?

Trước hết tôi cần khẳng định, Cục trưởng Cục NTBD thông tin về các ca khúc trên chưa có giấy phép phổ biến theo quy định của pháp luật (Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP) là hoàn toàn chính xác và khi cấp phép phổ biến, Cục NTBD cần căn cứ vào quy định của pháp luật để thực hiện, vì đây là quy định pháp luật, mọi tổ chức, cá nhân cần phải tuân thủ, thực hiện.

Hiện nay, để đề nghị cho phép phổ biến các bài hát sáng tác trước năm 1975 rất đơn giản, các tổ chức, cá nhân chỉ cần truy cập vào địa chỉ website http://dichvucong.bvhttdl.gov.vn để gửi hồ sơ online theo quy định và Cục NTBD sẽ xem xét, cấp phép trong thời hạn quy định.

Đối với các ca khúc trên, chúng tôi đang liên hệ, hướng dẫn đơn vị đề nghị thực hiện theo đúng quy định để kịp cho đêm diễn sắp tới.

Đêm nhạc Nối vòng tay lớn kỷ niệm 15 năm mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn ra ở Huế năm ngoái.
Đêm nhạc "Nối vòng tay lớn" kỷ niệm 15 năm mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn ra ở Huế năm ngoái.

Thực tế, nhiều năm qua, ca khúc “Nối vòng tay lớn” được nhiều nghệ sĩ biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật lớn, các sản phẩm ghi âm, ghi hình… lưu hành và phổ biến khá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, nhưng vì sao lại vẫn nằm trong danh mục các ca khúc chưa được cấp phép?

Như tôi đã trao đổi ở trên, các ca khúc trên thực tế là chưa có giấy phép phổ biến theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng Hội đồng nghệ thuật, Cục NTBD đánh giá đây là các ca khúc có nội dung tốt, có chất lượng nghệ thuật và theo phân cấp quản lý, Cục NTBD cũng như các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trên toàn quốc vẫn thực hiện cấp phép biểu diễn trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật cụ thể, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân. Đó là lý do vì sao các ca khúc trên vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến nay.

Trong thời gian vừa qua, các Sở VH,TT&DL thực hiện chấn chỉnh việc sử dụng các tác phẩm sáng tác trước năm 1975, nên phát sinh trường hợp này, vì vậy Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế hướng dẫn đơn vị đề nghị cho phép phổ biến các ca khúc trên là phù hợp.

Nếu đúng như lời lãnh đạo Cục trả lời báo chí: “Từ xưa đến nay chưa có đơn vị nào đứng ra xin cấp phép phổ biến ca khúc “Nối vòng tay lớn”. Có nghĩa là những chương trình, ca sĩ đã hát “Nối vòng tay lớn” đều chưa xin phép. Vậy Cục quyết định xử phạt như thế nào đối với các trường hợp vi phạm này?

Chính xác là cho đến nay, chưa có tổ chức, cá nhân nào đề nghị cho phép phổ biến theo quy định của pháp luật. Nhưng các ca khúc trên là những tác phẩm hay, có ý nghĩa vì vậy thường được các đơn vị tổ chức biểu diễn đề nghị cơ quan quản lý cho phép biểu diễn trong từng chương trình nghệ thuật cụ thể.

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và anh trai, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và anh trai, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói đại ý rằng, danh mục các ca khúc trước 1975 được phép phổ biến do Cục NTBD công bố, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có 70 bài được phép biểu diễn. Nhưng trên thực tế, những ca khúc đã được các Sở Văn hóa địa phương cấp phép trình diễn cũng lên đến khoảng 200 bài. Phía gia đình Trịnh Công Sơn cho rằng,Cục NTBD nên cập nhật danh sách các bài đã được các Sở Văn hóa khắp cả nước cho phép biểu diễn, lưu hành thay vì phải làm thủ tục xin phép một lần nữa. Ý kiến của ông thế nào?

Trong việc này, cơ quan quản lý cũng cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, vì các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm mới là nơi nắm giữ bản nhạc, tác phẩm chính xác nhất về ca từ, ký tự âm nhạc và xét thấy có muốn phổ biến những tác phẩm mình đang sở hữu hay không!

Nếu cơ quan quản lý chủ động công bố, cho phép phổ biến sẽ rất có thể rơi vào tình trạng các tác phẩm được phép phổ biến nhưng nội dung không chính xác và tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chưa xác nhận, đồng ý.

Trên thực tế thì không riêng gì các ca khúc của tác giả Trịnh Công Sơn, nhiều tác giả khác cũng có bài hát chưa được công bố, phổ biến vì vậy chúng tôi rất mong các tổ chức, cá nhân lưu giữ, sưu tầm, sở hữu gửi đề nghị qua địa chỉ website ở trên về Cục NTBD tổ chức thẩm định và cho phép phổ biến theo quy định của pháp luật.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm