Vì sao “Amour” trở thành bộ phim hay nhất năm 2012?
(Dân trí) – “Amour” là câu chuyện giản dị, xúc động về tình yêu trong những năm tháng cuối đời, khi người ta đã trở nên rệu rã. Phim được tạp chí Time bình chọn là phim hay nhất năm 2012. Trong ngày cuối năm này, hãy cùng lắng nghe một câu chuyện tình yêu.
Georges và Anne là đôi vợ chồng già đã 80 tuổi. Họ là những giáo viên thanh nhạc về hưu, sống bên nhau suốt nửa thế kỷ. Rồi bà cụ Anne bất ngờ trải qua hai cơn đột quỵ nghiêm trọng khiến bà bị liệt và không giao tiếp được nữa.
Hai diễn viên Jean-Louis Trintignant (Georges) và Emmanuelle Riva (Anne) là những gương mặt nổi tiếng của điện ảnh Pháp hồi thập niên 1950. Một lần nữa, họ lại tái xuất trên màn ảnh và cống hiến cho người xem một bộ phim có giá trị nghệ thuật tuyệt vời. “Amour” được tạp chí Time bình chọn là bộ phim hay nhất của năm 2012.
Thông điệp của “Amour” rất giản dị: Cùng với tuổi tác, cơ thể con người có thể trở nên rệu rã, héo tàn, nhưng tình yêu – “Amour” – thì sống mãi.
Trong cảnh đầu tiên của “Amour”, đội cứu hộ phá cửa trước của một căn hộ tập thể nằm trong lòng Paris. Vào trong, họ thấy cửa phòng ngủ bị chặn để ngăn người ngoài vào phòng. Khi xoay xở để vào được bên trong, họ thấy thi thể một bà cụ già, tay đặt ngay ngắn trên bụng với những cánh hoa rải trên đầu.
“Amour” giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes. Phim mộc mạc, giản dị với tình yêu mà hai cụ già dành cho nhau, nó không bị lãng mạn hóa, lý tưởng hóa mà rất dung dị và thực tế. Kết phim không gợi mở ra một khởi đầu mới tích cực nào, điều đó khiến người xem thấy phim rất thật, rất đời.
Đạo diễn Michael Haneke đã không sử dụng nhạc nền trong những trường đoạn cao trào nhằm gây ấn tượng thính giác về một cuộc sống âm thầm, lặng lẽ trong căn hộ xưa cũ. Máy quay được đặt cố định ở một góc phòng, không di chuyển nhiều, diễn viên lặng lẽ bước vào và bước ra khỏi khuôn hình, thậm chí, có những chi tiết xảy ra ngoài khuôn hình, người xem chỉ thấy vọng vào tiếng đối thoại của nhân vật và phải tự đoán. Cách quay này tạo ấn tượng về thị giác về một nhịp sống chậm, nằm ngoài rìa của đời sống hiện đại.
Những phân cảnh khi bà Annes có dấu hiệu đầu tiên bị đột quỵ, đạo diễn tạo ra một không khí im lặng, hồi hộp pha chút kỳ quái theo phong cách phim kinh dị của đạo diễn Hitchcock khiến người xem hồi hộp chờ đợi.
Sau khi ca phẫu thuật bất thành, Anne bị liệt nửa người và bác sĩ dự đoán sẽ rất chóng thôi, một cơn đột quỵ nguy hiểm hơn sẽ tấn công và lấy đi tất cả những khả năng phản ứng của cơ thể bà. Anne rất sợ phải nằm tại bệnh viên nên Georges đã hứa sẽ đưa bà về nhà, ông trở thành y tá riêng của vợ, từng giờ từng phút ông chăm sóc bà. Ông hiểu đó là những giây phút hấp hối cuối đời của vợ mình.
Trên trường quay
Trong những ngày cuối cùng của Anne, đôi bạn già tưởng như mình đang sống trong một thế giới riêng. Tình yêu khi còn trẻ mở ra nhiều điều lý thú và những mong đợi ngọt ngào. Tình yêu trong chặng cuối cuộc đời đồng nghĩa với những trách nhiệm nặng nề: chăm sóc khi đau ốm, vỗ về khi trái tính, yêu thương sau cả chặng đường dài đồng hành.
Georges chẳng bao giờ phàn nàn về những việc mà ông phải làm và không bao giờ làm những việc đó với suy nghĩ rằng ông đang trả nợ bà sau tất cả những gì bà đã làm, đã hy sinh cho ông và gia đình.
Một trong những chi tiết cuối cùng của phim, ông cụ Georges nhớ về tuổi thơ khi ông còn là một đứa trẻ được mẹ gửi tới trại hè. Mẹ ông dặn rằng mỗi ngày hãy gửi về cho mẹ một tấm thiệp nhỏ, vẽ hoa nếu ông vui và vẽ sao nếu ông buồn. Trại hè không hợp với Georges nên có một hôm ông gửi về cho mẹ một tấm thiệp toàn sao. Giờ đây, trong chặng song hành cuối cuộc đời với vợ, cuộc đời Georges dường như là một vũ trụ trống trải với toàn những vì sao câm lặng và những hố đen của sự buồn thương.