Về quê biển ngày Tết chơi bài “điếm” bằng câu hát giao duyên
(Dân trí) - Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, tại các hội bài “điếm” ở các xã ven biển huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) lại nhộn nhịn người tham gia. Ngoài việc giữ lại nét văn hóa độc đáo, đây còn là thú vui tao nhã trong ngày Tết của người dân quê biển…
Chơi bài điếm thực chất là chơi bài tam cúc nhưng được cách điệu lên bởi những câu hát mời bài và những tiếng trống báo hiệu số cây bài mà người chơi đánh. Bài điếm là một trò chơi dân gian phát triển mạnh và được người dân chơi nhiều trong những năm bao cấp ở các tỉnh miền Trung. Đến những năm 80 của thế kỉ trước thì trò chơi này dần bị mai một.
Khoảng vài năm trở lại đây, trò chơi này đã được các chị em phụ nữ ở các xã ven biển huyện Hoằng Hóa phục dựng lại, tổ chức chơi trong ngày Tết nguyên đán. Theo thời gian, thú vui dân gian này được mở rộng sang nhiều xã khác nhau như: Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Tiến… huyện Hoằng Hóa.
Người đứng ra tổ chức hội bài điếm được gọi là Cái, còn những người tham gia đánh bài được gọi là Điếm. Người làm Cái thường phải là những người có giọng hát hay, thuộc nhiều câu hát giao duyên, dân ca để có thể vận dụng linh hoạt vào từng cây bài.
Để tổ chức nên một hội bài điếm, nhà Cái không cần mất nhiều kinh phí, chỉ cần mua một vài bộ bài tam cúc (32 cây), một bộ trống để báo hiệu, một chiếc micro, loa, vài ba bộ bàn ghế để cho các điếm ngồi. Bên cạnh đó, cũng cần có thêm bánh kẹo, chè nước, thuốc để thưởng cho đội thắng cũng là để cho người chơi có thể vui xuân trong những ngày Tết.
Cái hay ở mỗi hội bài nằm ở những câu hát rao bài. Mỗi cây bài được các Điếm đánh ra, nhà Cái phải hát rao một câu ca dao, tục ngữ hoặc một “câu Kiều” (Truyện Kiều) tương ứng với cây bài ấy để cho các Điếm biết. Số cây bài được Điếm đánh ra được báo hiệu bởi tiếng trống, một cây tương ứng với một lần gõ trống.
Chị Lê Thị Tích, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cho biết: “Để tham gia làm Điếm trong các hội bài, người chơi chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ từ 2.000 - 5.000đ để mua “cái” tham gia. Số tiền này không phải là để cược ăn thua mà chủ yếu là “luật” để tham gia trò chơi và vui trong ngày Tết, lấy may mắn trong năm mới”.
Một hội bài sẽ chơi 4 ván. Khi bắt đầu chơi, nhà Cái sẽ mời bài bằng câu hát: Đầu xuân bắt cái Điếm anh, để em mang đĩa mang bài tới nơi. Sau câu hát giao trên, một trong bốn Điếm sẽ bắt cái hội bài để chơi, bắt được lá bài nào thì nhà Cái sẽ hát một câu hát dân ca tương ứng. Ví dụ khi Điếm bắt được cây Tốt, nhà cái sẽ rao rằng: Bắt cái tứ Tốt chàng ơi/ Tứ Tốt được nước làng thời nhớ cho. Hoặc “mùa xuân hoa mận hoa đào/ Có cây Tốt đỏ ra chào mùa xuân”.
Với 32 cây bài của bộ bài tam cúc, có hàng trăm câu hát tương ứng để nhà cái mời bài. Một trong những nội dung được ca, đối đáp nhiều nhất trong hội bài Điếm đó là tình yêu quê hương, đất nước và tình yêu trai gái.
Với cây Tốt đen trong bộ bài, Cái sẽ gắn cho nó nhiệm vụ cao cả là bảo vệ biển Đông: “Biển Đông sóng vỗ rì rầm/ Bây giờ đến lượt Tốt thâm (Tốt đen) canh phòng”. Hay khi hát về cây Pháo thì Cái sẽ ca: “Mắt nhìn như ánh sao xa/ Ngày đêm canh giữ quê nhà yên vui”...
Hình ảnh cây Sĩ đỏ ứng với người phi công của quân đội ta trong các cuộc kháng chiến cứu nước: “Tàu bay, bay tít trên mây/ Không quân trẻ tuổi là cây Sĩ điều (Sĩ đỏ)”. Sức mạnh tập thể trong chiến tranh cũng được ứng với hình thức đánh 3 cây bài cùng lúc: “Ba ta xe - pháo - mã đào/ Lập công ở tận chiến hào miền Nam” (xe, pháo, mã đỏ).
Trong hội bài, nếu Điếm nào thắng trong một lượt đi sẽ nhận được số “thẻ” (là những que tre) tương ứng với số cây bài thắng đã ăn được trong ván. Người chiến thắng trong nước bài hiện tại sẽ cướp được Cái và có quyền quyết định ra một, đôi, hoặc ba cây bằng cách đánh số tiếng trống tương ứng. Sau một hội bài 4 ván, Điếm nào ăn được nhiều thẻ sẽ là người chiến thắng. Người nào “ăn” được trên 8 thẻ lại được chơi hội tiếp, người thua sẽ nhường chỗ cho người khác chơi.
“Bài Điếm cũng giống như chơi hát bài chòi ở một số tỉnh Trung Bộ, những người đến chơi đều là những người trung niên. Vì trò chơi bài này đã bị mai một trong suốt một thời gian dài nên đến giờ chỉ còn những người ở tuổi trung niên mới hiểu luật và biết hát Điếm. Ngày xưa ở các hội bài, nam thanh nữ tú thường đến tham gia để vui xuân cũng là để tìm hiểu nhau thông qua các câu hát giao duyên. Những đôi trai gái cũng nên duyên với nhau từ đó”, bà Nguyễn Thị Chung chia sẻ.
Trải qua thời gian, đến nay dù mới được phục dựng, tổ chức chơi lại nhưng trò chơi bài Điếm trong ngày Tết đã thu hút rất đông người tham gia. Hầu hết ở các thôn trong các xã ven biển đều có “tổ Điếm”. Già trẻ, trai gái đều nô nức tham gia như một nét đẹp mới trong văn hóa ngày xuân. Người già đến chơi để được tìm lại mình những ngày trẻ tuổi. người trẻ tuổi đến chơi vì thấy mới lạ, hấp dẫn chung vui với nhau khi mà những trò chơi dân gian trong Tết cổ truyền của quê hương đã gần mai một hết.
Những năm gần đây, hội bài Điếm được người dân các xã ven biển của huyện Hoằng Hóa tổ chức từ ngày 28, 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 6 Tết. Tại các hội bài Điếm lúc nào cũng có rất đông người tới chơi. Ai cũng mong muốn có được may mắn trong năm mới khi tham gia hội bài. Sau ngày những ngày vui xuân đón Tết, các nhà “cái” lại cất đồ đạc giữ lại cho hội bài năm sau…
Thái Bá