Vé "Ngày xửa ngày xưa" đội giá 4-5 lần, phụ huynh bức xúc bỏ săn vé cho con
(Dân trí) - Việc chương trình "Ngày xửa ngày xưa 34" hết sạch vé ngay khi mở bán trong khi mạng xã hội lại xuất hiện "vé chợ đen" với giá cao gấp 4-5 lần khiến nhiều người bức xúc.
Tối 4/5, sân khấu Idecaf chính thức mở bán vé 23 suất diễn của chương trình Ngày xửa ngày xưa 34 (từ 27/5 đến 25/6) trên hệ thống Ticketbox. Dù rằng đơn vị tổ chức đã đưa ra giới hạn mua vé cho mỗi tài khoản (chỉ được mua tối đa 4 vé/suất, trong đó có 2 vé VIP hoặc 4 vé thường), song chỉ sau 2 giờ mở bán, gần 14.000 vé đã hết sạch.
Khi phóng viên Dân trí liên hệ đường dây nóng của sân khấu kịch Idecaf, người phụ trách cho biết thông thường vé chương trình này hết rất nhanh. Hiện tại, nếu muốn mua vé chỉ có thể đợi khi các suất diễn vào tháng 7 chính thức mở bán.
Sau khi Ngày xửa ngày xưa 34 "cháy vé", mạng xã hội xuất hiện nhiều tài khoản bán lại vé xem chương trình này. Đáng nói, vé được bán lại với giá cao hơn giá niêm yết. Thậm chí, có trường hợp "hét giá" cao gấp 4-5 lần.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một "fan ruột" của Ngày xửa ngày xưa cho biết từ xưa đến nay, vé của chương trình này luôn được bán hết nhanh chóng nên dù đã chuẩn bị tinh thần, sử dụng nhiều điện thoại, cố gắng "nhanh tay lẹ mắt" nhưng vẫn không mua được vé của Ngày xửa ngày xưa 34.
"Mua không được vé do sân khấu kịch bán, tôi và các bạn lập tức chia nhau lên mạng xã hội tìm người bán lại vé. Chúng tôi cũng chấp nhận mua giá cao hơn một chút để được coi chương trình kịch này vì với kinh nghiệm xem nhiều năm, tôi biết các cô chú diễn rất hay", người này chia sẻ.
Tình trạng "vé chợ đen" không còn xa lạ với chương trình Ngày xửa ngày xưa nhiều năm qua. Cũng chính vì chương trình này vốn thu hút khán giả, thường không đủ vé đáp ứng nhu cầu người xem nên nhiều đối tượng đã cố ý thu gom, tích trữ để bán vé với giá "trên trời".
Trên fanpage của sân khấu cũng nêu rõ: "Xin cẩn thận với vé online chợ đen, sẽ có rất nhiều hình thức để lừa đảo như một vé thật bán cho nhiều người cùng lúc, vé online được làm giả suất diễn, lừa chuyển khoản trước để đặt cọc".
Một bạn trẻ chia sẻ câu chuyện mua vé với phóng viên Dân trí: "Tôi cũng tìm hiểu "vé chợ đen", nếu nhỉnh hơn 100.000 - 200.000 đồng chắc tôi cũng mua. Nhưng tiếc là nhiều người bán vé với giá lên đến mấy triệu đồng".
Theo ghi nhận của phóng viên, ở các hội nhóm trao đổi, mua bán vé chương trình kịch này trên mạng xã hội, có trường hợp bán 1 cặp vé ghế thường lên đến gần 2,5 triệu đồng. Dù giá niêm yết cho ghế thường, ghế trên lầu và ghế VIP vốn chỉ có giá lần lượt là 270.000 đồng, 220.000 đồng và 320.000 đồng.
Không ít phụ huynh cũng tỏ ra bất bình khi vé phát hành chính thức hết quá nhanh, còn "vé chợ đen" lại quá đắt đỏ, dù vở diễn là kịch dành cho thiếu nhi.
Chị Thanh Phương (46 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết ngày 4/5 vừa qua, chị canh đặt vé xem kịch cho 2 con gái nhỏ nhưng không thành công. "Ngày xửa ngày xưa vốn là kịch dành cho trẻ em nhưng càng ngày chuyện đặt vé càng khó khăn thì thiếu nhi làm sao xem được? Chưa kể với giá vé bạc triệu, người lớn không có điều kiện thì cũng khỏi xem chứ đừng nói là thiếu nhi", chị Thanh Phương nói.
Chị Thanh Phương cũng chia sẻ thêm, nhiều năm trước chị từng mua vé kịch Ngày xửa ngày xưa cho các con xem, "dễ thở" hơn bây giờ rất nhiều. Theo chị, khi mạng xã hội chưa phát triển, người ta chỉ bán lại vé vì quá bận, không thể đi xem chứ không phải kiểu "kinh doanh" như bây giờ.
Bạn Thu Hương (23 tuổi, quận 10) - một trong những người săn vé những ngày qua - bức xúc cho biết: "Đây là kịch hay, có đầu tư, diễn viên đổ nhiều công sức tập luyện nên nếu sân khấu bán vé bạc triệu tôi cũng cảm thấy xứng đáng. Đằng này, sân khấu bán giá vé không quá mắc, để nhiều người được tiếp cận kịch mà có người mua đi bán lại với giá gấp 5 lần. Vậy nên dù tôi có tiền cũng không tiếp tay cho kẻ có ý đồ không tốt".
Thậm chí, một số khán giả cho rằng phía sân khấu kịch Idecaf cũng cần phải can thiệp chứ không phải chỉ "nhắc nhở khán giả cẩn trọng".
Khán giả Vũ Hào bình luận: "Sân khấu kịch cần gắt gao hơn trong khâu bán vé, cần đối chiếu giấy tờ tùy thân hay cách nào đó để khán giả không rơi vào tình trạng mua vé gấp 5 lần hay bị lừa vì "vé chợ đen". Nếu câu chuyện mua vé cứ thế này, thì thiếu nhi nào có thể xem kịch nữa?".
Ngày xửa ngày xưa vốn là chương trình thương hiệu của sân khấu Idecaf. Các vở kịch thường diễn ra vào mùa hè, trung thu hoặc dịp giáng sinh hằng năm với sự tham gia của dàn nghệ sĩ quen thuộc như: NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Lê Khánh, Bạch Long, Hoàng Trinh, Hương Giang, Mỹ Duyên, Đình Toàn, Quang Thảo...
Ngày xửa ngày xưa bắt đầu sản xuất từ năm 2000. Sau 23 năm, chương trình đã cho ra mắt 34 vở kịch. Vở mới nhất mang tên Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai, suất chiếu đầu tiên diễn ra vào ngày 27/5.