Về một văn hóa đọc như người Nhật

Làm sao để góp phần nâng cao văn hóa đọc của xã hội nói chung và cho sinh viên nói riêng, đó là trăn trở của không ít những người trí thức, những con người thực sự có tâm với vận mệnh của dân tộc. Cũng bởi trăn trở ấy mà một ý tưởng độc đáo nhằm nâng cao văn hóa đọc của người Việt đã ra đời.

Nghĩ về văn hóa đọc của người Nhật

Mục sư Martin Luther King từng nhận xét: “Tiền bạc dồi dào, tường thành kiên cố, công trình lộng lẫy... không đủ khiến quốc gia giàu mạnh, hưng thịnh. Những phẩm chất của công dân và trình độ văn hóa, giáo dục, tư tưởng, tinh thần mới là nhân tố quyết định thành tựu của cá nhân các công dân và của các dân tộc, quốc gia đó”. Từ đó, có thể suy ra người Nhật hùng mạnh như bây giờ có lẽ nhờ họ xây dựng cho mình một văn hóa đọc được coi là đứng đầu thế giới.

Câu hỏi được đặt ra, những lí do nào khiến dân tộc Nhật có được văn hóa đọc có thể nói vào bậc nhất thế giới. Có rất nhiều lí do trong đó phải nhìn nhận một cách khách quan về vai trò của dịch thuật. Theo các nhà sử học thì đã có một sự lặp lại kì thú của lịch sử. Nếu vào thế kỉ 11,12 ở châu Âu từng diễn ra cuộc dịch thuật vĩ đại làm nền tảng phát triển khoa học và văn hóa, thì tương tự ở phương Đông, Nhật Bản cũng đã có cuộc dịch thuật vĩ đại của mình giúp chuyển hệ hình tư duy kiểu phong kiến Trung Hoa sang hệ hình khoa học hiện đại phương Tây. Những trí thức Nhật Bản khi ấy cho rằng họ không thể yêu nước trong sự vô minh và đọc sách không phải là thưởng ngoạn mà là việc làm của lòng yêu nước, để khai sáng.Vì thế, công việc dịch thuật dù là khó nhọc, vất vả nhưng trí thức Nhật vẫn quyết tâm thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao cả của mình với dân tộc.

Và ở nước ta từ thời cụ Phan Bội Châu đến nay đã có nhiều trí thức yêu nước mong muốn thay đổi, nâng cao văn hóa đọc của người Việt. Trong đó sẽ phải nói tới ý tưởng độc đáo của TS Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, một trong những trường đại học theo con đường hoạt động không vì lợi nhuận. Theo đó, đầu năm 2009, cô Bùi Trân Phượng đã cho thành lập một ban Tu thư trong trường Đại học Hoa Sen. Ban Tu thư Đại học Hoa Sen có nhiệm vụ biên soạn, biên tập và xuất bản chọn lọc các tác phẩm, dịch phẩm có giá trị nền tảng hoặc đột phá trong tư duy đối với mọi phương diện của đời sống con người, phục vụ nhu cầu đọc rộng, sâu và tự do học hỏi của giới trẻ, học sinh sinh viên và thầy cô giáo.


Cô Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, người sáng lập Ban Tu thư

Cô Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, người sáng lập Ban Tu thư

“Nhà xuất bản” không vì mục tiêu lợi nhuận

Nhà văn Mai Sơn – Trưởng ban Tu thư Đại học Hoa Sen chia sẻ: “Nhiệm vụ nghe có vẻ lớn lao, nhưng đó chính là lý tưởng mà chúng tôi muốn vươn đến. Hiện nay, chúng tôi thấy mình vẫn còn đang bước trên chặng đường đầu tiên. Điều khác biệt có lẽ là chúng tôi luôn gắn việc xuất bản một cuốn sách mới với các hoạt động “tìm hiểu nội dung và giá trị” của nó (chứ không chỉ là quảng bá) do các chuyên gia thực hiện.”

Với mục tiêu không vì lợi nhuận mà hướng tới giá trị, chất lượng của từng cuốn sách nên ban Tu thư Đại học Hoa Sen luôn tập trung một cách nghiêm túc vào việc biên dịch, biên tập và hiệu đính tác phẩm. Những cuốn sách có thể không phục vụ sở thích của số đông độc giả nhưng đó là những cuốn sách thực sự có giá trị. Theo đó, mỗi cuốn sách sau khi được dịch thuật sẽ được biên tập, hiệu đính và đóng góp ý kiến bởi một đội ngũ chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau như nhà văn Nhật Chiêu; bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Gíao sư Trịnh Văn Thảo, nhạc sĩ Dương Thụ….

Có thể nói, mặc dù là đơn vị nhỏ nhưng Ban Tu thư – Đại học Hoa Sen có đóng góp đáng kể cho ngành dịch thuật cũng như xuất bản trong nước. Những cuốn sách do đơn vị này xuất bản luôn được giới học giả, trí thức trong nước đánh giá cao.

Ban tu thư của Đại học Hoa Sen hoạt động theo chủ trương phi lợi nhuận. Sau gần 8 năm hoạt động, ban Tu thư đã xuất bản hơn 60 tựa sách, đã đủ lớn mạnh để tích hợp mảng dịch thuật vào hoạt động xuất bản, hiện nay, Ban Tu thư trở thành Ban Tu thư_Dịch thuật.

Cũng theo như chia sẻ của nhà văn Mai Sơn, Ban Tu thư của Đại học Hoa Sen còn đang trên chặng đường đầu tiên. Tuy nhiên, mô hình độc đáo cùng những hoạt động ý nghĩa này của một trường đại học không vì lợi nhuận có thể coi như là “khởi xướng” cho một cuộc cách mạng về văn hóa đọc của Việt Nam.

Thay cho lời kết: Việc tạo nên thói quen đọc sách không chỉ bắt đầu từ ý thức cá nhân, nỗ lực của gia đình và nhà trường mà phải bắt đầu từ những ấn phẩm có giá trị. Những con người có tâm, có tầm như hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen, các thành viên trong ban Tu thư của Đại học Hoa Sen với mục đích không lợi nhuận đang âm thầm mang đến những tác phẩm như thế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm