Vẻ đẹp của pháo đài
(Dân trí) - Pháo đài Bourtange ở Hà Lan là một trong những pháo đài lớn được thiết kế có hình ngôi sao, tọa lạc ở ngôi làng Bourtange, thành phố Groningen. Hiện pháo đài được biến thành một bảo tàng lịch sử rất thu hút khách tham quan.
Vào thế kỷ thứ 15, khi thuốc súng được phát minh thì súng thần công đã chiếm thế áp đảo trên các chiến trường, từ đó một kiểu pháo đài công sự mới đã xuất hiện và phát triển ở châu Âu. Pháo đài công sự này có hình ngôi sao, đó là một hệ thống thành trì với nhiều góc cạnh hình tam giác được thiết kế để bao bọc, bảo vệ lẫn nhau, xung quanh là những con hào được đào sâu. Pháo đài hình ngôi sao dần trở nên phổ biến, sau đó một số quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ cũng đã thiết kế theo mô hình pháo đài này.
Pháo đài hình ngôi sao nhìn từ trên cao xuống
Pháo đài Bourtange là một trong những pháo đài lớn được thiết kế có hình ngôi sao, tọa lạc ở ngôi làng Bourtange, thành phố Groningen, Hà Lan. Pháo đài được xây dựng năm 1593, dưới sự giám sát của vua William I. Mục đích xây dựng pháo đài là để quản lý con đường duy nhất nối liền nước Đức với thành phố Groningen – đây là con đường do Tây Ban Nha kiểm soát trong suốt cuộc chiến 8 năm.
Trong cuộc chiến 8 năm, những người Tây Ban Nha đã kiểm soát toàn bộ thành phố Groningen và con đường nối từ thành phố này đến Đức. Vua William cũng là người lãnh đạo của Hà Lan nhận thấy sự cần thiết phải phá bỏ tuyến đường thông thương giữa thành phố Groningen và Đức. Ông đã quyết định xây dựng một pháo đài công sự ngay trên tuyến đường chính của Bourtange.
Pháo đài được hoàn thành vào năm 1593 với kiểu dáng hình ngôi sao 5 cánh và một mạng lưới các con kênh, hồ…có chức năng làm lá chắn bảo vệ thành trì. Giữa trung tâm của pháo đài là một khuôn viên hình vuông với nhiều con đường, những con đường này dẫn trực tiếp đến tường thành. Ngay sau khi pháo đài vừa xây xong, người Tây Ban Nha đã tấn công nó nhưng cuộc tấn công hoàn toàn thất bại.
Năm 1672, pháo đài Bourtange phải đối mặt với một cuộc tấn công nữa của đội quân Đức. Sau khi đã chiếm được 28 thành phố và thị trấn ở miền Bắc Hà Lan, họ yêu cầu quân dân trong pháo đài phải đầu hàng. Truyền miệng kể rằng người Đức đã đề nghị và đưa ra những yêu sách có lợi cho phía pháo đài và yêu cầu đại úy Protts chỉ huy 20.000 quân đầu hàng. Đại úy Prott từ chối không đầu hàng và nói rằng ông có một số lượng vũ khí tương đương với quân Đức nên không sợ. Một lần nữa Đức tấn công pháo đài nhưng không thành.
Cuối cùng, đến năm 1851, pháo đài Bourtange chuyển thành một ngôi làng. Hơn 100 năm sau, tức vào năm 1960, chính quyền địa phương quyết định trùng tu, cải biến lại pháo đài giống như những năm 1740 – 1750 và biến pháo đài thành một bảo tàng lịch sử phục vụ tham quan du lịch.
Một số hình ảnh về pháo đài Bourtange: