Vẽ cơ thể khỏa thân: diễn kín, xem…mở!

Trong lúc Đào Anh Khánh gặp rắc rối khi trình diễn trên bãi giữa sông Hồng, Ngô Lực bất ngờ khoe kết quả khai cọ đầu năm trên cơ thể khỏa thân!

Câu chuyện đầy bối rối như vậy đang xảy ra đối với giới nghệ sĩ thực hành các nghệ thuật đương đại như trình diễn, sắp đặt, vẽ cơ thể…

Người ta dễ nhận thấy có hai điểm khác biệt cơ bản giữa hai sự kiện nói trên: một bên mang nội dung khỏa thân và một bên thì không; một bên đem ra nơi công cộng trình diễn để tìm tương tác với người xem, còn một bên kín đáo tiến hành và phô diễn kết quả qua ảnh.
 
 
Vẽ cơ thể khỏa thân liệu có được chấp nhận trong không gian triển lãm?

Vẽ cơ thể khỏa thân liệu có được chấp nhận trong không gian triển lãm?

Nhưng xét về chung cuộc, cuộc trình diễn của nghệ sĩ Đào Anh Khánh đã không đạt được kết quả cuối cùng khi bị cơ quan chức năng giải tán với lý do gây mất trật tự công cộng và không giấy phép.

Trong khi đó, cuộc chơi vẽ cơ thể khỏa thân (body painting) của họa sĩ Ngô Lực nhờ riêng tư và kín đáo đã đi đến kết quả cuối cùng. Dù có thể việc phải chấp nhận phô diễn tác phẩm gián cách qua phương tiện nhiếp ảnh khiến anh cảm thấy cuộc chơi còn phải cộng hưởng với một nghệ thuật khác, cũng như thiếu vắng những cảm hứng có được qua việc tương tác với người xem.

Tuy nhiên, lối mở cho tác phẩm đi đến người xem như vậy - qua những bức ảnh có dụng ý về tạo hình và sự che đậy – lại giúp anh an toàn trong ranh giới giữ được sự tôn trọng và thỏa hiệp đối với thuần phong mỹ tục của cộng đồng.

Họa sĩ Ngô Lực cho biết lần khai cọ đầu năm này thể nghiệm bước đầu của anh cho ý tưởng về một cuộc triển lãm kết hợp giữa hội họa và nghệ thuật body painting, đưa người xem đến những phức cảm về người trong tranh vẽ và người ngoài tranh vẽ.

Một ý tưởng như vậy cho thấy họa sĩ Ngô Lực vẫn muốn đưa việc vẽ cơ thể từ bóng tối bước ra ánh sáng như một màn trình diễn nghệ thuật. Bởi theo anh, “nghệ thuật trình diễn luôn mang tính “happening”, tức là những gì đang xảy ra với tính hiện thực duy nhất, cùng những cảm xúc và suy nghĩ tức thời mà nó đem lại cho người xem”.

Trước sự kiện của nghệ sĩ Đào Anh Khánh, anh nói: “VN cần phải có pháp luật dành riêng cho trình diễn nghệ thuật đương đại. Dù ngay bản thân nghệ sĩ theo đuổi trình diễn còn chưa nhận thức được họ đem lại gì cho cộng đồng và xã hội, thì vẫn không nên cấm cản những thể nghiệm của họ”.

Câu hỏi đặt ra là đối với một nghệ thuật mà người thực hành chỉ có sẵn những ý niệm trong đầu và đòi hỏi buổi thực hành phải diễn ra trong ngẫu hứng, thì cách nào để xin giấy phép? Họa sĩ Ngô Lực cho biết anh thường trình một bản nháp hình ảnh của buổi trình diễn, bắt đầu bằng cái gì, người trình diễn ăn mặc ra sao, ý nghĩa của buổi trình diễn, bên cạnh mô tả địa điểm và thời gian diễn ra.

Theo anh, những rắc rối hiện nay của nghệ thuật trình diễn còn có thể được giải quyết bằng cách cho nó một không gian riêng. Các màn trình diễn có nội dung nhạy cảm có thể được ghi cảnh báo cho người dưới 18 tuổi, người yếu thần kinh hoặc có thể bị tổn thương niềm tin.

Theo Minh Chánh
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm