VCPMC thu được gần 73 tỉ đồng tiền tác quyền âm nhạc
(Dân trí) - Trong năm 2016, ngoài phối hợp xử lý thành công nhiều trường hợp khiếu nại, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) còn thu được gần 73 tỉ đồng tiền tác quyền tăng 6,1% so với năm 2015.
Sáng 17/1, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổng kết hoạt động của một năm. Theo đó, trong năm 2016, tổng số tiền thu được từ tiền tác quyền là gần 73 tỉ đồng (đã trừ thuế), tăng 6,1% so với năm 2015.
Lĩnh vực thu được nhiều tiền tác quyền âm nhạc nhất là cấp phép số (hơn 18 tỉ đồng), sao chép (hơn 12 tỉ đồng), karaoke (hơn 10 tỉ đồng), nhà hàng, café, quán rượu (hơn 9 tỉ đồng), truyền hình và phát thanh (hơn 5 tỉ đồng)…
Cũng theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2016 của VCPMC, trung tâm đã phối hợp với các thành viên xử lý thành công nhiều trường hợp khiếu nại: Điển hình là vụ nhạc sĩ Đoàn Bổng khiếu nại 1 nhà thơ lấy lời bài hát “Về Hà Tây đi em” của ông làm bài thơ của mình; Tác giả Lương Bằng Quang đề nghị nhóm Mặt Trời Đỏ ngừng sử dụng và xin lỗi tác giả vì sử dụng tác phẩm “Dáng tiên xuân ngời” mà không xin phép; Tác giả Chu Công Cường đề nghị dỡ bỏ 4 video vi phạm trên Youtube sử dụng bài hát “Oẳn tù tì”; Tác giả Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu dỡ bỏ video clip quảng cáo vi phạm bản quyền bài hát “Xúc xắc xúc xẻ”… Và một số trường hợp khác đang xử lý.
Từ năm 2015, Trung tâm đã tiến hành rà soát và xử lý các trường hợp vi phạm trên mạng xã hội như Youtube, Facebook và các website, các ứng dụng nghe nhạc và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, yêu cầu dỡ bỏ nếu không thực hiện quyền tác giả… Việc làm này đã thu về hàng trăm triệu đồng cho tác giả.
Ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trong năm 2016, VCPMC đã liên tục bám sát quy trình thực hiện quyền tác giả, hầu hết các đơn vị tổ chức biểu diễn đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quyền tác giả theo quy định. Tuy nhiên, bên cạnh đó theo VCPMC, một số đơn vị vẫn né tránh việc xin phép và trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả…
Về số lượng thành viên, trong năm 2016, VCPMC có 3.550 thành viên, tăng 212 thành viên so với năm 2015. Đối với các thành viên tác giả nhạc quốc tế, thông qua việc ký kết các hợp đồng hợp tác song phương với nhiều tổ chức quản lý tập thể ở các quốc gia, đến nay số lượng thành viên nhạc quốc tế là trên 3,5 triệu tác giả thuộc 230 hiệp hội ở 157 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cũng tại buổi tổng kết hoạt động, VCPMC đề ra phương hướng hoạt động trong năm 2017 như: đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của bộ phận pháp chế nhằm hỗ trợ công tác cấp phép, xử lý vi phạm, áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo quy định của pháp luật…; tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương để đảm bảo việc thực thi quyền tác giả trên địa bàn được đồng bộ và triệt để hơn…; tiếp tục kiện toàn nhân sự…
Nguyễn Hằng