1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Các nhạc sĩ bức xúc vì “con đẻ” sẽ bị mặc sức … “xài chùa”

(Dân trí) - Trước Thông tư hướng dẫn không đúng với tinh thần Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, tại buổi gặp gỡ báo chí sáng ngày 13/4, nhiều nhạc sĩ bức xúc vì cảm thấy mình “bị gạt” ra ngoài, “con đẻ tinh thần” sẽ bị lợi dụng, “xài chùa”.

Nghị định một đằng, hướng dẫn một nẻo?

Ngày 15/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Với Nghị định sửa đổi lần này, lần đầu tiên quyền tác giả đã được pháp luật công nhận một cách chính thức. Nhiều nhạc sĩ kỳ vọng, những tác phẩm của họ sẽ không bị khai thác chui một cách bừa bãi nữa.

Tuy nhiên, sau đó khoảng một tuần, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79 và Nghị định 15 nói trên khiến nhiều nhạc sĩ…ngỡ ngàng vì việc bảo vệ quyền tác giả có nguy cơ bị “buông lỏng”!

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại buổi gặp gỡ báo chí sáng ngày 13/4 (Ảnh: Nguyễn Hằng)
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại buổi gặp gỡ báo chí sáng ngày 13/4 (Ảnh: Nguyễn Hằng)

“Chúng tôi hi vọng việc ban hành và thực thi Nghị định sẽ góp phần giảm thiểu tiến đến xóa bỏ tình trạng quyền tác giả bị coi thường, các đơn vị, cá nhân vi phạm bản quyền ca khúc một cách trắng trợn. Tuy nhiên, niềm vui chỉ được hơn một tuần, thì Thông tư được đưa ra với cách hướng dẫn lập lờ, trái với Nghị định. Với Thông tư hướng dẫn này thì các tác giả (nhạc sĩ) bị… gạt ra ngoài”, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thể hiện sự bức xúc tại buổi gặp gỡ báo chí sáng ngày 13/4 tại Hà Nội.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Nghị định 15 nói rõ, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ là nơi cấp phép cho các đơn vị tổ chức biểu diễn sau khi nộp đầy đủ hồ sơ gồm đơn đề nghị cấp phép; nội dung chương trình, kịch bản…

Đặc biệt, một trong số những thủ tục cần thiết khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật cần có: “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Có nghĩa là, một trong các điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước cấp phép là đơn vị tổ chức biểu diễn phải có cam kết bằng văn bản với chủ sở hữu tác phẩm hoặc người được chủ sở hữu tác phẩm ủy thác (VCPMC).

Thế nhưng, Thông tư hướng dẫn lại đưa kèm mẫu số 14: “Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”. Có nghĩa là, đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ việc nộp bản cam kết này tới cơ quan cấp phép mà không cần biết là tác giả có đồng ý hay không?

Chuyên gia về sở hữu trí tuệ, ông Đỗ Khắc Chiến cho biết Thông tư để hướng dẫn Nghị định nhưng lại không hướng dẫn đúng tinh thần của Nghị định (Ảnh: Nguyễn Hằng)
Chuyên gia về sở hữu trí tuệ, ông Đỗ Khắc Chiến cho biết "Thông tư để hướng dẫn Nghị định nhưng lại không hướng dẫn đúng tinh thần của Nghị định" (Ảnh: Nguyễn Hằng)

“ Văn bản cam kết này là cam kết với ai? Với tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả? Cam kết thì phải có hai bên, chặt chẽ hơn nữa thì cần phải có xác nhận của người làm chứng. Thông tư để hướng dẫn Nghị định nhưng lại không hướng dẫn đúng tinh thần của Nghị định”, chuyên gia về sở hữu trí tuệ, ông Đỗ Khắc Chiến nói.

Theo ông Đỗ Khắc Chiến, mẫu văn bản số 14 trong Thông tư hướng dẫn đã làm sai lệch Nghị định sửa đổi này. Thông tư này vô cùng tác hại với việc thực thi sở hữu trí tuệ, là kẽ hở cho các cá nhân, tổ chức "lách luật", chỉ cần có giấy cấp phép là mặc sức sử dụng.

Các nhạc sĩ bức xúc vì “bị gạt” ra ngoài

Trước Thông tư hướng dẫn không đúng với tinh thần Nghị định sửa đổi này, tại buổi thảo luận sáng ngày 13/4, nhiều nhạc sĩ bức xúc vì cảm thấy mình “bị gạt” ra ngoài, “con đẻ tinh thần” sẽ bị lợi dụng, “xài chùa”.

Nhạc sĩ Vũ Mão cho rằng “Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL không đúng bản chất Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”.

Nhạc sĩ Doãn Nho và nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ thể hiện sự bức xúc khi các nhạc sĩ bị gạt ra ngoài (Ảnh: Nguyễn Hằng)
Nhạc sĩ Doãn Nho và nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ thể hiện sự bức xúc khi các nhạc sĩ "bị gạt" ra ngoài (Ảnh: Nguyễn Hằng)

Nhạc sĩ Đoàn Bổng giải thích thêm: “Hợp đồng giữa anh xin và anh cho, tôi là người chủ đồng ý thì ký với người xin. Nếu muốn dùng tác phẩm thì phải có văn bản hợp đồng giữa tác giả với người sử dụng. Cam kết phải có 2 vế, phải có chủ sở hữu là tác giả và người sử dụng tác phẩm.”

Cũng bức xúc khi quyền tác giả chưa được các cơ quan quản lý quan tâm, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lên tiếng: “Người ta biểu diễn tác phẩm của tôi nhưng chưa bao giờ có cuộc điện thoại để xin phép, chứ chưa nói đến là xin phép bằng văn bản hay hợp đồng. Trong khi Nghị định đã quy định rất rõ tại Điều 9: “Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.”

Tôi muốn chia sẻ thêm để công chúng hiểu về thu nhập của các nhạc sĩ như chúng tôi. VCPMC thành lập được 14 năm nhưng đến hôm nay mới chỉ thu được tối đa 15% tiền bản quyền tác giả âm nhạc, còn tối đa 85% chưa thu được. Có thể nói, so sánh với các nước láng giềng như Singapore, Malaysia thì chúng ta chưa văn minh trong vấn đề này”.

Nhạc sĩ Doãn Nho cũng đặt dấu chấm hỏi trước thái độ của Cục Nghệ thuật Biểu diễn khi soạn thảo Thông tư này. Vị nhạc sĩ cũng mong muốn hơn nữa sự minh bạch, rõ ràng về quyền tác giả trong Thông tư hướng dẫn.

Đại diện cho các nhạc sĩ, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết VCPMC sẽ gửi công văn kiến nghị xoay quanh Thông tư trên gửi tới Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội, đồng gửi tới Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp)… trong thời gian nhanh nhất.

Nguyễn Hằng