Văn học sex: Sex khám phá hay sex chỉ là sex

Khi xem phim “Rừng Na Uy” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Haruki Murakami (Nhật Bản), nhà văn Chu Lai đã bảo tôi: “Trời ơi, sao những đoạn đối thoại về sex cứ tự nhiên như không!”.

Hàm lượng sex trong truyện của Murakami khá đậm đặc trong nhiều cuốn tiểu thuyết của ông, từ “Rừng Na Uy”, “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, “Người tình Sputnik”... đến cuốn sách mới nhất đang phát hành ở VN “1Q 84” cũng không hẳn là ngoại lệ. Nhưng sex trong truyện của ông khác hẳn sex trong nhiều tiểu thuyết VN...
 

Sex để khám phá

 

Sex để khám phá

Có thể nói, không có cuốn sách nào của Haruki Murakami đã dịch ở VN không có nhiều trang về sex. Đối thoại tự nhiên, thẳng đến trần trụi, không che giấu bản năng như cô gái “sát thủ” Aomame hỏi người khách trong quán về “cái ấy” của ông ta có to không, trước khi đưa ra đề nghị “khiếm nhã” lên giường cùng cô! (trong “1Q 84”). Ký ức của Tengo khi cậu mới một tuổi rưỡi cũng về sex với người mẹ ngoại tình... Cho đến cô cảnh sát cũng trải qua tuổi thơ buồn vì sự lạm dụng tình dục của anh trai và chú...

Trong hàng loạt cuốn sách trước đó của Murakami như “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”, “Rừng Na Uy”... cũng có nhiều trang tràn ngập cảnh sex và cả những nhân vật đồng tính nữ... Nhưng không ai gọi Murakami là nhà tiểu thuyết gợi dục cả. Vì sex trong truyện của Murakami được miêu tả rất tự nhiên mang yếu tố bản năng nguyên thủy nhất. Các nhân vật bộc lộ và khám phá nhau, cũng như bản thân qua sex.

Vì thế, sex ở đây không chỉ là sinh lý mà chủ yếu là tâm lý. Cô gái Aomame uống rượu và tìm đến sex như một sự giải tỏa. Cô thầm yêu 1 cậu trai từ hồi 10 tuổi, bao năm không gặp lại, vẫn chờ một cuộc gặp ngẫu nhiên lãng mạn. Nhưng cô vẫn quan hệ với đàn ông xa lạ, như cô nói, để “cân bằng cuộc sống”. Và những lời thoại của Murakami nhiều khi làm độc giả bật cười thú vị vì so sánh kỳ lạ lãng mạn của ông như trong một cuốn sách khác: Một anh chàng sau khi quan hệ với cô gái đã có cảm tưởng: “Như họp lớp”!

Sex với Haruki Murakami còn là văn hoá, là nơi con người trốn nỗi cô đơn và sự tuyệt vọng đang bủa vây hàng ngày. Sex để tìm lại sự tự tin, vẻ đẹp, bản ngã và sex cũng để giải thoát mọi ức chế “muốn nói mà không thể nói được”. Toru Watanabe ngủ với Reiko trong “Rừng Na Uy” như một sự cứu rỗi, đánh thức bản năng đàn bà và sự tự tin trong cô, để giúp Reiko sống mạnh mẽ hơn. Nhục thể con người chính là một ngôi đền như Murakami quan niệm.

Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Giả Bình Ao cũng dùng sex để mô tả tâm lý nhân vật, nhưng tự thấy mình khó khăn, bất lực với ngôn từ, nên nhiều đoạn viết đến chỗ hai nhân vật sắp có chuyện đó, ông vòng tránh thật duyên dáng: Đoạn này tác giả tự lược đi 50 chữ! Một số nhà văn TQ khác như Thiết Ngưng, Mạc Ngôn mô tả sex cũng không ấn tượng và nhiều màu sắc như Murakami...

Và sex nửa vời hay sex chỉ để sex

Nhiều nhà văn VN cũng thích viết về sex, nhưng còn xa và có lẽ chẳng bao giờ đạt tới tầm như Murakami. Cách đây nhiều năm “I am đàn bà” của nhà văn Y Ban từng bị Cục Xuất bản (Bộ VHTT) thu hồi vì có những đoạn mô tả khá tự nhiên, tỉ mỉ về tình dục... Trước đó là “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu ra mắt cũng gây nhiều ý kiến trái chiều về việc miêu tả sex trong đó. Sau này, nhiều cuốn miêu tả sex khá dày như “Ngày hoàng đạo” của Nguyễn Đình Chính, “Trả giá”, “Cõi mê” của Triệu Xuân... thời gian gần đây là “Dại tình” của Bùi Bình Thi. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Ma Văn Kháng cũng rất nhiều sex với ngôn từ phong phú và tung tẩy thể hiện cảm khoái của nhà văn khi miêu tả sex.

Đấy là chưa kể một số bạn trẻ muốn thành nhà văn nổi nhanh cũng hào hứng thêm sex vào truyện như một yếu tố tất yếu. Trong số những nhà văn kể trên, không phải không có người, miêu tả sex vừa độ và cần thiết, dù chưa đẹp và lãng mạn, cũng chưa miêu tả được cái tàn bạo trong một số cảnh huống. Nhưng một số nhà văn VN có tuổi kha khá lại mô tả rất “thô thiển” chuyện sex, ngôn từ không phải nói là tự nhiên chủ nghĩa mà phải dùng đúng chữ “bẩn”! Xem thấy ghê và coi thường chính nhà văn đó.

Nghe nói có nhà văn còn xem phim sex để lấy “thực tế” viết cảnh sex, có người tưởng tượng phóng túng và bừa bãi đến nỗi cho một nhân vật thể hiện “bản lĩnh đàn ông” đến 11 - 12 lần/đêm, làm người đọc kinh hãi! Có người lại nghèo nàn chữ nghĩa, chỉ có một số vốn từ nhất định cứ tái diễn hoài ở đoạn này đến đoạn khác làm người xem chán ngấy.

Thật ra thì thẳm sâu trong một số nhà văn viết truyện có nhiều yếu tố sex cũng muốn mô tả hấp dẫn mà thanh cao lắm, nhưng ngặt nỗi tài hèn sức mọn nên rơi vào lối diễn đạt thô vụng.

Theo Thể thao Văn hóa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm