Văn hóa người Việt và câu hỏi “Bạn kiếm được bao nhiêu tiền?”

(Dân trí) - Một trong những khác biệt văn hóa tuy nhỏ nhưng rất đáng chú ý đối với người nước ngoài đến Việt Nam là ở đây, người Việt hoàn toàn có thể hỏi một người xa lạ về việc họ kiếm được bao nhiêu tiền.

Nhiều khi, câu hỏi này được đặt ra một cách tự nhiên ngay sau khi họ hỏi anh/chị làm nghề gì.

(Ảnh sưu tầm mang tính minh họa)
(Ảnh sưu tầm mang tính minh họa)

Đầu tiên, phản ứng tức thì của tôi đối với câu hỏi mà hầu hết người phương Tây sẽ cho là thô lỗ này là: "Chả liên quan quái gì đến anh/chị!?" Nhưng không lâu sau đó, tôi nhận ra rằng khi đặt câu hỏi này, hầu như người Việt Nam không hề có ý định xúc phạm cũng như không coi điều đó là bất lịch sự.

Tất nhiên tôi mừng vì đã hiểu được điều này - nó có thể tránh những hiểu lầm không đáng có. Song tôi vẫn thấy khó xử mỗi khi ai đó hỏi về thu nhập của mình. Dù vẫn nghĩ rằng thu nhập của tôi chả liên quan gì đến họ, nhưng tôi cũng không muốn tỏ thái độ vì biết họ không có ý định gì xấu. Cho đến giờ lựa chọn duy nhất của tôi là buộc phải trả lời khi nhận được câu hỏi này.

Vậy phải trả lời như thế nào đây? Bạn có thể nói dối rằng bạn kiếm được ít hơn thực tế. Tôi đã thử, nhưng nó luôn luôn để lại một vết gợn trong tôi. Câu trả lời như thế cũng thường khiến những người hiếu kỳ có vẻ cụt hứng và thất vọng, vì họ cho rằng kiểu gì tôi cũng phải kiếm được nhiều tiền hơn thế, bởi vì tôi không phải người Việt Nam. Tất nhiên là đúng như vậy.

Bạn cũng có thể nói mức lương thực sự của mình, nhưng chắc chắn rằng điều này sẽ dẫn đến một loạt sự hiểu lầm. Tôi đã từng nhiều lần nói thật. Phản ứng tồi tệ nhất mà tôi nhận được là họ sẽ cười lớn, hoặc thậm chí nói "giàu thế". Và điều đó khiến tôi ức sôi cả bụng.

Tôi chưa từng thành công trong việc giải thích cho những người này rằng dù đúng là tôi kiếm được nhiều tiền hơn so với mức trung bình của người Việt Nam, nhưng tôi không giàu. Và những người ngoại quốc khác ở đây cũng thế (tất nhiên trừ những người giàu thật).

Tôi cũng chưa thể làm cho họ hiểu được rằng mức chi phí sinh hoạt của một người ngoại quốc cao hơn rất nhiều. Thực ra, mức lương có vẻ cao của tôi cũng chỉ vừa đủ để chi trả cho cuộc sống khi phải sống một mình, không có những bữa ăn gia đình và không có chỗ ở miễn phí. Rồi những chuyến đi nước ngoài bắt buộc và thường xuyên để gia hạn visa, cùng với trăm thứ chi phí khác.

Chính tôi cũng không hiểu tại sao mình lại cảm thấy phiền khi ai đó nghĩ rằng tôi giàu trong khi tôi thì không. Trên thực tế thì điều này cũng gây ra một vài bất lợi. Người ta cho rằng người ngoại quốc nhiều tiền và thường tăng giá các mặt hàng khi bán cho chúng tôi. Nhưng tôi không phiền lắm vì lý do này. Tôi sẽ không quá bận tâm nếu phải trả thêm vài nghìn đồng cho một cốc trà ở một quán lạ.

Tôi cho rằng điều thực sự khiến tôi khó chịu là việc bị coi như một người đến đây sống rất thoải mái và vương giả chỉ nhờ vào các mác là người ngoại quốc. Điều này rất khó hình dung, nhưng nó khiến tôi vô cùng khó chịu.

Dù sao, như đã nói, tôi chưa bao giờ thành công trong việc giải thích cho những ai vốn đã có suy nghĩ rằng tôi là người lắm tiền. Chắc tôi cũng có thể làm được nhưng việc đó sẽ tốn quá nhiều thời gian. Vì vậy, tôi đã không còn cố gắng giải thích nữa. Bây giờ, những gì tôi thường làm là cứ kệ họ dùng Iphone xếp tôi vào danh sách "Người bạn mới giàu có" trên Facebook của họ, còn tôi thì kỵ cạch lưu số của họ vào chiếc điện thoại Samsung trị giá 500 nghìn đồng của mình.

Brian Webb
(Hải Lan dịch)
 
* Mời bạn đọc xem bản gốc bằng tiếng Anh tại đây: http://dtinews.vn/en/news/027/34273/the-money-question.html