Văn hoá gia đình bị phá vỡ khiến tình trạng trẻ em bị xâm hại càng nhiều?
(Dân trí) - Sáng nay (28/6), nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Bộ VHTT&DL tổ chức hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng - chống xâm hại trẻ em”. Hội thảo đã nhận được 20 bản tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội thảo.
Báo động tình trạng xâm hại tình dục trẻ em
Trong bản tham luận của mình, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTT&XH cho biết, bạo lực, xâm hại trẻ em, bao gồm cả xâm hại tình dục là một trong những vấn nạn đối với trẻ em trên toàn cầu.
Trong năm 2017 - 2018, toàn quốc xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. 3 tháng đầu năm 2019 đã xử lý 310 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Trong 2 năm này, một số vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội: Em gái 11 tuổi bị cả cha đẻ và ông nội xâm hại tình dục tại Vĩnh Long; Trẻ em tại trường mầm non Mầm Xanh (TP. Hồ Chí Minh) và cơ sở Mẹ Mười (TP. Đà Nẵng) bị bạo lực; Cả cha đẻ và mẹ kế bạo hành, không cho trẻ đi học trong thời gian dài (Hà Nội); Em gái 13 tuổi tự tử sau khi bị người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần (Cà Mau); Nhiều vụ dâm ô trẻ em tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Bên cạnh đó, bạo lực học đường cũng diễn ra ngày càng nhiều. Học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, thầy cô giáo có hành vi bạo lực đối với học sinh, bạo lực trong các cơ sở giáo dục mầm non gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Số lượng các vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài và có cả trường hợp xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.
Trào lưu, lối sống mới đã phá vỡ văn hóa gia đình Việt Nam?
Ths. Đặng Kim Thoa - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, sự hội nhập của văn hóa nghệ thuật, các trò chơi giải trí, đặc biệt là quốc tế hóa gia đình đã làm đổi mới cơ bản văn hóa gia đình truyền thống. Nó là một trong những nguyên nhân đối nghịch với văn hóa gia đình của con người Việt Nam xưa.
Lối sống mới đang xóa nhòa văn hóa gia đình Việt Nam trong giới trẻ thời đại mới. Chỉ tính riêng hai năm 2013-2014 xã hội Việt Nam đã tiếp nhận 30 trào lưu, lối sống mới như: Hôn trộm, Cô dâu tám tuổi, xem ảnh đoán tuổi, Cô dâu ngàn tuổi, Thời trang váy, Đồng âm khác nghĩa, Cài khuy trắng phía trước vòng 3, Hôn nhân đồng tính, Hàng nhái thương hiệu, Xăm mình, Nói là làm, Nhảy lầu, Nhảy cầu tự tử…
Toàn cảnh hội thảo về Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng - chống xâm hại trẻ em?
Những trào lưu lối sống mới đã phá vỡ văn hóa gia đình Việt Nam, nó biến giới trẻ thụ động bị động và ăn chơi thác loạn, các loại tội ác nẩy sinh trong đó có tội xâm hại trẻ em.
“Gia đình của lớp người thời kinh tế thị trường sống tiện nghi, tốc độ và vô cảm trong lối sống phần đông của con người hôm nay. Dù xã hội đang thức dậy những tấm gương sáng về lòng từ thiện, lòng nhân ái bao dung, sống vì cộng đồng… nhưng chưa đủ mạnh để thu hút giới trẻ đi theo.
Lớp người mới thích làm ít hưởng nhiều, sống bất cần ai, bất cần đời, cái tôi là vũ trụ, hưởng thụ bản thân đòi hỏi cao, đây là con đường dẫn đến mọi tội ác trong đó có tội xâm hại trẻ em để hưởng lạc thỏa mãn bản thân”, bản tham luận của Ths Đặng Kim Thoa nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Hoa Nam, một trong những nguyên nhân khiến số lượng các vụ việc xâm hại trẻ em gia tăng và có tính chất phức tạp là bởi công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả.
Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, của người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ.
Nhiều em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội.
Cha mẹ của các trẻ em chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội.
Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.
Ngoài ra, nững khó khăn về kinh tế, xã hội cũng dẫn đến gia tăng áp lực tâm lý trong đời sống gia đình và xã hội, gây ra các sang chấn tâm lý và hành vi “lệch chuẩn” ở trẻ em và người lớn.
Quy định pháp luật về quy trình tư pháp bảo vệ trẻ em, thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên chưa cụ thể, vẫn chủ yếu ở mức độ hướng dẫn và mô hình thử nghiệm. Hệ thống cán bộ và mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực.
Giải pháp khắc phục tình trạng xâm hại trẻ em
Giải pháp để khắc phục tình trạng nêu trên theo ông Đặng Hoa Nam là phải hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo hành, xâm hại và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em.
Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu khai mạc hội thảo.
Truyền thông, giáo dục pháp luật, kỹ năng về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em bao gồm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em, bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, thành lập nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương.
TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình thời gian tới, cần phải thực hiện có hiệu quả các văn bản, đề án về công tác gia đình, công tác trẻ em đã được phê duyệt. Phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cụ thể về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong gia đình.
Khuyến khích sáng tác các tác phẩm; biểu diễn các chương trình nghệ thuật và tổ chức các hoạt động ở khu di tích, khu du lịch, địa điểm vui chơi giải trí có đưa nội dung phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Qua đó tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 12 tỉnh/ thành và chỉ đạo các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn địa phương xây dựng và triển khai thí điểm Bộ tiêu chí trên địa bàn.
Hà Tùng Long
Ảnh: Thanh Tùng