Văn hóa đình làng Bắc Bộ xưa tái hiện giữa thủ đô

(Dân trí) - Không gian văn hóa đình làng vùng Châu thổ Bắc Bộ được tái hiện một cách sinh động qua hàng trăm bức ảnh tư liệu về nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc qua nhiều thế kỷ trong cuộc triển lãm “Không gian văn hóa đình làng Bắc Bộ”.



Triển lãm nằm trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc bộ, Việt Nam” do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện từ năm 2012 đến năm 2013, triển lãm mở cửa từ ngày 6 đến ngày 19/12/2013.


Tại triển lãm, nổi bật là những công trình kiến trúc đình làng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, quần thể kiến trúc điêu khắc đạt đến độ tinh xảo, thể hiện óc thẩm mỹ cao của người Việt xưa như: Rồng trên kiến trúc đình làng Cam Đà, thế kỷ thứ 17, Mảng chạm chủ đề tứ linh, Rồng phượng trên cấu kiện kiến trúc thế kỷ 19, Phù điêu hình Rồng và đồ vật trang trí trên vi nóc kiến trúc, chất liệu gỗ, niên đại thể ký 16.


Những đường nét kiến trúc đình làng không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian thuần Việt, mà còn là kho tàng về di sản văn hoá Việt Nam, chứa đựng hồn cốt, văn hóa của cả dân tộc. Đình làng còn là trung tâm tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của làng xã, quy tụ và gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng. Không gian văn hóa đình làng Bắc Bộ do cộng đồng làng xã tạo dựng nên, xuất phát từ nhu cầu, niềm tin và ước vọng của người Việt.


Ngoài ra, nhằm tái hiện một cách sinh động những nét văn hóa, sinh hoạt của người Việt gắn liền với đình làng, triển lãm còn có diễn xướng, trống rước, múa bỏ bộ, hát ca trù... Những giai điệu, âm hưởng của nghệ thuật dân tộc đã khiến người xem như được sống lại với không gian văn hóa xưa.


Xuân Ngọc - Hà Trang