Vấn đề bản quyền tác giả văn học trong sách giáo khoa: Các nhà văn, nhà thơ nhận gần 500 triệu đồng

“Cuộc chiến” dai dẳng xung quanh vấn đề bản quyền tác giả văn học trong sách giáo khoa (SGK) cuối cùng đã có được kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Hôm qua, 17.8, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) thông báo: NXB Giáo dục đã đồng ý trả tiền bản quyền cho các tác giả có tác phẩm được đăng trong SGK, tổng số tiền lên tới gần 500 triệu đồng.

 

Vấn đề bản quyền tác giả văn học trong sách giáo khoa: Các nhà văn, nhà thơ nhận gần 500 triệu đồng - 1

Các nhà văn lần đầu tiên được lĩnh tiền bản quyền cho những tác phẩm của mình in trong SGK. Ảnh: A.K

 

“Cuộc chiến” dai dẳng xung quanh vấn đề bản quyền tác giả văn học trong sách giáo khoa (SGK) cuối cùng đã có được kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Hôm qua, 17.8, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) thông báo: NXB Giáo dục đã đồng ý trả tiền bản quyền cho các tác giả có tác phẩm được đăng trong SGK, tổng số tiền lên tới gần 500 triệu đồng.

Đây là lần đầu tiên, NXB Giáo dục chi trả tiền tác quyền sau hàng chục năm sử dụng tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn. Ngay ngày hôm qua, rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã tới Trung tâm để nhận tiền bản quyền.

Gian nan đi đòi tiền cho tác giả văn học

Cuối năm 2014, Báo Lao Động đặt vấn đề và khởi đăng loạt bài “Sách giáo khoa cũng vi phạm tác quyền” đã nêu thực trạng: Trong vòng gần 20 năm, NXB Giáo dục đã “quên” mất tiền bản quyền cho các tác giả văn học với một tâm lý là “được đăng trong SGK đã là vinh dự”. Điều này đã vi phạm Luật Bản quyền và qua Báo Lao Động, các nhà thơ như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Đặng Hiển… đã bài tỏ nỗi bức xúc.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ với Lao Động: “Tôi cũng như các tác giả khác, có niềm vui vì tác phẩm của mình được giảng dạy trong nhà trường, nhưng cũng đòi NXB Giáo dục thực hiện đúng quy định về tác quyền, dù chỉ bằng một cam kết có sự đồng ý của tác giả và không nhận tiền, bởi vì đã là pháp luật thì phải chấp hành. Tôi cũng như các nhà thơ, nhà văn khác thường lơ đãng, tự trọng, không muốn kiện cáo đòi nợ cho nên quên đi chuyện tác quyền đối với các tác phẩm in trong SGK. Nhưng Báo Lao Động nói thay cho các tác giả thì cá nhân tôi rất cảm ơn”.

Khi loạt bài này được đưa ra công luận, chính những người tham gia soạn SGK như GS-TS Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên nhiều cuốn ngữ văn) cho rằng: “Luật Sở hữu trí tuệ không bắt buộc và ông cũng chưa thấy có nước nào bắt nhà xuất bản phải xin phép tác giả để đưa tác phẩm của họ vào SGK”.

Ngoài ra, NXB Giáo dục cũng căn cứ vào Nghị định 18 về chi trả nhuận bút cho các tác giả để làm căn cứ trong khi thực chất vấn đề là tác quyền lại chưa có quy định rõ trong nghị định.

Trong khoảng thời gian đó, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (tên tiếng Anh: Vietnam Literary Copyright Center; viết tắt: VLCC) cũng đã có những nỗ lực lớn trong việc đòi quyền lợi cho các nhà văn liên tục ra những văn bản yêu cầu NXB Giáo dục phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trải qua ít nhất 5 cuộc họp căng thẳng giữa đại diện VLCC và đại diện NXB Giáo dục từ tháng 10 cho đến hết năm 2014, câu chuyện bản quyền tác giả văn học trong sách giáo khoa nhiều khi đi vào bế tắc khi hai bên không tìm được tiến nói chung. Thậm chí, thông qua VLCC và Hội nhà văn, các tác giả đã có kế hoạch rút những tác phẩm của mình khỏi SGK, đồng thời khởi kiện NXB Giáo dục.

Quyền lợi của các nhà văn đã được đảm bảo

Những nỗ lực không biết mệt mỏi của Giám đốc VLCC, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, các nhân viên và lãnh đạo Hội nhà văn cuối cùng đã khiến NXB Giáo dục phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Nửa tỉ đồng không phải là quá lớn nhưng là thành công cho cả quá trình đấu tranh cho quyền lợi của những nhà văn. Hơn 100 tác giả có tác phẩm sử dụng trong SGK đã được nhận tiền, trong số đó có những người đã mất như nhà thơ Tố Hữu được nhận tiền tác quyền gần 30 triệu, nhà văn Tô Hoài nhận hơn 20 triệu. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, với số lượng tác phẩm được sử dụng khá lớn, nhận 17 triệu đồng…

Nhận được tin vui, gia đình nhà thơ Định Hải, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà văn Y Phương, nhà văn Nguyễn Hoàng Sơn, vợ nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, con gái nhà văn Bùi Hiển, con trai nhà thơ Xuân Quỳnh, vợ nhà văn Bế Kiến Quốc, con trai nhà văn Võ Văn Trực đã đến VLCC để nhận tiền bản quyền

Nhà văn Y Phương bày tỏ cảm xúc khi lần đầu tiên được nhận tiền tác quyền: “Sáng đến Trung tâm Quyền tác giả lĩnh nhuận bút. Cứ nghĩ mình là người đầu tiên, hóa ra anh Ma Văn Kháng mới người thứ nhất. Cảm ơn Trung tâm bản quyền, cảm ơn giám đốc Thu Huệ. Một cảm giác gần gũi lâng lâng khó tả. Các cháu hẹn sang năm chú lại đến lĩnh nhuận bút nhé. Một buổi sáng sung sướng. Sung sướng bởi lẽ công bằng đã có được chỗ ở”.

Theo VLCC, đây mới chỉ là đợt nhận tiền bản quyền đầu tiên, từ đây mỗi lần SGK được tái bản, những tác giả lại được lĩnh tiền căn cứ vào quy định hiện hành.

Theo Anh Khoa

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm