Văn công tỉnh lẻ - buồn tẻ phận đời

Đoàn Văn công Tây Ninh không biểu diễn ở một nhà hát cố định. Họ chủ yếu lưu diễn ở các xã, huyện vùng sâu vùng xa, thực hiện những suất diễn phục vụ bà con nghèo. Đời nghệ sĩ phong trần, sương gió lang bạt, nhiều cái khổ, thế mà cũng có những điều thú vị.

Đêm xuống. Đèn lên. Ở một công viên giải trí miền quê đã đóng cửa, người ta bắt đầu dỡ gỗ, sắt từ một chiếc xe tải xuống rồi bắt đầu sắp xếp, nâng, trải, buộc dây… Dàn âm thanh được bày ra, chỉnh sửa. Ghế được xếp thành hàng thẳng tắp trên bãi cỏ. Và đằng sau hậu trường, những chiếc balace được mở ra, phấn son được bày biện. Những con người mới, cuộc đời mới sắp sửa thành hình. Rồi sau đó, một đêm diễn bắt đầu.Ai về Tây Ninh, chắc hẳn cũng nghe chút tiếng tăm của đoàn văn công tỉnh nơi đây.

Chính mình ban ngày, hóa thân về đêm

Một tháng sống với đoàn, tôi được trải nghiệm không ít chuyện về cuộc sống của một người nghệ sĩ. Đoàn cải lương được cấp một khu nhà tập thể ở phía sau Bảo tàng tỉnh Tây Ninh trên đường 30 tháng 4 ở thị xã. Đó là khu nhà cấp 4, diện tích chỉ khoảng 25m2/căn cho một gia đình. Khu vườn xung quanh rất rộng, người ta có thể phát quang cây cỏ, thay vào đó họ trồng sắn, đu đủ, ớt, mận, cây kiểng và nuôi gà, nuôi chó mèo làm bầu bạn, giữ nhà. Cuộc sống nghèo, bình dị là thế.


NSƯT Anh Thư và nghệ sĩ Đông Dương  trong vở Chuyện tình bên xóm Miễu. Ảnh: SONG ANH

NSƯT Anh Thư và nghệ sĩ Đông Dương  trong vở Chuyện tình bên xóm Miễu. Ảnh: SONG ANH

“Nắng Tây Ninh, nắng cháy da người. Em gái thị thành tình duyên thắm, không ngại đường xa đến thăm anh” – câu hát trong bài ca cổ “Thao trường em đến thăm anh” của soạn giả Thành Phương như đã khái quát lên được khí hậu khắc nghiệt của vùng ven biên giới này. Nhất là vào mùa hè, cái nắng gắt gao nhất trong năm, kèm với những cơn mưa rào ngẫu hứng và râm ran dàn hợp xướng ve sầu, bù tọt… chính là nét đặc trưng của nơi đây. Sẽ chẳng ai có thể nhận ra được những người nghệ sĩ trong vở tuồng tối qua khi thấy họ sinh hoạt vào buổi sáng. Cuộc sống rất đỗi bình thường- đi chợ, nấu cơm, chơi với con cái, trồng cây, đào sắn… Đời nghệ sĩ chỉ nhộn nhịp khi màn đêm kéo xuống, xe đoàn lăn bánh đến các điểm diễn và sân khấu lên đèn. “Diễn mùa mưa rất cực. Đi diễn mà cứ cầu cho trời đừng mưa vì đất sình lầy lội lắm. Xe đoàn di chuyển mà cứ thấp tha thấp thỏm. Làm tuồng (hóa trang) mất 2 tiếng đồng hồ mà làm xong mưa tự nhiên ào xuống là phải tẩy đi hết. Dù chỉ là diễn phục vụ, nhưng vì mưa mà không làm được thì buồn lắm” – nghệ sĩ Lê Thanh, kép chánh đoàn Tây Ninh kể lại.


Dàn nhạc của Đoàn văn công Tây Ninh.  Ảnh: S.A

Dàn nhạc của Đoàn văn công Tây Ninh.  Ảnh: S.A

Có một lần đoàn đi diễn ở xã Thạnh Tây (huyện Tân Biên), một xã nghèo cách 45 phút đi xe. Đó là một khu vui chơi thiếu nhi cũ kỹ. Không gian sân khấu, không gian hóa trang và cả chỗ cho khán giả xem vở rất chật hẹp. Các nghệ sĩ phải rất cẩn thận khi di chuyển để không bị lọt vào những cái hố lõm xuống ẩn sau bụi cỏ cao. Lúc nào họ cũng phải tự chuẩn bị dầu gió, hoặc kem chống muỗi. Hôm đó đoàn diễn vở “Chuyện tình bên xóm Miễu”. “Vở này tình tiết khá rời rạc và dễ dãi, hay pha vào các tình tiết tấu hài và tạp kỹ nhưng khán giả lại thích. Suất diễn nào cũng đông nghẹt” – NSƯT, đào chánh Anh Thư kể lại.

Các suất diễn không sắp xếp ghế cho khán giả ngồi, họ phải tự chuẩn bị ghế, hoặc ngồi chồm hổm, hoặc lót báo, lót dép ngồi xem. Loa xe của đoàn sẽ đi vòng vòng quanh xóm quảng cáo vở mới. Khoảng 17 giờ các diễn viên được đưa đến điểm diễn và bắt đầu làm tuồng, thay trang phục. 18 giờ, những đứa con nít bắt đầu tụ tập phía trước sân khấu, có những đứa tò mò len lén vào sau hội trường xem nghệ sĩ. Chúng say sưa ngắm nhìn, chúng bàn luận, đoán già đoán non nghệ sĩ này vào vai gì, nghệ sĩ kia vai gì...

Khán giả đến càng lúc càng đông, họ bế con đứng xem hát, họ ngồi phệt xuống nền đất. Khán giả đặc nghẹt sân cỏ. “Không đâu, vầy là còn ít đó. Chứ có mấy bữa diễn ở sân đình, sân ủy ban là khỏi có chỗ nhúc nhích luôn” – nhạc sĩ Thành Trí, trưởng dàn cổ nhạc của đoàn, vừa chỉnh đàn phía trước sân khấu vừa nói. Khán giả ủng hộ nhiệt tình lắm. Những khúc pha trò thì họ cười ầm lên, còn những khúc bi ai thì họ bàn tán rôm rả.

Ngẫu hứng thời trẻ, lo âu tuổi già

Một suất diễn thường diễn ra từ 19 giờ đến 21 giờ. Sau đó cả đoàn được bà con xã, huyện đãi cháo và gỏi gà lót dạ. Của ít lòng nhiều, ly rượu đế uống vào lòng càng ấm áp.


Bà con xã Thạnh Tây (huyện Tân Biên) đi xem rất đông.  Ảnh: S.A

Bà con xã Thạnh Tây (huyện Tân Biên) đi xem rất đông.  Ảnh: S.A

Nói về cải lương hiện nay, Đoàn Tây Ninh là một trong số ít đoàn còn phục vụ vở diễn với hình thức gần gũi với ngày xưa – thời kỳ hoàng kim của cải lương. Những đoàn khác như Đồng Nai, các nhà hát TP.HCM thường chỉ phục vụ hoặc bán vé những đêm diễn tổng hợp- hát, múa, ca nhạc, trích đoạn. Còn Đoàn Tây Ninh, đêm diễn tổng hợp như vậy thường chỉ diễn ra vào ngày tết, khi họ phải phục vụ ở các điểm du lịch như Núi Bà. “Ngày xưa còn cộng tác với các đoàn tỉnh khác, có nhiều cái bất hợp lý lắm. Chương trình tổng hợp nhiều khi như nồi lẩu thập cẩm, thù lao lại không thỏa đáng. Hồi những năm 2000, một đêm diễn diễn viên chỉ được nhận 30.000 đồng, còn các ca sĩ, có khi chỉ là nghiệp dư, lên sân khấu hát vài ba bài là được cả trăm nghìn rồi. Khán giả lại thưa thớt. Mình không thể trang trải cuộc sống đã đành, còn không được diễn thỏa cái nghề của mình nữa” – nghệ sĩ Lê Thanh chia sẻ.

Những người nghệ sĩ ở đoàn tỉnh, như một lẽ thường tình, tiếng vang, độ nổi tiếng của họ khó được lan rộng rãi trên các kênh truyền thông đại chúng như các nghệ sĩ ở thành phố lớn. Thỉnh thoảng họ chỉ có thể xuất hiện trên Đài truyền hình tỉnh Tây Ninh để thu vài ba bài ca cổ. Dịp lớn để các nghệ sĩ giao lưu, góp nhặt huy chương tranh danh hiệu, mở cơ hội tiến thân với nghề chỉ có các cuộc thi lớn. Hiện nay, nổi lên nhất là cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” – nơi học hỏi, phát triển tài năng của cả giới nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ trẻ từ các đoàn tỉnh cũng tham gia, nếu họ tiến sâu vào các vòng trong, sẽ có nhiều cơ hội được công chúng biết đến hơn. Theo quy định xét nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ phải có ít nhất 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc của hội diễn này và 15 năm gắn bó với nghiệp diễn mới có điều kiện xét ưu tú. Vì thế mà mỗi mùa hội diễn đến, các vấn đề nhân sự, vở diễn, tài chính… càng nảy sinh. “Đoàn Tây Ninh là đoàn nghèo, chi phí đầu tư có hạn nên vở diễn sẽ không được hoành tráng như những đoàn bạn khác. Tuy nhiên nghệ sĩ vẫn có rất nhiều cơ hội nhận huy chương nếu thật sự khả năng của họ được công nhận” – Trưởng đoàn, Nghệ sĩ Ưu tú Kim Thoại cho biết.

Trở lại với NSƯT Anh Thư, chị cho biết: “Tôi cũng 40 tuổi rồi, cũng đến lúc phải nhường vị trí đào chánh, đào đẹp cho các diễn viên trẻ hơn. Nhà ở hiện tại là do đoàn cấp cho, nhưng chỉ trong thời gian làm nghề thôi, sau này đến lúc nghỉ hưu, con cái lớn lên thì chưa biết sẽ như thế nào. Ước mơ của tôi bây giờ là mua được miếng đất, cất được cái nhà nhỏ cho hai vợ chồng khi về già”.

Tôi biết, những nghệ sĩ nơi đây tuy nghèo, đời sống vật chất thiếu thốn, nhưng họ bình dị và hạnh phúc được theo nghiệp tổ.

 

Nói về cải lương hiện nay, đoàn Tây Ninh là một trong số ít đoàn còn phục vụ vở diễn với hình thức gần gũi với ngày xưa – thời kỳ hoàng kim của cải lương. Những đoàn khác như Đồng Nai, các nhà hát TP.HCM thường chỉ phục vụ hoặc bán vé những đêm diễn tổng hợp: hát, múa, ca nhạc, trích đoạn.

 

Theo Nguyễn Song Thục Anh

Dân Việt