Vận chuyển 800 bao đất lên sân thượng, mẹ đảm làm vườn rau 300m2 xanh mướt
(Dân trí) - Để làm vườn rau rộng 300m2, chị Oanh thuê máy cẩu vận chuyển 500 bao đất lên sân thượng tầng ba và bốn, trong hơn một năm qua, mẹ đảm bê bổ sung gần 300 bao đất và phân bón tự ủ để bón cho rau trái.
Xuất phát từ đam mê làm vườn và yêu thiên nhiên, chị Doãn Thị Oanh (47 tuổi) ở Lương Sơn, Hòa Bình bắt đầu làm vườn sân thượng hơn một năm nay.
Mẹ đảm cho biết: "Mình ấp ủ ước mơ có một vườn rau xanh để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho cả gia đình từ rất lâu rồi nhưng chưa có điều kiện. Tháng 6/2020 khi xây nhà xong mình mới vận chuyển đất để hoàn thiện được khu vườn tầng ba và bốn trồng đủ loại rau trái".
Hơn một năm qua, chị Oanh đã trồng được khoảng gần 70 giống rau củ quả: Bầu bí, mướp đắng, cà chua, su su, củ cải tím, củ cải đỏ, cải thìa, cải mù tạt Hàn Quốc…
Chị Oanh ưu tiên trồng nhiều các giống cải kale Mỹ vì chúng rất tốt cho sức khỏe, chế biến được nhiều món ăn ngon, khi ép có thể kết hợp được nhiều loại hoa quả khác nhau.
Mục đích sử dụng sân thượng để trồng rau nên ngay khi xây dựng nhà, gia đình chị đã nghiên cứu và tính toàn làm chống thấm sàn cẩn thận.
Hiện tại, khi khu vườn đã ổn định, chị thường xuyên ủ phân gà, vỏ trứng, rác hữu cơ dưới tầng một và chuyển dần lên để bón cho cây.
Chị Oanh cho biết, trồng rau trên sân thượng công đoạn làm đất rất quan trọng, chị trộn đất ruộng, phân gà và phân trâu ủ mục cùng với một chút lân xám, một chút nấm ủ trichoderma. Thời gian ủ từ 20-30ngày là có thể gieo trồng.
Nếu trồng rau xanh thì rút ngắn thời gian ủ đất bằng cách cuốc đất lên cho ải xong rắc cám gạo với bột đậu tương, sau 2-3 ngày có thể trồng lứa rau mới.
Hầu hết các loại rau trái trong vườn chị Oanh đều tự mua hạt giống về tự ươm. Giá thể ươm cây giống gồm có phân trùn quế, sơ dừa, một ít đất sạch trồng rau.
Để thay thế phân bón hóa học cho cây, chị Oanh sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ tự ngâm ủ. Mẹ đảm thường xuyên đi chợ để thu mua lại những quả trứng dập, sữa hết hạn, chuối chín và những phần bỏ đi từ cá, ngâm với mật đường và chế phẩm vi sinh (dạng bột). Còn rau ăn lá, chị thường ngâm cá để tưới.
Để phòng sâu bệnh, chị Oanh thường phun phòng bằng thảo dược như tỏi, gừng, ớt, rượu tự ngâm. Mỗi tuần phun phòng hai lần vào buổi sáng, ngoài ra, chị còn ngâm nước vôi trong tưới cho rau mỗi tuần một lần.
Ngoài làm vườn, hiện chị Oanh còn kinh doanh quán cà phê, nên mẹ đảm thường tranh thủ thời gian sáng sớm và tối muộn để chăm sóc rau trái trên sân thượng.