Tấm bản đồ Martellus năm 1492.
Có khả năng Christopher Columbus đã sử dụng tấm bản đồ này khi lên kế hoạch cho chuyến đi xuyên Đại Tây Dương đầu tiên của mình vào năm 1492. Nó cho thấy những gì người châu Âu biết về địa lý trước khi khám phám ra Thế giới mới, cũng như chứa đầy những đoạn văn bản lạ khiến các nhà sử học vô cùng thích thú. Tuy nhiên sau 5 thế kỉ, lớp mực viết đã mờ dần, khiến chúng không thể đọc được. Mới đây một nhóm các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ chụp ảnh đa phổ ánh sáng để làm hiện ra những đoạn chữ bị mờ. Họ quét tấm bản đồ và có khả năng các đoạn chữ sẽ được nhận diện trong vài tháng tới.
Công nghệ chụp đa phổ được áp dụng để tìm ra đoạn văn bản ẩn chứa trong tấm bán đồ năm 1492.
Tấm bản đồ được vẽ năm 1491 bởi Henricus Martellus, một nhà vẽ bản đồ người Đức làm việc tại Florence. Người ta không rõ có bao nhiêu bản được vẽ, nhưng Đại học Yale đang giữ bản sao duy nhất. Đó là một tấm bản đồ rất lớn vào thời đó với kích cỡ 1,2x2m. Tấm bản đồ Martellus này nổi bật nhờ liên quan đến nhiều
sự kiện lịch sử. Đầu tiên, nó liên quan trực tiếp tới nhà thám hiểm Columbus. Có thể ông đã thấy tấm bản đồ này, và nó ảnh hưởng tới quan điểm của ông về địa lý thế giới. Có rất nhiều bằng chứng khẳng định việc này. Columbus đi về phía Tây từ quần đảo Canary để tìm một con đường giao thương với châu Á...
Tấm bản đồ của Martin Waldseemüller năm 1507 cũng chịu ảnh hưởng bởi bản đồ Martellus
Ngoài ra bản đồ Martellus cũng có ảnh hưởng lớn tới Martin Waldseemüller, một người vẽ bản đồ khác, người đã đặt tên cho Thế giới mới là châu Mỹ (America) vào năm 1507. Thư viện Quốc hội Mỹ đã mua bản sao duy nhất của tấm bản đồ này với giá 10 triệu USD vào năm 2003. Theo các nhà nghiên cứu, thông tin và bố cục giữa bản đồ Martellus và Waldseemüller rất giống nhau, cùng sự tương đồng về các yếu tố trang trí. Thông tin chưa được xác nhận chính là sự giống nhau giữa các đoạn văn bản trên tấm bản đồ, do chữ trên bản đồ Martellus đã bị mờ.
Hầu hết các đoạn chữ đều không thể đọc được trong các hình chụp tia cực tím từ đầu thập niên 1060. Một số phần được cho là viết dựa theo chuyến hành trình của Marco Polo qua Đông Á. Cũng có những sự khác biệt giữa hai tấm bản đồ, chủ yếu ở hình vẽ khu vực châu Phi. Tuy nhiên tấm bản đồ của Martellus có vẻ đầy đủ hơn.
Bức hình chụp bản đồ Martellus năm 1960 bằng tia cực tím (bên phải) cho thấy đoạn văn bản ở một số vị trí không nhìn được bằng mắt thường.
Các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ khám phá thêm được nhiều thông tin nhờ các hình ảnh mới thu được. Việc quét bản đồ chỉ mất một ngày, sau khoảng hai đến ba ngày chuẩn bị. Nhóm nghiên cứu chụp 55 tấn ảnh khác nhau của bản đồ, sử dụng 12 các kiểu chiếu sáng khác biệt, từ tia cực tím tới hồng ngoại. Về cơ bản, quá trình này không quá phức tạp. Nhưng việc giải mã các đoạn chữ sẽ mất rất nhiều thời gian, chủ yếu ở khâu xử lý và phân tích hình ảnh, cũng như thử nghiệm. Cách làm áp dụng cho một phần của bản đồ có thể sẽ không có tác dụng với một phần khác. Dự kiến trong năm tới, khi dự án hoàn thành các hình ảnh sẽ được công bố để giới khoa học và công chúng có thể tìm hiểu kĩ hơn về tấm bản đồ này.
Phan Hạnh
Theo Wired