Vài hồi ức về chị Kim Ngọc

Nghệ sĩ ưu tú Kim Ngọc vừa từ trần ở tuổi 86. Khi anh Lân Cường báo tin, tôi sững người, dù đã biết chị lâm bệnh nặng vài năm nay.

Vài hồi ức về chị Kim Ngọc
 
Chị Kim Ngọc tên khai sinh là Nguyễn Thị Thuận, sinh năm 1929 tại làng Nhân Chính - Hà Nội. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chị đã mang giọng hát của thiếu nữ 16 tuổi đến với công chúng Hà Nội với những bài ca mới mẻ của thời đại. Những ngày chiến đấu trên chiến lũy Hà Nội, chị và cậu em Quang Hưng đã hát động viên chiến sĩ khắp nơi. Khi ấy, chị là chiến sĩ của tiểu đoàn 523, sau đó ở Đội Tuyên truyền Văn hóa Trung đoàn 48 thuộc khu III.

Năm 1952, chị về Đoàn Văn công Sư đoàn 312 - Liên khu X. Nơi chiến trường Điện Biên Phủ, giọng hát Kim Ngọc đã khiến những người lính xung trận có thêm dũng khí. Từ năm 1954, chị là cây đơn ca chính của Đoàn Văn công Tổng cục Chính tri, theo học những lớp thanh nhạc của chuyên gia Trung Quốc, Liên Xô (cũ). Từ một giọng hát bản năng, có âm sắc đẹp, mềm mại, chị đã trở thành một giọng hát xuất sắc được mọi người yêu thích.

Năm 1969, khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc VN, chị về làm giảng viên Trường Nghệ thuật Quân đội, đồng thời vẫn luôn tham gia các đội xung kích hát trên các ụ pháo, các trận địa phòng không. Giọng hát Kim Ngọc còn vang lên ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước XHCN Đông Âu.

Khi hát Văn Cao, Kim Ngọc tâm sự rằng đây mới là nơi để chị hát hết nỗi lòng mình. Một Văn Cao vừa kiêu sa, vừa dung dị hiện lên đắm say trong giọng hát Kim Ngọc. Đúng là “Tiếng ca còn rền trên cõi tiên”. Khi hát Đoàn Chuẩn, chị lại như nhập vào những éo le, những day dứt mà ông đã thốt lên thành những tình khúc mùa thu Hà Nội “Có những đêm về sáng, đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi!”. Những đêm sau buổi diễn, ngồi trò chuyện cùng chị, mới thấy ở chị một tâm hồn thanh sạch, không chút vướng bận với bụi đời, với truân chuyên.

Ca sĩ Kim Ngọc được phong Nghệ sĩ ưu tú từ 1984. Nhưng với công chúng, chị đã là nghệ sĩ của nhân dân từ khi dấn thân cùng cách mạng.

 
Theo Nguyễn Thụy Kha