"Út Lục Lâm" Trung Dân hé lộ hậu trường "Đất phương Nam" 26 năm trước

Mộc Khải

(Dân trí) - Góp mặt trong cả bản truyền hình và bản điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" (tác giả Đoàn Giỏi), nghệ sĩ Trung Dân có những chia sẻ thẳng thắn về 2 tác phẩm này.

"Đổ máu" khi đóng vai Út Lục Lâm

Sau khi có thông tin diễn viên Tuấn Trần vào vai Út Lục Lâm trong phim "Đất rừng phương Nam" (bản điện ảnh do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn), nhiều khán giả nhắc đến nghệ sĩ Trung Dân bởi ông đã rất thành công với nhân vật này trong phiên bản truyền hình của đạo diễn Vinh Sơn. Cơ duyên nào đưa ông đến với vai diễn này?

- Tôi không biết vì lý do gì đạo diễn Vinh Sơn lại chọn tôi. Lúc đó, tôi chỉ mới ra trường 1-2 năm, đóng một vài phim. Tôi nhớ đạo diễn Vinh Sơn hỏi tôi có biết chèo xuồng không, tôi nói biết. Ông ấy lại hỏi tôi có biết bơi không, tôi cũng biết. Vậy rồi tôi vào vai Út Lục Lâm.

Lúc đó đọc kịch bản, tôi thấy thích nên cứ diễn thôi. Ngày xưa tôi ốm, thêm nữa là người miền Nam, cũng hợp vai. Còn về chuẩn bị thì dường như tôi không chuẩn bị gì (cười).

Nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ kỷ niệm "đổ máu" khi đóng phim "Đất phương Nam" (Thực hiện: Ngà Trịnh - Cao Bách).

Kỷ niệm nào khi đóng "Đất phương Nam" mà ông còn nhớ đến bây giờ?

- Tôi nhớ lại thời gian theo đoàn phim Đất phương Nam, có những lúc phải nằm mùng chống muỗi, lội rừng, lội nước gian khổ. Nhân vật tôi đóng là người lang bạt, có những cảnh vui lắm, nào là ăn cắp heo quay, nướng gà đất sét...

Tôi đi quay phim Đất phương Nam hơn nửa tháng, theo đoàn phim chu du khắp các tỉnh miền Nam như Cần Thơ, Tiền Giang... sau đó trở lên quận 9 (nay là TP Thủ Đức - PV) quay tiếp. Quận 9 ngày xưa hoang sơ lắm, không phải như bây giờ…

Thời điểm đóng phim "Đất phương Nam", ông có nghĩ đây sẽ là bộ phim "để đời"?

- Khi đóng phim, chưa bao giờ tôi nghĩ phim sẽ gây tiếng vang với khán giả. Sau đó một thời gian, khi có dịp về Cần Giờ, tôi ngồi xe hơi đi qua phà thì có người phát hiện. Không biết họ truyền tai nhau thế nào mà khi phà cập bến, hàng trăm người dân đã đứng ở bờ bên kia chờ tôi.

Thời đó không có điện thoại, không chụp hình được, họ chỉ ôm, nắm tay, cười nói, hỏi han tôi. Khi đó, tôi mới cảm nhận được vai diễn của mình nói riêng và phim Đất phương Nam nói chung đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Sau lần đó, tôi về tìm đọc tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Đúng là đạo diễn Vinh Sơn đã làm rất tốt, lột tả được bối cảnh của tác phẩm.

Út Lục Lâm Trung Dân hé lộ hậu trường Đất phương Nam 26 năm trước - 1

Nghệ sĩ Trung Dân trong cuộc trò chuyện với Dân trí (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Út Lục Lâm Trung Dân hé lộ hậu trường Đất phương Nam 26 năm trước - 2

Diễn viên Trung Dân trong vai Út Lục Lâm (Ảnh: Tư liệu).

Hàng chục năm đóng phim, đảm nhận vô số vai diễn nhưng vai Út Lục Lâm nói riêng và phim "Đất phương Nam" nói chung có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp của ông?

- Khi mới 23-24 tuổi, tôi được đóng vai Út Lục Lâm và được làm việc với đạo diễn có nghề như đạo diễn Vinh Sơn là may mắn của tôi trong thời gian đầu theo đuổi nghệ thuật.

Đạo diễn Vinh Sơn rất tâm huyết, hiểu được văn hóa Việt nói chung và văn hóa miền Nam nói riêng. Ông ấy đã "truyền" những điều đó lại cho tôi và các diễn viên khác.

Thật ra ngày xưa mọi người yêu thích nên động viên tôi thôi. Còn tôi nghĩ mình diễn chưa hay vì khi đó tôi vẫn còn trẻ. Bây giờ tôi được trải nghiệm nhiều, có nhiều kinh nghiệm sống nên chắc sẽ diễn hay hơn.

Giờ đây, khi xem lại vai diễn của mình, tôi mới suy nghĩ sao ngày xưa mình lại diễn như vậy, rồi lại nghĩ sao mình diễn như thế mà khán giả lại thích (cười).

Bối cảnh phim "Đất phương Nam" ở nơi "rừng thiêng nước độc", Trung Dân gặp trở ngại và nguy hiểm gì?

- Thời đó phim được quay chỉ với một máy, nên các cảnh phải chia ra nhiều phân đoạn thực hiện. Có cảnh tôi đi móc túi, sau đó bỏ chạy, chui vào cái trống bể sau ngôi đình. Khi chạy trên cầu sắt, tôi đạp trúng đinh. Đến khi nằm gọn trong cái trống, tôi mới biết mình "đổ máu" (cười).

Ấy vậy mà trong trống cũng có nhiều đinh, va quẹt khiến tôi bị thương nhiều. Tuy nhiên, khi quay phim tôi không biết đau. Đến khi quay xong, tôi mới tự sơ cứu vết thương rồi về nhà đi tiêm ngừa.

Út Lục Lâm Trung Dân hé lộ hậu trường Đất phương Nam 26 năm trước - 3

Diễn viên Trung Dân và Hùng Thuận (vai bé An) trong phim "Đất phương Nam" (Ảnh: Tư liệu).

Đóng phim hàng tháng trời, mối quan hệ giữa Trung Dân và các diễn viên trong phim ra sao? Đến nay, ông còn giữ liên lạc với họ chứ? 

- Trong phim, tôi với Hùng Thuận (đóng vai An - PV) có nhiều cảnh tương tác với nhau vui lắm. Đến bây giờ, tôi chỉ thường gặp chú Mạc Can (đóng vai bác Ba Phi - PV), cô Mai Thanh Dung (đóng vai bà Tư Ù - PV). 

Gần đây tôi cũng có qua thăm chú Mạc Can, thấy sức khỏe chú suy giảm nhiều. Còn cô Mai Thanh Dung bây giờ có bệnh trong người, nhưng cuộc sống cũng tốt. Tuy nhiên mấy tháng qua, chúng tôi bận bịu quá không liên lạc với nhau.

"Bối cảnh phim "Đất rừng phương Nam" hoành tráng, nhưng…"

Một lần nữa góp mặt trong phim chuyển thể từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam", nhưng vào vai ông Ba Sang chủ tiệm cầm đồ, nghệ sĩ Trung Dân có cảm nhận thế nào?

- Thật ra đây là phim chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam nên tôi rất trân quý, hay hay dở thì tính sau.

Chúng ta phải khuyến khích việc chuyển thể tác phẩm văn học có giá trị thành phim ảnh. Còn hơn là đi mua lại những tác phẩm nước ngoài, rồi sửa lại thành văn hóa Việt một cách gượng gạo, không phù hợp. Việt Nam mình có thiếu gì tác phẩm hay?

Út Lục Lâm Trung Dân hé lộ hậu trường Đất phương Nam 26 năm trước - 4

Nghệ sĩ Trung Dân vào vai ông Ba Sang trong phim "Đất rừng phương Nam" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Khán giả lo ngại Tuấn Trần còn trẻ, sẽ khó vượt qua cái bóng của Trung Dân khi thể hiện vai diễn Út Lục Lâm. Ông nghĩ sao?

- Có thể mọi người ưu ái cho tôi nên mới nói như vậy, chứ ngày xưa tôi diễn bình thường thôi, đâu có gì để gọi là "cái bóng" quá lớn. Tôi chưa thấy Tuấn Trần thể hiện vai Út Lục Lâm trên phim thế nào vì phim chưa chiếu.

Tuy nhiên, tôi có diễn với cậu ấy một phân đoạn trong phim. Tôi thấy cậu ấy trẻ, đẹp, đó là một lợi thế. Nhìn cậu ấy yêu nghề, làm việc nghiêm túc, tôi thích lắm.

Tuấn Trần hay hỏi, thẳng thắn yêu cầu tôi tập thoại hoặc thoại lại nếu thấy chưa hài lòng về sự kết hợp của cả 2. Cậu ấy là người chủ động tìm kiếm tôi để trao đổi về vai diễn.

Không phải vì cậu ấy "săn đón" tôi mà tôi thích cậu ấy đâu. Tôi quý Tuấn Trần vì cậu ấy yêu nghề, chuyên nghiệp, có ý thức đào sâu nhân vật để hoàn thành tốt vai diễn. 

Út Lục Lâm Trung Dân hé lộ hậu trường Đất phương Nam 26 năm trước - 5

Diễn viên Tuấn Trần vào vai Út Lục Lâm trong phim "Đất rừng phương Nam" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Ông nhắn nhủ điều gì với Tuấn Trần khi đảm nhận vai Út Lục Lâm?

- Do không có thời gian nên tôi cũng không trao đổi được nhiều với cậu ấy. Tôi có nói với Tuấn Trần rằng ngoại hình cậu ấy có vẻ công tử, chưa có sự lang bạt của nhân vật. Vậy nên tôi dặn cậu ấy nhớ gắn chất "bụi đời" vào vai diễn, như vậy là ổn.

Khi bối cảnh phim "Đất rừng phương Nam" được công bố, một số khán giả cho rằng việc dựng bối cảnh giả cổ sẽ khó thuyết phục và không mang lại cảm xúc như trong tiểu thuyết và phim truyền hình ngày trước. Nghệ sĩ Trung Dân nghĩ sao?

- Nói về bối cảnh, ê-kíp phim Đất rừng phương Nam có máy móc tiên tiến, hiện đại, xây dựng rất hoành tráng.

Bản thân tôi - với tư cách khán giả và cả tư cách một diễn viên tham gia một phân cảnh trong phim - có những cảm nhận riêng về từng chi tiết của bối cảnh. Dù vậy, hiện phim chưa chiếu, nên tôi cũng mong muốn khán giả sẽ có cảm nhận riêng khi xem phim trước.

Về phương Nam, nơi đây vốn là nơi cây tràm, cây đước mọc nhiều. Nhà vách ván phải là người giàu có lắm mới có. Ví dụ trong nguyên tác, bà Tư Ù rất nghèo, quán nước của bà phải được dùng tràm, đước, lá dừa...

Còn về xuồng, mỗi thời chất liệu và kiểu dáng sẽ khác nhau, nên muốn tìm lại đúng chiếc xuồng ngày xưa cũng khó lắm. Song, đội ngũ thiết kế, phụ trách bối cảnh của Đất rừng phương Nam làm như thế là tốt lắm rồi! 

Út Lục Lâm Trung Dân hé lộ hậu trường Đất phương Nam 26 năm trước - 6

Bối cảnh phim "Đất rừng phương Nam" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Trung Dân có góp ý gì với đạo diễn, nhà sản xuất khi tham gia "Đất rừng phương Nam"?

- Làm phim về đề tài gắn với lịch sử thì phải miêu tả đúng, đúng càng nhiều càng tốt. Vì tác phẩm này rồi sẽ được lưu lại lâu dài cho con cháu xem. Nếu miêu tả không đúng, thế hệ sau sẽ có cái nhìn lệch lạc về quá khứ.

Làm nghệ thuật là phải chuẩn, bởi chúng ta làm không chỉ vì mình, mà còn vì con cháu của mình, vì thế hệ sau. Làm nghệ thuật không được tự ái, phải lắng nghe, chấp nhận cả những lời chê chứ không chỉ nghe những lời khen.

Cảm ơn những chia sẻ của nghệ sĩ Trung Dân!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm