Ứng dụng công nghệ cao trong bảo tồn di tích Chăm

(Dân trí) - Ngày 29/6, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với ĐH Năng lượng quốc gia Maskva (Liên bang Nga) tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ cao vào trong bảo tồn di tích Chăm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.

Đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và lãnh sự quán Liên bang Nga tại TP Đà Nẵng đã tham gia hội  thảo.

Các nhà khoa học đã tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến cấu trúc vật liệu xây dựng quần thể di tích Mỹ Sơn. Các nhà khoa học Nga đưa ra nhiều vấn đề khá mới mẻ, gợi mở những ý tưởng hay trong gìn giữ, bảo tồn các di tích Chăm trên địa bàn, nhất là đối với khu di tích Mỹ Sơn - Di sản Văn hóa Thế giới.

Hội thảo khoa học về ứng dụng công tác bảo tồn di tích Chăm tại Quảng Nam ngày 29/6
Hội thảo khoa học về ứng dụng công tác bảo tồn di tích Chăm tại Quảng Nam ngày 29/6

Tiến sỹ Aleksei Pakhnevich, Viện cổ sinh học Moskva (Liên bang Nga) trong quá trình nghiên cứu đã đưa ra kết luận, vật liệu xât dựng đền tháp Mỹ Sơn có thể khác nhau về nguồn gốc, đặc tính của việc nung. Trong sản xuất gạch có trộn cát, mẫu thực vật. Từ các dữ liệu của phương pháp hiển vi điện tử và hiển vi quang học, quang phổ hồng ngoại và nhiễu xạ tia X cho thấy, gạch xây tháp Mỹ Sơn có nhiệt độ nung khoảng từ 200-500 độ C.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Nga cũng đặt vấn đề về sự cần thiết bảo vệ các bề mặt gạch từ sự xâm nhập của các sinh vật sống bên trong và sự phá huỷ bên ngoài.

PGS.TS Khoa học Sergey Nefdkin (Liên bang Nga) phát biểu: Từ những nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, Ý, Ba Lan, Ấn Độ đã cho chúng tôi những nền tảng cơ bản ban đầu khi tiếp cận nghiên cứu về di tích Chăm Mỹ Sơn. Song với chúng tôi phương pháp nghiên cứu tiếp cận bằng công nghệ cao. Tiêu biểu là phương pháp quang phổ IR-Fourier để tìm hiểu thành phần gạch. Nguồn nguyên liệu cho sản xuất gạch trong mẫu nghiên cứu được lấy từ đất sét khu gần nhà thờ. Từ cấu trúc, thành phần gạch chúng tôi nghiên cứu tác động từ bên ngoài vào để tìm giải pháp cho công nghệ bảo vệ.

Trong bài tham luận “Công nghệ tôi bề mặt gạch và khả năng bảo vệ quần thể Mỹ Sơn” PGS.TSKH Sergey Nefdkin còn đi sâu phân tích bề mặt những viên gạch người Chăm đã xây tháp. Đây cũng là vấn đề hết sức quan tâm của giới khoa học để trả lời câu hỏi: làm thế nào để kéo dài tuổi thọ của các công trình kiến trúc Chăm, chống lại được sự xâm thực của thời tiết, khí hậu, tác nhân tự nhiên khác.

Khu đền tháp Mỹ Sơn đang được trùng tu
Khu đền tháp Mỹ Sơn đang được trùng tu

Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Quốc Sĩ, ĐH năng lượng quốc gia Maskva (Liên bang Nga), cho biết, ở Nga cũng có rất nhiều tháp, đền đài cổ, họ cũng có gạch cổ và hàng loạt các công nghệ để báo quản gạch đó. Thứ nhất là công nghệ hóa để bảo vệ bề mặt, chống thấm, chống tác dụng của ánh sáng mặt trời và sự thay đổi nhiệt độ. Công nghệ thứ 2 là tôi bề mặt, nếu khả quan Nga sẽ áp dụng công nghệ đó cho Mỹ Sơn. 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương – ông Vũ Ngọc Hoàng - đề nghị các nhà khoa học Nga cần có dự án về bảo tồn di tích Chăm ở Quảng Nam. Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, hiện Quảng Nam có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 60 di tích quốc gia và 300 di tích cấp tỉnh. Trong đó, các di tích kiến trúc Chăm với những đền tháp trên ngàn năm tuổi là một bộ phận đặc sắc, tích hợp trí tuệ và sự sáng tạo phi thường của nền văn hoá Chămpa. Tuy nhiên, qua thời gian các di tích Chăm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, hội thảo lần này không ngoài mục đích tiếp tục công tác nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu cho việc bảo tồn các di tích Chăm trên địa bàn tỉnh, nhất là với Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm