Tuyết Minh với “luồng gió mới” trong nghệ thuật múa ba - lê

(Dân trí) - Tác giả, biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh là người đầu tiên xây dựng nên nhân vật Võ Thị Sáu qua kí ức của một cựu binh Pháp và thể hiện ý tưởng này trên ngôn ngữ của múa ba-lê.

Chị Võ Thị Sáu qua góc nhìn của người bên kia chiến tuyến

Thạc sĩ Tuyết Minh đảm đương nhiều vai trò khác nhau như Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản, biên đạo múa các vở kịch múa. Chị gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng sự chuyên nghiệp, sáng tạo và hiện đại qua các tác phẩm của mình. Chị từng tham dự các liên hoan Festival Quốc Tế trong đoàn của Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam tại Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Đan Mạch, Nga, Tiệp Khắc, Pháp, Đức, Thụy Điển... Mới đây nhất, nhà biên kịch này đã thành công với vai trò tác giả kịch bản kiêm biên đạo múa cho vở diễn “Khoảnh khắc bất tử” do Bộ VHTT&DL phối hợp với Hội nghệ sĩ múa Việt Nam và Hội nhạc sĩ Việt Nam thực hiện tại Nhà hát Lớn, Hà Nội (tối 26/8).

Hình ảnh trong vở kịch Khoảnh khắc bất tử do chị Tuyết Minh viết và biên đạo múa (Ảnh: Mai Châm)

Hình ảnh trong vở kịch "Khoảnh khắc bất tử" do chị Tuyết Minh viết và biên đạo múa (Ảnh: Mai Châm)

Xuyên suốt vở kịch là hình tượng người nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Đây là một hình tượng quen thuộc trong các tác phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc… song điểm khác biệt của “Khoảnh khắc bất tử” là sử dụng chất liệu ba-lê đương đại để xây dựng nội dung. Đặc biệt, vẻ đẹp của chị Sáu được miêu tả qua hồi ức của một sĩ quan Pháp, tạo nên góc tiếp cận khách quan và giàu cảm xúc cho người xem.

Người sĩ quan dẫn dắt câu chuyện trong “Khoảnh khắc bất tử” cũng chính là người đã giam cầm, tra tấn và xử bắn chị Sáu ở Côn Đảo. Bởi vậy trong ông có nhiều ấn tượng mạnh mẽ về người con gái can trường miền đất đỏ.

Khi viên sĩ quan Pháp quay trở lại Côn Đảo, ông bị dằn vặt trước các linh hồn chiến sĩ từng bị giam cầm và đã chết nơi đây. Đó là cách câu chuyện bắt đầu. Và cứ mỗi nơi cựu binh này ghé thăm, ông lại nhớ tới những kí ức ám ảnh.

Khoảnh khắc chị Sáu trở thành bất tử trong vở diễn 

Khoảnh khắc chị Sáu trở thành "bất tử" trong vở diễn (Ảnh: Mai Châm)

Vở vũ kịch khép lại với hình ảnh chị Sáu hiên ngang, trở thành tượng đài bất tử để bao thế hệ trẻ noi theo. “Khoảnh khắc bất tử” ấy - khoảnh khắc mà chị Sáu trở thành tượng đài sống mãi đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả Thủ đô.

Sau thành công của vở vũ kịch, chị Tuyết Minh cho biết: “Từ khi bước vào nghề tới nay, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy được ứng dụng hết tất cả những gì mình được học về ba-lê. Một vở kịch lớn, được biểu diễn trực tiếp trên nền nhạc giao hưởng sống là hình thức cao nhất trong nghệ thuật múa.

Với quốc tế thì hình thức này là bình thường nhưng ở Việt Nam đã lâu lắm rồi mới có một chương trình quy mô và đồng bộ chuyên nghiệp như thế này”.

Người “thổi luồng gió mới” cho đề tài chiến tranh trong nghệ thuật ba-lê

Biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh

Biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh

Sở dĩ tác giả Tuyết Minh lựa chọn nhân vật Võ Thị Sáu cho kịch bản dự thi đề tài chiến tranh - cách mạng là bởi chị muốn nói về một người trẻ tuổi anh hùng trong cuộc chiến. Chị cảm nhận được sự hi sinh của chị Sáu và tất cả những người phụ nữ Việt Nam nói chung trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Điểm mới đầu tiên của nhân vật chị Sáu trong “Khoảnh khắc bất tử” là việc truyền tải ý tưởng qua ngôn ngữ của ba-lê kinh điển. Đây là một trong những ngôn ngữ mang tính chất bác học và chuyên nghiệp, do đó vở diễn yêu cầu khán giả cần phải có một phông kiến thức nhất định mới thẩm thấu được.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Tuyết đã cố gắng truyền đạt ngôn ngữ bác học của ba-lê theo một cách dễ hiểu và dễ đi vào lòng người nhất bằng tâm hồn Việt Nam, cách kể chuyện gần gũi với người Việt.

Điểm mới thứ hai của tác phẩm này so với tất cả những bộ phim, kịch hay tác phẩm múa ngắn nói về Võ Thị Sáu trước đó là cách tiếp cận nhân vật. Dường như trước đây, các tác phẩm đều theo mô tuýp là nói về cuộc đời của chị Sáu: chị lớn lên như thế nào, hoàn cảnh sống ra sao, chị bị bắt ở trận nào, anh hùng thế nào…; hoặc cũng có thể người ta chỉ tập trung miêu tả trận đánh ở chợ Đất Đỏ và khoảng thời gian chị Sáu đấu tranh anh hùng.

Chị Tuyết Minh (váy đỏ) cùng đoàn diễn chào khán giả sau vở diễn Khoảnh khắc bất tử 

Chị Tuyết Minh (váy đỏ) cùng đoàn diễn chào khán giả sau vở diễn "Khoảnh khắc bất tử" (Ảnh: Mai Châm)

Thế nhưng với “Khoảnh khắc bất tử”, tác giả không kể câu chuyện theo trật tự vốn có mà kể qua trí nhớ của người cựu binh Pháp về chị Sáu. Đây là một trật tư hỗn độn và điểm nhấn là những khoảnh khắc không liền mạch. Ví dụ như khi người cựu binh đi qua khu chợ, ông ấy nhớ về trận đánh, ông đi qua hiên nhà thì nhớ lại cảnh chị Sáu hay ngồi chải tóc ở đó… Cách tiếp cận độc đáo này giúp người xem cảm nhận sự mới lạ.

Bên cạnh đó, tác giả Nguyễn Thị Tuyết Minh cũng đã cùng với “Khoảnh khắc bất tử” vượt qua những niêm luật và cách thể hiện đặc trưng của ba-lê cổ điển. Bởi chị muốn vở múa này gần gũi hơn với người dân Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ nên đã lồng ghép vào tác phẩm hơi thở của múa đương đại. “Tôi chủ động giảm đi những tiểu tiết cách điệu thường thấy trong múa ba-lê để các điệu vũ trở nên gần gũi và “đời” hơn. Đó là lí do khán giả trẻ không cảm thấy vở diễn quá nặng nề”, nhà biên kịch Tuyết Minh cho biết.

Qua “Khoảnh khắc bất tử”, biên đạo Tuyết Minh muốn gửi gắm thông điệp: “Tuổi trẻ Việt Nam hãy tiếp tục sống bằng niềm tin, để cho niềm tin và lí tưởng định hướng cho tất cả những hành động của ta trong cuộc sống”.

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm