"Tuyệt không dấu vết": Cuộc đào sâu tiềm thức con người giữa 2 bờ mơ - thực

Viên Minh

(Dân trí) - "Tuyệt không dấu vết" của Nguyễn Việt Hà là một tiểu thuyết đặc sắc, nhiều sáng tạo trong ngôn ngữ và kết cấu, mời gọi sự liên tưởng và giải mã của độc giả.

Ngày 27/12, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều công bố Giải thưởng Văn học của hội năm nay gồm 6 tác phẩm: 3 văn xuôi, một thơ, 2 lý luận văn học, một văn học thiếu nhi. Tổng tiền thưởng là 120 triệu đồng, mỗi giải 20 triệu đồng.

Tiểu thuyết Tuyệt không dấu vết của nhà văn Nguyễn Việt Hà, Nhà xuất bản Trẻ, là một trong 3 tác phẩm thể loại văn xuôi nhận được giải thưởng.

Cuốn sách được viết trong 5 năm, thuộc thể loại "tiểu thuyết trinh thám - kiếm hiệp…".

Câu chuyện xoay quanh thám tử Tuấn và hành trình tìm kiếm nhiều người mất tích giữa thành phố trong thời mạt, dần trở thành cuộc chu du giữa hai bờ mơ - thực để dấn sâu vào tiềm thức con người.

Văn phong độc đáo nửa cổ nửa kim thể hiện một sự tìm tòi và phá cách về hình thức biểu đạt của nhà văn.

Tuyệt không dấu vết: Cuộc đào sâu tiềm thức con người giữa 2 bờ mơ - thực - 1

Bìa sách "Tuyệt không dấu vết" (Ảnh: NXB Trẻ).

Cuộc đào sâu khám phá tiềm thức con người

Tuyệt không dấu vết, tự tiêu đề của tiểu thuyết này đã nói lên một cuộc truy tìm có vẻ nhọc lòng, vô vọng và bất khả.

Hai vụ việc thám tử Tuấn của văn phòng "Tam Tuấn" thụ lý, được ghi vào hai mục "Mission 12 - thiếu phụ 7" và "Mission 14 - thiếu phụ 9" với mục tiêu đi tìm người chồng mất tích của hai thiếu phụ này.

Thoạt nghe hai vụ án hai thiếu phụ tìm chồng này chẳng có gì đặc biệt, cũng giống như nhiều vụ trước đây, "nửa nhì nhằng ích kỷ, nửa thảm thiết tàn bạo, lẫn lộn cả hận lẫn yêu", khiến thám tử "vừa chán vừa bải hoải".

Theo đó, chồng của thiếu phụ 7 vẫn hiện diện trong những giấc mơ ái tình của thiếu phụ 9, còn thứ trưởng phu quân của thiếu phụ 9 cũng quan hệ bất chính với thiếu phụ 7. 

Câu chuyện tựa như tục lụy ái tình đời thường, nhưng khi góc nhìn lia tới các nhân vật thay phiên xuất hiện ở mỗi chương, Nguyễn Việt Hà đã mở ra một không gian khác thông qua giấc mơ của từng người.

Có kẻ không mơ, có kẻ mơ hoài giấc mơ yêu, có kẻ đã chết rồi vẫn còn mơ. Cơn mơ đan xen với những khung cảnh, những chi tiết hết sức đời thường và trần tục (những cái ăn cái ở cái mưu sinh cái lạc thú), tạo cảm giác "nhiễu" thú vị.

Mơ và chết là hai trạng thái thay phiên nhau xóa nhòa thực tại trong tiểu thuyết này.

Tuyệt không dấu vết: Cuộc đào sâu tiềm thức con người giữa 2 bờ mơ - thực - 2

Lời giới thiệu của tác phẩm cho biết đây là thể loại "tiểu thuyết trinh thám - kiếm hiệp…" (Ảnh: NXB Trẻ).

Những chỉ dấu song trùng từ từ xuất hiện rải rác qua nhiều chương khiến thám tử (và cả độc giả) hoài nghi, để rồi khi xâu chuỗi lại. Từ đó, họ vỡ lẽ nhân vật thám tử tưởng là người ngoài cuộc lại là người trong cuộc, tưởng tỉnh táo không bao giờ mơ nhưng lại đang mơ giấc mơ mà trong đó anh ta còn mơ tiếp.

Sự đan xen mơ - thực kiểu điển tích "Trang Chu mộng hồ điệp" thể hiện nỗi băn khoăn về thực tại "u u minh minh": "Thực tại bản lai vốn là ảo hay là thật, hay đúng chỉ là một giấc mộng lớn".

Sự pha trộn sự mơ hoang đường và thực tại trần tục này như cuộc tìm sâu vào đời sống tâm thức con người, một cuộc tìm kiếm mà chỉ những hoang đường của văn học mới tiệm cận được.

Cuộc "chơi" tiểu thuyết của cây bút tiêu biểu cho văn học Việt Nam đương đại

Cốt truyện chính của Tuyệt không dấu vết tương đối đơn giản, nhưng khi dùng phong cách viết độc đáo tương ứng với cái gọi là "trinh thám - kiếm hiệp" - một cú "twist" về mặt thể loại, nhà văn Nguyễn Việt Hà đã tạo nên sự đa dạng và phức tạp đầy thú vị.

Kết cấu chương hồi liên tục thay đổi ngôi kể, khi là người đàn bà đang sống, khi là người đàn ông đã chết... và những cú cắt cúp bối cảnh thách thức sự linh hoạt và bắt độc giả phải tập trung.

Văn phong pha trộn nửa kim nửa cổ, nửa Đông nửa Tây theo kiểu "parody" đậm chất Nguyễn Việt Hà hé mở những dấu hiệu bất thường, dở khóc dở cười của hệ thống các nhân vật cũng không thể nói là bình thường.

Sự xuất hiện dày đặc những từ Hán Việt, những khái niệm chỉ xuất hiện trong kiếm hiệp Kim Dung, cách phiên âm tiếng Anh theo kiểu Việt, vừa phỏng theo sự pha trộn ngôn ngữ thời hiện đại, vừa góp phần khắc họa bức tranh "giang hồ thời mạt" đầy hỗn tạp. 

Tính bông lơn, chế giễu của Nguyễn Việt Hà vẫn được giữ vẹn nguyên trong tác phẩm này, thể hiện qua cách nhìn của nhân vật đối với rất nhiều hiện tượng xã hội.

Có khi ông còn giễu chính mình qua những chi tiết như "quán bia Việt Hà nghe đã thấy thối", "mặt lạnh như tạp văn gia có sách bán chạy"… hay những nhận xét bông đùa về chính nghề văn và nhà văn.

Tuyệt không dấu vết: Cuộc đào sâu tiềm thức con người giữa 2 bờ mơ - thực - 3

Cuộc chu du giữa hai bờ mơ - thực để dấn sâu vào tiềm thức con người (Ảnh: NXB Trẻ).

Nguyễn Việt Hà, 61 tuổi, là gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại.  

Các tác phẩm của ông đều gây được sự chú ý đặc biệt từ phía độc giả, được dịch in trong một số tuyển tập giới thiệu văn học Việt Nam, như Cơ hội của Chúa được dịch sang tiếng Pháp, Nhà xuất bản Riveneuve Édition vào tháng 2/2023.

Các tác phẩm tiêu biểu: Cơ hội của Chúa (1999), Khải huyền muộn (2003), Ba ngôi của người (2014), Thị dân tiểu thuyết (2019); tập truyện ngắn Của rơi (2005), Buổi chiều ngồi hát (2006); tạp văn Nhà văn thì chơi với ai (2005), Mặt của đàn ông (2008), Đàn bà uống rượu (2010), Con giai phố cổ (2013), Giọng của phố (2023).

Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2023

1. Giải thưởng Văn xuôi:

Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một - NXB Hội Nhà văn.

Tiểu thuyết Tuyệt không dấu vết của nhà văn Nguyễn Việt Hà - NXB Trẻ.

Tập truyện ngắn Một mùa hè dưới bóng cây của nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế - NXB Hội Nhà văn.

2. Giải thưởng Thơ:

Tập thơ Đồng sen tàn của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành - NXB Hội Nhà văn.

3. Giải thưởng Lý luận phê bình:

Tác phẩm Tự chủ văn chương và sứ mệnh tự do của hai tác giả Phùng Ngọc Kiên và Đoàn Ánh Dương - NXB Hội Nhà văn.

4. Giải thưởng Văn học thiếu nhi:

Tập truyện dài Cá Linh đi học của nhà văn Lê Quang Trạng - NXB Kim Đồng.