"Tướng ông, tướng bà" trẻ tuổi oai phong, bệ vệ trên bàn cờ hội quê

(Dân trí) - Tại lễ hội truyền thống đền Đức Bà, Đệ nhị cung phi (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội), nhiều bạn học sinh đã có cơ hội hóa "tướng ông, tướng bà" trong trò chơi dân gian Cờ người.

Từ ngày 12 - 14/4 vừa qua, (mùng 1 - 3.3 âm lịch), lễ hội truyền thống đền Đức Bà, Đệ nhị cung phi, bà chúa của những điệu ca trù vùng quê Thượng Mỗ đã diễn ra tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Học sinh hóa "tướng ông, tướng bà" trên bàn cờ

Sáng ngày 13/4 (mùng 2/3 âm lịch), đoàn Cờ người gồm 32 "quân" tiến vào Đền Đầm Giếng làm lễ để khai mạc hội thi Cờ người trong khuôn khổ Lễ hội truyền thống Đền Đức Bà, Đệ nhị cung phi tại Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên xã Thượng Mỗ tổ chức trò chơi dân gian Cờ người. Trong một tuần trước khi cuộc thi diễn ra, các em học sinh được dạy về cách chơi cờ, nắm được quân cờ, biết được các thế đi của mình cũng như học cách thể hiện phong thái sao cho đúng.

Tướng ông, tướng bà trẻ tuổi oai phong, bệ vệ trên bàn cờ hội quê - 1

Đoàn cờ người gồm 32 "quân" là những học sinh tiến vào Đền Đầm Giếng làm lễ để khai mạc hội thi Cờ người.

Tướng ông, tướng bà trẻ tuổi oai phong, bệ vệ trên bàn cờ hội quê - 2

Tướng ông, Tướng bà tiến vào Đền Đầm Giếng.

32 quân cờ mặc trang phục lễ hội truyền thống gồm 16 nam và 16 nữ là các em học sinh lớp 8 trường THCS Thượng Mỗ và lớp 11 trường THPT Đan Phượng, chia thành hai phe. Mỗi phe có một tướng: tướng nam gọi là tướng ông, trang phục đỏ; tướng nữ còn gọi là tướng Bà, trang phục xanh. Đặc biệt, hai tướng là những người được tuyển chọn từ những gia đình nề nếp, khá giả trong làng, có ngoại hình đẹp và nổi bật nhất trong số 32 quân cờ.

Tướng ông, tướng bà trẻ tuổi oai phong, bệ vệ trên bàn cờ hội quê - 3

Các bạn học sinh vào vai quân lính trên bàn Cờ người.

Với vai trò "tướng bà" trong trò chơi cờ người, Bạn Đỗ Thị Dung (17 tuổi, THPT Đan Phượng) hào hứng chia sẻ: Vì đây là lần đầu tiên em được tham gia vào lễ hội lớn của làng nên em rất háo hức xen lẫn tò mò. Trước đây em chỉ được nghe qua lời kể của bố mẹ hoặc thấy trên tivi, mạng xã hội. Được hóa thân thành "tướng bà" trong quân cờ là niềm tự hào và vinh hạnh không chỉ của riêng em mà còn của cả gia đình. Qua quá trình chuẩn bị cho trò chơi, em và các bạn đã có cơ hội hiểu thêm những nét văn hóa tốt đẹp tự xa xưa của ông cha ta.

Tướng ông, tướng bà trẻ tuổi oai phong, bệ vệ trên bàn cờ hội quê - 4

Đỗ Thị Dung (17 tuổi, THPT Đan Phượng) oai phong trong vai tướng bà.

"Là tướng thì phải ngẩng cao đầu"

Cụ Nguyễn Khắc Thu (85 tuổi, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội) là ông nội của tướng ông Nguyễn Khắc Vũ (17 tuổi, trường THPT Đan Phượng) tự hào chia sẻ: "Tôi vô cùng phấn khởi vì cháu tôi được đóng vai tướng ông và chiến thắng tướng bà trong trận chung kết Cờ người. Cháu đã hoàn thành tốt từ cách đi đứng đến phong thái trong vai trò của một tướng ông. Ví dụ, khi đi gót chân phải chạm đất trước mới thể hiện được sự oai phong, bệ vệ của một vị tướng. Đặc biệt, đã là tướng thì không bao giờ được cúi mặt xuống, phải luôn ngẩng cao đầu quan sát để ứng biến trước mọi hoàn cảnh. Được trở thành tướng ông đó là phúc của tổ tiên và của Đức Bà Đệ Nhị ban cho cháu và gia đình.

Tướng ông, tướng bà trẻ tuổi oai phong, bệ vệ trên bàn cờ hội quê - 5

Tướng ông Nguyễn Khắc Vũ (17 tuổi, trường THPT Đan Phượng).

"Việc tổ chức trò chơi Cờ người cho các cháu học sinh cũng là cách để giáo dục lớp trẻ luôn nhớ về lịch sử, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nuôi dưỡng trong bọn trẻ tình yêu với các giá trị tinh thần dân tộc", cụ Thu chia sẻ thêm.

Cờ người - nét đẹp truyền thống của một trò chơi dân gian trí tuệ

Chia sẻ thêm về trò chơi Cờ người, ông Lê Thanh Sơn (73 tuổi), Trưởng ban tổ chức thi đấu cờ người, cho biết: "Đánh cờ trên bàn gỗ thì quan sát dễ dàng nhưng khi đánh cờ người sân cờ rộng hơn, nếu như quan sát không tốt, đi nhầm thì sẽ thua. Người kỳ thủ phải hiểu về cờ tướng, nắm rõ luật, biết cách đi, biết cách bày binh bố trận, biết cách chặn hết quân của đối thủ".

Trong mỗi trận cờ người sẽ có người vịnh thơ để làm sinh động và tôn thêm vẻ đẹp của sân Cờ người. Đó có thể là hướng dẫn hay là lời động viên các tướng, quân, sĩ ra trận. "Tốt anh đã loại ra sân, tốt em thương nhớ đứng ngồi không yên/Mã anh tiến mã anh lại lui, để anh chuẩn bị bao vây tướng bà", bà Nguyễn Thị Xinh (72 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ngâm thơ trong quá trình diễn ra trò chơi.

Tướng ông, tướng bà trẻ tuổi oai phong, bệ vệ trên bàn cờ hội quê - 6

Bà Nguyễn Thị Xinh (72 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ngâm thơ trong quá trình diễn ra trò chơi.

Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, Cờ người vẫn luôn giữ cho mình nét đẹp truyền thống của một trò chơi dân gian trí tuệ. Đây cũng là dịp để nhiều người được sống lại với những trận chiến oanh liệt trong lịch sử, cùng niềm tự hào về những chiến công hiển hách của dân tộc. Chính vì tinh thần thượng võ và ý nghĩa truyền thống sâu đậm khiến trò chơi dân gian này đã và đang có sức sống lâu bền trong cuộc sống.

Ông Nguyễn Duy Minh, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: "Trải qua nhiều biến thiên thăng trầm của lịch sử, cũng như nhiều lễ hội dân gian khác, hội Cờ người đã từng có thời kỳ bị mai một. Gần đây, cùng với chủ trương bảo tồn và chấn hưng văn hóa dân tộc, nhiều lễ hội và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được khôi phục, trong đó có hội Cờ người".

Bên cạnh cờ người, phần hội của lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian thú vị khác như thi kéo co, bịt mắt bắt lợn, thổi cơm thi, bịt mắt đập niêu, hát quan họ trên thuyền,... thu hút đông đảo du khách thập phương.