Quảng Ngãi

Tưởng niệm 150 năm ngày anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết

(Dân trí) - Trong 2 ngày 16 và 17/8, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chuỗi hoạt động Lễ tưởng niệm 150 năm ngày anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 – 20/8/2014).

Toàn cảnh chương trình Lễ tưởng niệm 150 năm ngày anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết.

Toàn cảnh chương trình Lễ tưởng niệm 150 năm ngày anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết.

Theo giai thoại lịch sử, anh hùng dân tộc Trương Định sinh năm Canh Thìn (1820), tại làng Tư Cung, xã Tịnh Khê, nay là TP Quảng Ngãi. Đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), Trương Định theo cha là ông Trương Cầm (lãnh binh tại tỉnh Gia Định) vào phía Nam lập nghiệp và định cư trên mảnh đất Gò Công (tỉnh Tiền Giang).

 
Tái hiện cảnh ngày Trương Định chào đời ở làng quê Tư Cung.

Tái hiện cảnh ngày Trương Định chào đời ở làng quê Tư Cung.
Ngày Trương Định ra đi theo cha vào Nam lập nghiệp.

Ngày Trương Định ra đi theo cha vào Nam lập nghiệp.

Vào năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của triều đình, Trương Định xuất tiền chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền ở Gia Thuận và được phong chức phó Quản cơ rồi lên chức Quản cơ (gọi là Quản Định).

Đến tháng 9/1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), chính thức mở cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Đầu năm 1859, sau khi kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” ở miền Trung bị phá sản, quân Pháp chuyển hướng vào phía Nam tấn công thành Gia Định.

Trước tình hình trên, Trương Định đưa cơ binh của mình lên đóng ở Thuận Kiều (Gia Định) và phối hợp với triều đình chống lại giặc. Đến khi thành Gia Định thất thủ, Trương Định kéo quân về đóng ở Thuận Kiều, tiếp tục chiến đấu với chiến thuật nhỏ lẻ và bất ngờ quấy rối địch ở ngoại thành Gia Định. Gây vang dội khu vực chùa Chợ Rẫy, Cần Giuộc, Thủ Dầu Một, Trảng Bàng,…

Nghĩa quân của Trương Định chiêu mộ chủ yếu là người dân nghèo.

Nghĩa quân của Trương Định chiêu mộ chủ yếu là người dân nghèo.

Đầu năm 1861, quân Pháp mở đợt tấn công lớn vào đại đồn Chí Hòa, Trương Định đem quân phối hợp với quân đội của Nguyễn Tri Phương (Tổng Chỉ huy quân đội nhà Nguyễn ở Gia Định và Nam Kỳ) để chống lại giặc Pháp. Vào ngày 25/2/1861, đại đồn Chí Hòa bị thất thủ, quân triều đình rút quân về giữ Biên Hòa, còn Trương Định thu quân về trấn giữ ở Tân Hòa (Gò Công), tiếp tục tích trữ lương thực, vũ khí, đắp đồn lũy, chiêu mộ thêm quân lên hơn 6.000 người và xây dựng nơi đây thành căn cứ kháng chiến.

Vào tháng 3/1862, triều đình nhà Nguyễn phong Trương Định giữ chức Phó Lãnh binh Gia Định kiêm Tổng Chỉ huy đầu mục Gia Định. Ông chuyển đại bản danh về Gò Thượng chỉ huy 18 cơ binh, liên tục mở nhiều đợt tấn công quấy rối, làm tiêu hao sinh lực địch và tịch thu vũ khí của giặc.

Sau khi vua Tự Đức ký hòa ước Nhâm Tuất 1862, chia 3 tỉnh niềm Đông cho giặc Pháp, đồng thời hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và nhận chức lãnh binh An Hà (An Giang, Hà Tiên). Tuy nhiên, Trương Định đã cưỡng lại lệnh của triều đình, tiếp tục cùng nhân dân ở lại vùng đất Gò Công, được suy tôn thành “Bình Tây Đại nguyên soái” và kiên quyết kháng chiến đến cùng. Càng ngày lực lượng của Trương Định càng mạnh, khiến quân Pháp chịu nhiều tổn thất.

Vào năm 1864, Trương Định chuẩn bị đánh chiếm lại Tân Hòa, bất ngờ bị quân Pháp đánh úp vào căn cứ vào ngày 19/8/1864, do kẻ phản bội Huỳnh Công Tấn chỉ điểm. Mặc dù lực lượng ít, lại bị tấn công bất ngờ nhưng nghĩa quân của Trương Định vẫn chiến đấu quyết liệt. Đến rạng sáng ngày 20/8/1864, anh hùng Trương Định bị trọng thương, biết không thoát khỏi tay giặc định bắt sống, ông rút gươm tự sát để bảo vệ khí tiết anh hùng.

Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định tuẫn tiết khi bị quân địch bao vây.

Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định tuẫn tiết khi bị quân địch bao vây.

Ghi nhớ công ơn anh hùng dân tộc Trương Định, ông Lê Viết Chữ - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định là sợi dây kết nối giữa đất và người Quảng Ngãi với nhân dân tỉnh Tiền Giang - quê hương của Người suốt 150 năm qua. Thật khó nói hết công lao cũng như tấm lòng của người dân đến Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định tại buổi lễ long trọng này. Thế hệ hôm nay, nguyện chung lòng chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp dâng lên hương hồn Người trong Lễ tưởng niệm 150 năm ngày ông tuẫn tiết”.

Trong tối ngày 16/8, nhân dân Quảng Ngãi, Tiền Giang, TPHCM và các tỉnh phía Nam, miền Tây được nhìn lại quá trình chiến đấu và hi sinh vì đất nước của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, thông qua cầu truyền hình trực tiếp với chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Anh hùng dân tộc Trương Định - người con ưu tú của Quảng Ngãi”.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang (bên phải) tặng bức tranh lưu niệm cho tỉnh Quảng Ngãi.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang (bên phải) tặng bức tranh lưu niệm cho tỉnh Quảng Ngãi.

Tại buổi Lễ tưởng niệm, UBND tỉnh Quảng Ngãi trao công nhận đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tặng tỉnh Quảng Ngãi bức tranh về “3 chiến sĩ giang thép - Giải phóng quân Ấp Bắc”.

Trong sáng nay (17/8), tại đền thờ Trương Định (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), diễn ra Lễ giỗ theo nghi thức truyền thống và các đại biểu, nhân dân tiến hành dâng hương anh hùng dân tộc Trương Định.

Hồng Long