Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen được công nhận Bảo vật quốc gia

(Dân trí) - Sáng ngày 9/4, nhân dịp hội đền Trấn Vũ, Ủy ban nhân dân xã Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội đã tổ chức đón nhận bằng công nhận Bảo vật quốc gia đối với pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ (niên đại 1802) được lưu giữ tại đền và tổ chức kéo co song mây.

Pho tượng Trấn Vũ (niên đại 1802) lưu giữ tại Di tích đền Trấn Vũ, Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, an vị ở giữa hậu cung, cao khoảng 3,96 m, nặng 4 tấn. Trên tay tượng cầm kiếm chống lên mai rùa, thân kiếm có rắn quấn quanh. Tương truyền, Quy (rùa) và Xà (rắn) là hai vị đại tướng và hóa thân của thần Trấn Vũ. Trong truyền thuyết, Trấn Vũ cũng là vị thần giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa.


Đại diện chính quyền địa phương lên nhận Bằng công nhận Bảo vật quốc gia đối với pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ( Ảnh: Đức Vũ)

Đại diện chính quyền địa phương lên nhận Bằng công nhận Bảo vật quốc gia đối với pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ( Ảnh: Đức Vũ)

Trên bia “Trấn Vũ điện bia ký” dựng năm Minh Mệnh nguyên niên (1820) ghi, khi xưa vua Lê Thánh Tông đem quân dẹp giặc Chiêm Thành, ông đã dừng chân nghỉ tại địa phận xã Cự Linh, nay là làng Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Nhà vua được thần Trấn Vũ ứng mộng nên đã cho lập đền, tạc tượng gỗ thờ cùng bài vị ghi “Huyền linh Trấn Vũ quán”. Vua ban cho dân làng một số ruộng đất để phục vụ hương hỏa trong đền. Đến năm Đinh Mão, niên hiệu Cảnh Hưng (1747), dân làng đã đúc tượng đồng thay thế tượng gỗ, tuy nhiên, nhiều người đến chiêm bái cảm thấy tượng chưa xứng với quy mô của đền. Do đó, đến năm Mậu Thân (1788), nhân dân sở tại đã hưng công đúc lại tượng Trấn Vũ, đến năm Nhân Tuất (1802) thì hoàn thành và giữ nguyên hình dạng đến ngày nay.

Đầu thế kỷ 20, do pho tượng xuống cấp, người dân đã sửa sang và cho sơn tượng màu đen bằng sơn ta. Với những giá trị đặc biệt này, tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ là Bảo vật quốc gia.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen được công nhận Bảo vật quốc gia - 2

Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ nặng 4 tấn, bằng đồng đen nguyên khối vô cùng quý giá (Ảnh: Đức Vũ)

Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ nặng 4 tấn, bằng đồng đen nguyên khối vô cùng quý giá (Ảnh: Đức Vũ)

Đền Trấn Vũ - nơi đặt tượng được dựng trên thế đất linh quy xà hội tụ, quay mặt về phương Bắc. Trên cánh đồng Ngọc Trì có gò đất hình con rùa nổi lên. Sau đền là đê sông Hồng, tượng trưng cho con cự xà (rắn lớn) quấn quanh. "Vì vậy, tượng Trấn Vũ và ngôi đền được cho là linh thiêng nhất vùng này", ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ cho biết.

Có mặt tại lễ hội, Giáo sư Trần Lâm Biền cho biết: "Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ của đền Trấn Vũ quận Long Biên này trước hết là một pho tượng rất đẹp mang nhiều yếu tố dân gian. Nó sớm hơn pho tượng ở đền Quán Thánh cả 1 thế kỷ. Pho tượng này đứng đúng vị trí thần linh chống lũ, chống lụt cho nhân dân xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Đó là một điểm rất đẹp cho văn hóa tín ngưỡng và trong truyền thống của dân tộc ta".


Hội kéo song mây, một trong những điểm nhấn không thể thiếu của lễ hội đền Trấn Vũ hàng năm (Ảnh: Đức Vũ)

Hội kéo song mây, một trong những điểm nhấn không thể thiếu của lễ hội đền Trấn Vũ hàng năm (Ảnh: Đức Vũ)

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Ngô Quang Khải cũng nhấn mạnh: "Nhân dân Thạch Bàn tự hào vì đền Trấn Vũ từ xa xưa đã được các triều đại phong kiến xếp vào loại đền linh thiêng, nhiều đời vua ban phong sắc, mỗi lần lễ hội đều được quan tâm, nhân dân gần xa đến dâng hương và cầu nguyện đều tốt lành".

Đã thành thông lệ, hàng năm từ ngày mùng 1 đến ngày 3/3 âm lịch, nhân dân thôn Ngọc Trì tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng niệm đức thanh Huyền Thiên Trấn Vũ. Trong lễ hội, ngoài những nghi thức truyền thống, người dân trong làng còn tổ chức nghi lễ kéo co ngồi (đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2015). Đây là một trò diễn mang tính nghi lễ gửi tới thánh thần để cầu mong sự bảo vệ, sự che chở cho xóm làng bình yên.

Năm nay, nghi lễ kéo co được tổ chức với sợi song mây có tuổi đời 37 tuổi. Để có được sợi song mây này, ngay từ tháng hai âm lịch, BTC đã cho người tỏa đi khắp nơi để tìm mua. Sợi song mây mua được từ một gia đình ở Lạng Sơn, có chiều dài 25 – 30m, đường kính khoảng 5cm, cân đối và chắc chắn.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm