Tượng 'Chiến thắng' bị cần cẩu làm vỡ: Phục dựng thì dễ, nhưng…
Vụ tai nạn lúc 4h15 ngày 4/1 làm đổ rào sắt và phá hỏng bức tượng Chiến thắng đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Theo họa sĩ Phan Trọng Văn, nguyên là chuyên viên trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, thì tác phẩmChiến thắngcó chiều cao khoảng 90cm, bằng bê tông, mua cất kho từ năm 1982, mới được dựng về sau này, khi tái thiết khuôn viên. Có ý kiến khác cho rằng tượng này còn có tên Bà mẹ chiến thắng.
Một điêu khắc gia lận đận
Nguyễn Mai Chửng nguyên quán Bình Định, tốt nghiệp thủ khoa khóa 2 Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1961, được giữ lại trường. Ông chuyển vào Sài Gòn năm 1963, tốt nghiệp điêu khắc ở Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật, năm 1968 ông dạy tại trường này; năm 1974 chuyển sang dạy ĐH Kiến trúc Sài Gòn. Sau năm 1975, nhiều mẫu tượng của ông đã giành giải cao trong các cuộc thi, như phác thảoBà mẹ chiến thắng, dự kiến dựng tại công viên Lăng Cha Cả, nhưng bất thành vào phút chót.
Năm 1962, Mai Chửng nổi danh với tác phẩmNgười mộng du, cao khoảng 90cm, một ẩn dụ về chiến tranh, nơi thân phận đàn ông gần như bị xóa nhòa nhân tính, bản sắc. Tượng này vốn đặt trước Hội Họa sĩ trẻ ở Sài Gòn từ năm 1966, sau đó bị biến mất. Năm 1967, một tượng có tênChị em(còn gọi làSinh lực dân tộc) của ông được đặt tại Thương xá Tam Đa, đến năm 1976 cũng bị lấy trộm mất.
“Điểm lại nền điêu khắc hiện đại Việt Nam, hai tác phẩm đáng kể nhất, lớn nhất, không chỉ lớn trong kích thước, mà còn lớn chính trong đề tài, tư tưởng và nhất là trong tạo hình là pho tượngPhan Bội Châucủa Lê Thành Nhơn và tượng đài Bông lúa của Mai Chửng. TượngPhan Bội Châumay mắn đã được bảo vệ và ngày nay đã có chỗ đứng giữa lòng đất nước, nhưng tượng đài Bông lúa thì tan tành trong tro bụi”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy nhận định.
Năm 1970, Ngân hàng Việt Nam Thương tín đặt hàng tượng đàiBông lúa(còn có tênBông lúacon gái, cao 13m, có nơi ghi hơn 16m, hoặc 18m, bằng đồng lá) với mức đầu tư 3 triệu đồng, để dựng tại thị xã Long Xuyên. Nó là biểu tượng của vựa lúa miền Tây, của văn minh lúa nước, của đất mẹ và triết lý mẫu hệ. Sau đó, bức tượng bị phá đi để… lấy đồng, thay bằng tượng bê tông mô phỏng. Sau năm 2000, Long Xuyên phục dựng tượng đồng, không được như cũ, mà nói như nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tượng dựng lên rồi bàn dân thiên hạ bình phẩm rằng trông nó giống một bông lúa bị “nghẹn cổ bông”.
Họa sĩ Ðinh Cường từng nhận định: Lê Thành Nhơn, Mai Chửng, Dương Văn Hùng và Trương Ðình Quế... “là những nhà điêu khắc hiện đại, lớn, của miền Nam và của cả lịch sử mỹ thuật Việt Nam”.
Nói và làm quá khác nhau
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chưa có phát ngôn chính thức về việc phục dựng tượngChiến thắng. Còn khi được hỏi, các nhà điêu khắc như Phạm Văn Hạng, Bùi Hải Sơn, Trần Việt Hưng… đều cho rằng phục dựng như cũ không khó về kỹ thuật, mà khó từ nguyên tắc quản lý.
Quan điểm của Phan Trọng Văn thì nên làm một vành đai quanh bức tượng gãy, như vậy vẫn giữ được câu chuyện về một tai nạn đáng tiếc, vẫn giữ được cái hồn của tác phẩm. Chứ nếu phục dựng thì khó đẹp, trong khi đây là tài sản của thành phố, giấy tờ đủ kiểu chưa chắc thông qua.
Chuyện này làm dư luận nhớ lại bức tượngTrần Nguyên Hãntrước chợ Bến Thành bị gãy một chân từ lâu, bàn tới bàn lui vẫn chưa được phục dựng. Hay như tượngTrần Hưng Đạotrên bến Bạch Đằng (quận 1) bị xuống cấp chất liệu, bàn cũng nhiều rồi, nhưng chưa khắc phục. Mà ngay như tượngHình khối năm 2005(con gà) của Bùi Hải Sơn trong công viên Tao Đàn (quận 1), năm 2006, bị cành cây rớt gãy đầu, điêu khắc gia này đề nghị chủ động sửa vài lần, mà phía quản lý vẫn muốn để nguyên hiện trạng. Từ thực tế này, Trần Việt Hưng cảm thán: “Bàn thì bàn cho vui thôi, chứ chưa làm đâu”.
Theo Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa