1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Tưng bừng lễ đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt và khai hội Chùa Keo

(Dân trí) - Ngày 24/10, chùa Keo tại xã Duy Nhất - Vũ Thư (Thái Bình) đã vinh dự đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt và mở lễ khai hội. Nhiều hoạt động văn hóa và những trò chơi dân gian đặc sắc sẽ diễn ra từ ngày 24 - 29/10 (ngày 10-15/9 Âm lịch).

Tại buổi lễ đón Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã khẳng định những giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật độc đáo của di tích Chùa Keo. 

Với những giá trị lịch sử cũng như văn hóa tại chùa Keo, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1419/QĐ-TTg về việc xếp hạng 11 di tích là Di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với chùa Keo tại huyện Vũ Thư (Thái Bình) được công nhận còn có các di tích: Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa (huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội); Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và Chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định); Di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử (thành phố Uông Bí, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn)...

Tưng bừng lễ hội chùa Keo (Ảnh tư liệu).
Tưng bừng lễ hội chùa Keo (Ảnh tư liệu).

Cùng với lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt, từ ngày 24 - 29/10 (tức ngày 10-15/9 Âm lịch), chùa Keo chính thức mở hội với các hoạt động tế lễ, rước kiệu theo đúng nghi thức truyền thống tưởng nhớ công đức của quốc sư Dương Không Lộ, cùng nhiều hoạt động văn hóa và những trò chơi dân gian đặc sắc.
Chùa Keo đặt tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Việt Nam, là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi. Theo các nghiên cứu từ Ban Quản lý di tích tỉnh, Chùa Keo được xây dựng cách đây tròn 380 năm, vào thế kỷ XVII (năm 1632). Song nguồn gốc xa xưa là từ một ngôi chùa có tên là Nghiêm Quang tự, do Thiền sư Dương Không Lộ (1016-1094) xây dựng ở ven sông Hồng năm 1061 dưới thời vua Lý Thánh Tông tại hương Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.

Tưng bừng lễ hội chùa Keo (Ảnh tư liệu).
Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ có quy mô lớn vào bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền Việt Nam.

Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, nơi có chùa. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ) hay chùa Keo Hành Thiện (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định). Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng), chính là ngôi chùa Keo tại huyện Vũ Thư ngày nay.

Văn bia và địa bạ chùa Keo còn ghi lại diện tích toàn khu kiến trúc chùa rộng khoảng 58.000 m², gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau. Chùa gồm 12 tòa, 102 gian là những công trình kiến trúc chính và bốn tòa 24 gian của các công trình kiến trúc phụ trợ, tổng số là 16 tòa, 126 gian. Bao quanh khu nội tự là ba hồ nước lớn. Cùng với vườn cây phía trước và tam quan ngoại với khu vườn phía sau là khu tăng xá… trên tổng diện tích hơn 41.560m2. Đây là một trong những ngôi chùa có số lượng gian nhiều nhất hiện còn và là một khu di tích kiến trúc cổ có quy mô lớn vào bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền Việt Nam.

Gác chuông độc đáo tại chùa Keo.
Gác chuông độc đáo tại chùa Keo.

Đáng kể và tiêu biểu nhất ở đây là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo. Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao 11,04 m, có 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,20 m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30 m, đường kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62 m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm1796.

Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc.

 
Anh Thế