Tục đón sấm đầu năm của người Thái ở Nghệ An
(Dân trí) - Thường thì sau Tết nguyên đán, vào tầm cuối tháng 2 đầu tháng 3 Âm lịch mới có mưa rào và tiếng sấm vang rền báo hiệu năm mới bắt đầu. Hi hữu lắm mới có sự trùng lặp mưa và sấm đến cùng thời khắc giao thừa như tết Canh Tý 2020 này.
Từ tối ngày 30 tháng Chạp năm Canh Tý (tối 30 Tết) đến hết cả ngày mồng Một tháng Giêng năm Canh Tý, tại huyện miền núi Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông,… đã có mưa lớn và tiếng sấm rền. Người ta đưa lúa lên giàn bếp, khơi vò rượu cần, dọn mâm cúng tổ tiên, cúng Giàng. Người lớn, trẻ nhỏ lấy vung nồi, mâm đồng ra gõ và hò reo đón tiếng sấm đầu tiên của năm.
Theo quan niệm của người dân tộc Thái ở đây thì tiếng sấm đầu tiên sau Tết Nguyên đán báo hiệu năm mới thực sự đến với mọi người, mọi nhà. Đây là thời điểm thích hợp cho việc tra hạt, trồng cây, vì vậy ngay sau ngày có tiếng sấm, mọi người cùng nhau lên nương, xuống đồng lao động sản xuất và cùng cầu chúc cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu.
Trước kia, đồng bào dân tộc Thái không có Tết Nguyên đán như bây giờ. Tết của đồng bào Thái là dịp tháng 3, khi có tiếng sấm trời vang rền khắp nơi nơi, trăm hoa đua nở, chồi non biếc xanh cả núi rừng, người Thái mới bắt đầu nghi lễ "Chôm pý mở" - mừng năm mới.
Đây là một tục lễ quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Thái. Trước đây, mâm cúng trong ngày mừng có tiếng sấm đầu tiên của năm rất đơn giản, chỉ có một chai rượu với 5 cái chén, 5 bát nước và 2 miếng trầu têm đặt giữa gian thờ, rồi mời thầy mo đến cúng.
Năm nay, sấm về đúng vào dịp năm mới, vì thế mâm cúng đón mừng tiếng sấm đầu năm thịnh soạn hơn, trên mâm cúng ngoài rượu, trầu câu còn có bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo…
Thầy mo Vi Văn Tuân (85 tuổi), ở bản Mác, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, thì nghi lễ đón sấm đầu năm diễn ra ở tất cả mọi nhà, những lễ to nhất thì ở nhà ông Mo Mường, tức là người có uy quyền trong giới thầy mo. Sau nghi lễ cúng sấm, người ta lấy trứng gà mới đẻ ra suối rửa sạch, về luộc chín sau đó chà lên mặt trẻ con, phụ nữ chưa chồng chúc phúc lành trong năm.
Thầy mo Vi Văn Tuân nói: "Ngày sấm rền đầu tiên nếu có mưa giông thì đó là một năm may mắn, chắc chăn sẽ được mùa to".
Cũng theo thầy mo Vi Văn Tuân, sau tiếng sấm ngưng, người ta lấy nước trời để rửa mặt, hoặc nếu trời không mưa thì người ta đổ ra suối lấy nước về rửa mặt để có làn da trắng, sức khỏe cường tráng, sống lâu và gặp nhiều điều may mắn.
Theo lịch cổ của người Thái, thì người ta tính năm mới kể từ khi có tiếng sấm. Dân bản bắt đầu tổ chức các trò chơi dân gian, như té nước, chọi gụ, chọi gà, ném còn, cùng với những giai điệu xuối, lăm, nhuôn hòa trong âm thanh dìu dặt của những loại nhạc cụ độc đáo như pí, khèn… để đón mừng năm mới. Ngày đón sấm đầu năm cũng là ngày thầy mo thông báo cho mọi người, mọi nhà biết lịch sản xuất trong năm để mọi người ghi nhớ.
Việc tổ chức Tết mừng tiếng sấm - một phong tục ý nghĩa duy nhất còn được lưu giữ đến ngày nay là cách để đồng bào dân tộc Thái gìn giữ cội nguồn, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Nguyễn Duy - Vi Hợi