Từ kỷ lục không tưởng của "Mai": Mơ một phim Việt doanh thu 1.000 tỷ đồng

Hương Hồ

(Dân trí) - Chỉ sau 20 ngày ra rạp, phim "Mai" của Trấn Thành đã cán mốc 492 tỷ đồng doanh thu (theo Box Office Vietnam), mở ra giấc mơ về "phim Việt doanh thu 1.000 tỷ đồng".

Trước đó, phim liên tục xác lập nhiều kỷ lục ấn tượng khi có 225.000 vé bán ra, đạt doanh thu 23,3 tỷ đồng ở ngày đầu công chiếu (10/2, tức mùng 1 Tết Giáp Thìn).

Ngày 13/2, phim xác lập kỷ lục doanh thu 100 tỷ đồng nhanh nhất trong lịch sử rạp chiếu Việt (chỉ sau 3 ngày công chiếu), vượt qua thành tích trước đó của Nhà bà Nữ (đạt 100 tỷ đồng sau 3,5 ngày công chiếu).

Mai cũng cán mốc doanh thu 200 tỷ đồng sau 5 ngày ra rạp và chỉ sau 8 ngày đã thu về 300 tỷ đồng (vượt kỷ lục đạt 300 tỷ đồng trong 11 ngày của Nhà bà Nữ).

Đến hết ngày 19/2, Mai cán mốc hơn 362 tỷ đồng. Số lượng vé bán ra mỗi ngày hơn 167.000. Suất chiếu tăng mỗi ngày, trung bình khoảng 4.500 suất. Tỷ lệ lấp đầy rạp chiếu chạm mức 72% - điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phim Việt.

Từ kỷ lục không tưởng của Mai: Mơ một phim Việt doanh thu 1.000 tỷ đồng - 1

Đạo diễn, diễn viên Trấn Thành (Ảnh: Facebook nhân vật).

Đến chiều 26/2, phim Mai của Trấn Thành đã vượt mốc 475 tỷ đồng, phá kỷ lục của phim Nhà bà Nữ, trở thành phim Việt có doanh thu phòng vé cao nhất từ trước đến nay.

Trước đó, phim Nhà bà Nữ cần đến gần 3 tháng để đạt con số 475 tỷ đồng, trong khi phim Mai chỉ cần 17 ngày. Như vậy, Trấn Thành đã phá kỷ lục của chính mình chỉ trong thời gian chưa đầy một năm.

Thành công của Mai mở ra một tín hiệu vui cho điện ảnh Việt Nam cùng với đó là giấc mơ "phim Việt doanh thu 1.000 tỷ đồng".

Vậy khi nào chúng ta có thể biến giấc mơ ấy thành hiện thực? Và muốn có phim Việt doanh thu 1.000 tỷ đồng, cần những điều kiện nào?

Cần những điều kiện thực tế

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí, chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho rằng hiện tại, với tốc độ doanh thu mà phim Mai đang có được thì khả năng phim sẽ đạt mức doanh thu 550 tỷ đồng khi rời rạp chiếu. Nghĩa là với cột mốc 1.000 tỷ đồng, thị trường phim nội địa đã có một bộ phim đi được nửa chặng đường.

Theo ông Phong Việt, thực tế chúng ta đã mất khoảng 20 năm mới chạm đến mức doanh thu hơn 500 tỷ đồng này, nếu tính từ thời điểm thị trường phim tư nhân bắt đầu nở rộ (khoảng năm 2003) khi phim Gái nhảy ra đời.

"Tuy nhiên, khả năng để thị trường có phim chạm đến mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng có thể sẽ được rút ngắn hơn vì sức ảnh hưởng của mạng xã hội là một động lực rất lớn thúc đẩy khán giả mua vé đi xem, cũng như tốc độ phát triển rất nhanh của các cụm rạp so với quãng thời gian trước đó.

Khả năng rất cao trong khoảng 5 năm tới, chúng ta có thể sẽ có một phim chạm mốc 1.000 tỷ đồng", chuyên gia Nguyễn Phong Việt nhận định.

Ông Phong Việt cho hay, để một phim Việt chạm đến mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng thì điều kiện cần vẫn là phim ấy đủ hay để chạm đến cảm xúc của số đông khán giả.

Mặt khác, chỉ có mùa phim Tết với những yếu tố thuận lợi về khán giả, mới có khả năng mang đến doanh thu cho một phim nội địa, còn các thời điểm khác trong năm thật sự rất khó để chạm cột mốc này.

Từ kỷ lục không tưởng của Mai: Mơ một phim Việt doanh thu 1.000 tỷ đồng - 2

"Mai" của Trấn Thành trở thành phim Việt có doanh thu phòng vé cao nhất từ trước đến nay (Ảnh: CJ HK Entertainment).

"Ngoài ra, số lượng rạp chiếu cũng phải phát triển tương xứng với mức độ dân số Việt Nam đang trên 100 triệu dân. Rạp chiếu càng nhiều sẽ càng giúp cho phim lan tỏa tốt hơn, thu hút khán giả ở các vùng miền nhiều hơn… Đó sẽ là điều đủ để hiện thực tham vọng doanh thu 1.000 tỷ đồng cho một phim Việt trong thời gian tới đây", ông Việt nói.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, với thị trường điện ảnh phát triển tương đối nhanh như hiện nay việc có những phim Việt đạt doanh thu nghìn tỷ đồng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo ông Hải, doanh thu của một phim điện ảnh ở Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là chất lượng của phim và mức độ phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả Việt. Sau đó, là khả năng phủ sóng về truyền thông, đặc biệt là trên mạng xã hội, như trường hợp của bộ phim Đào, phở và piano.

"Rõ ràng sự đầu tư cho quảng bá, truyền thông trong xã hội Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tác động tới doanh thu của phim. Thậm chí, đôi khi nó là lá bài quyết định cho sự thành bại của phim.

Ngoài ra, nhiều yếu tố khác cũng đóng vai trò rất quan trọng như thời điểm ra mắt phim. Nếu là dịp Tết, các nhà phát hành sẽ có sự ủng hộ lớn cho phim Việt Nam. Đó là một yếu tố thuận lợi, số lượng suất chiếu, thời gian chiếu và có hay không những phim "bom tấn" của thế giới cạnh tranh, ra mắt cùng thời điểm", ông Hải chia sẻ.

Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn thì cho rằng, ở thời điểm hiện tại, chưa thể có phim đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng ở Việt Nam. Đây là điều không phải ảo tưởng nhưng sẽ phải chờ khá lâu. Theo anh, muốn có "phim Việt 1.000 tỷ đồng" phải cần và đảm bảo những điều kiện dựa trên thực tế.

Vị đạo diễn từng thực hiện "Báo cáo về ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam 2018 - 2019" với sự hỗ trợ của Trường Điện ảnh châu Á Busan, cho rằng trong khoảng thời gian 20 ngày phim Mai ra mắt, toàn bộ hệ thống rạp trên cả nước đều dành phần lớn suất chiếu cho tác phẩm của Trấn Thành.

Tuy nhiên, sau gần 4 tuần, doanh thu của phim vẫn chỉ đạt ngưỡng 492 tỷ đồng và dự đoán sẽ cán mốc doanh thu hơn 550 tỷ khi rời rạp.

"Nói thế để thấy rằng, tất cả rạp gần như đã trải hết nhưng cũng chỉ đạt được từng đó. Vậy, muốn có một phim Việt doanh thu 1.000 tỷ đồng thì điều kiện đầu tiên là quy mô, số lượng hệ thống rạp cần tăng gấp đôi, tức là cần 2.500 đến 3.000 phòng chiếu so với gần 1.500 phòng hiện nay", ông Tuấn nói.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng cho hay, điều kiện thứ hai để một phim đạt được con số 1.000 tỷ đồng là cần có gấp đôi, gấp ba số khán giả mà Trấn Thành đã kéo được họ đến rạp.

Nam đạo diễn lý giải: "Từ Nhà bà Nữ đến Mai, bản thân Trấn Thành đã thu hút được cả hai nhóm đối tượng khán giả. Nhóm thứ nhất là những khán giả có thói quen thường xuyên đi xem phim, ít nhất là 1 lần/tuần.

Ngoài ra còn có những khán giả không có thói quen đi xem phim, những người thu nhập thấp, những người lớn tuổi, những người chưa từng ra rạp bao giờ. Đặc biệt là nguồn doanh thu từ các tỉnh, thành phố nhỏ. Đây chính là điểm khác biệt của Trấn Thành so với những phim điện ảnh thành công khác".

Từ kỷ lục không tưởng của Mai: Mơ một phim Việt doanh thu 1.000 tỷ đồng - 3

Phim "Mai" thu hút lượng lớn khán giả ra rạp xem (Ảnh: Facebook Trấn Thành).

Cần quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Chia sẻ về mặt ngân sách, nguồn tài trợ phát triển cho điện ảnh Việt, đạo diễn Bùi Trung Hải nhấn mạnh, chúng ta nên tìm hiểu các Quỹ Điện ảnh lớn trên thế giới như: Quỹ CNC (Pháp), KOFIC (Hàn Quốc).

Theo ông Hải, họ trích phần trăm của giá vé phim, của lợi nhuận phim phát trên truyền hình, phát trên mạng Internet nên các quỹ này thường rất lớn, lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm, giúp phát triển điện ảnh trong cả sản xuất phim, phát hành phim, đổi mới kỹ thuật, giáo dục điện ảnh...

"Triết lý của họ khá rõ ràng. Thứ nhất là những gì đã thu được lợi nhuận từ điện ảnh thì nên đóng góp để điện ảnh phát triển. Thứ hai là phải đảm bảo tính đa dạng trong điện ảnh, trong thể loại phim, nội dung phim, cách làm phim... Thứ ba là phải chỉnh sửa được những "khiếm khuyết của thị trường". Nếu thị trường có khiếm khuyết thì Nhà nước có chức năng điều chỉnh.

Theo tôi, đó là những mô hình phát triển điện ảnh tiên tiến, có thể để chúng ta nghiên cứu, xem có thể áp dụng trong tình hình thực tế của Việt Nam.

Những chính sách đó đã góp phần làm phát triển rất hiệu quả nền điện ảnh Pháp và Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ qua, trở thành 2 trong số nền điện ảnh mạnh nhất hiện nay trên thế giới, cả về mặt doanh thu lẫn chất lượng nghệ thuật", NSƯT Bùi Trung Hải cho hay.

Đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang cũng đồng tình: "Tôi thiết nghĩ, trong Luật Điện ảnh tới đây nên bổ sung việc các nhà rạp của nước ngoài tại thị trường Việt Nam phải trích phần trăm doanh thu họ nhận được cho Cục Điện ảnh thay vì chỉ nộp thuế như hiện tại. Đó chính là nguồn thu để chúng ta tạo nên quỹ góp phần đầu tư nguồn lực, tài chính… phát triển điện ảnh".

Từ kỷ lục không tưởng của Mai: Mơ một phim Việt doanh thu 1.000 tỷ đồng - 4

Tuấn Trần và Phương Anh Đào đảm nhận vai nam - nữ chính trong phim (Ảnh: Deadline).

Cần tác phẩm có chất lượng, tạo được tiếng vang trên thị trường quốc tế

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng, để có được doanh thu rất lớn từ một bộ phim Việt thì chúng ta nên bắt đầu quan tâm đến việc phát hành phim ở nước ngoài, không chỉ cho Việt kiều mà thị trường nước ngoài rất rộng lớn.

Theo đạo diễn Hà Nội 12 ngày đêm, đây không phải là điều quá viển vông.

"Thực tế, năm 2023, bộ phim Bỗng dưng trúng số của Hàn Quốc tuy không có sự đầu tư lớn cho quảng cáo, truyền thông cũng thu về tới 181 tỷ đồng tại Việt Nam. Đây là bộ phim không hề có đầu tư kiểu bom tấn mà là một câu chuyện bình dị, dí dỏm, ấm áp tình người, được làm bởi một ê-kíp tay nghề cao và đã hoàn toàn thuyết phục người xem Việt Nam.

Tôi nghĩ, đây cũng là một cách làm, một tư duy làm phim chúng ta có thể học tập để tiếp cận với khán giả thế giới. Ngoài ra, chúng ta cũng cần học hỏi, và tiếp cận với phương pháp làm phim, gu thẩm mỹ chung của điện ảnh thế giới, khi đó việc đạt được doanh thu 1.000 tỷ đồng, tôi nghĩ là hoàn toàn có thể xảy ra", ông Tuấn cho hay.

Đồng quan điểm, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ, khi chưa đáp ứng và chưa có được những điều kiện khách quan trên, thay vì trông chờ một bộ phim 1.000 tỷ đồng ở thị trường Việt Nam, các nhà làm phim hãy làm những bộ phim thực sự có chất lượng cao, gây tiếng vang trên quốc tế và "xuất khẩu" đến một số thị trường có doanh thu lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, châu Âu, châu Mỹ…

Theo anh, cách này, ở thời điểm hiện tại không thể và chưa thể xảy ra nhưng cũng không phải quá khó khăn và hoàn toàn có thể kiếm được phim 1.000 tỷ đồng.

"Ít nhất có 2 phim của Thái Lan đã đạt được gần với con số này, đó là phim Tình người duyên ma đạt hơn 30 triệu USD và phim Bad Genius (Thiên tài bất hảo) đạt 44 triệu USD trên toàn cầu.

Nếu một phim Việt Nam có chất lượng, tạo được tiếng vang quốc tế, đồng thời thỏa mãn được các điều kiện để được nhập về chiếu ở một thị trường cực lớn và tương đồng về văn hóa như Trung Quốc, thì doanh thu 1.000 tỷ đồng là chuyện hoàn toàn có thể", đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, điều quan trọng là các nhà sản xuất phim Việt Nam có khát vọng coi cả thế giới như một thị trường hay không. Cần khát vọng, sau đó cần cả dũng khí và tài năng để thảo ra một chiến lược kinh doanh vươn ra ngoài thị trường nội địa nhỏ hẹp.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn ví dụ: "Bây giờ chúng ta đủ sức, đủ tâm, đủ tài và đủ cả tiền để làm một bộ phim về 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông hoặc Vua Quang Trung đại phá quân Thanh… thì tôi tin không chỉ thu hút được khán giả trong nước mà còn xuất khẩu thành công tại nước ngoài. Biết đâu hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu không biết chừng". 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm