Tu bổ chùa Một Cột - Làm sai quyết định của Thủ tướng?!

(Dân trí) - Sau nhiều năm đeo đuổi nguyện vọng tu sửa nhằm thoát khỏi tình trạng hư hỏng nghiêm trọng, chùa Một Cột (còn gọi là chùa Diên Hựu) vừa chính thức được đưa vào tu bổ, tôn tạo. Tuy nhiên, theo đánh giá của không ít người thì đây là sự tu bổ… “kỳ cục”.

Nếu trùng tu như thế này, chùa sẽ vẫn ngập!

Năm 2012, Chùa Một Cột đã được Tổ chức xác lập Kỷ lục châu Á công nhận là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á. Đây còn là một trong những ngôi chùa nổi tiếng và được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều hạng mục của chùa đã bị hư hỏng nặng. Mỗi khi trời đổ mưa, mái ngói thấm khiến phần mái bị ẩm mốc và hư hại. Không những thế, chỉ cần mưa bình thường là toàn bộ khu vực chùa bị ngập nước.

Từ năm 2008 đến nay, vị sư trụ trì chùa – Đại đức Thích Tâm Kiên đã nhiều lần mang đơn kêu cứu đi khắp nơi nên vừa qua, chùa Một Cột cũng được phê duyệt phương án trùng tu, tôn tạo.

Theo Quyết định trùng tu tôn tạo chùa mới đây nhất của UBND quận Ba Đình, diện tích nhà Tam bảo là 171,1 m2, chùa Một Cột: 13 m2, diện tích nhà tổ: 159,3 m3, diện tích nhà tăng: 48 m2, diện tích tam quan: 16,8 m2.

Tuy nhiên, theo Đại đức Thích Tâm Kiên, nhiều phương án trình ban đầu đã bị thay đổi không phù hợp với thực tiễn tại Chùa.

Cụ thể, ngoài việc trùng tu sửa chữa những cấu kiện đã hư hỏng do bị thấm dột phần mái thì quan trọng nhất là hệ thống chống ngập úng. Do Chùa nằm ở vị trí lòng chảo nên mỗi khi mưa to, cả khuôn viên chùa biến thành bể nước. Vì vậy, nếu việc trùng tu mà nền đất không được nâng lên thì ngập vẫn hoàn ngập. “Sau mỗi trận mưa, nước bẩn và rác lại ngập ngụa ở sân chùa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tôn nghiêm của chốn linh thiêng”, Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết.

Đại đức Thích Tâm Kiên quá bất ngờ với phương án tu bổ mới được phê duyệt.

Công nhân thi công nhà Tăng có thiết kế “kỳ quặc”

Kỳ quặc nhà Tăng 3 gian “độc nhất”

Phương án trùng tu được phê duyệt lần này quá bất ngờ ngay cả với trụ trì Thích Tâm Kiên – người đã mang đơn kêu cứu đi khắp nơi để “kêu cứu” cho chùa Một Cột.

Là người đã lăn lộn ngay từ những ngày đầu cho các phương án trùng tu chùa, Đại đức trụ trì Thích Tâm Kiên không thể hiểu nổi tại sao trong phê duyệt, phương án xây dựng nhà Tăng chỉ có 3 gian và rộng... 48 mét!

Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, ông đã tham khảo nhiều ngôi chùa nhưng không có một ngôi chùa nào có nhà tăng 3 gian mà tối thiểu phải là 5,7,9 hoặc 12 gian tùy theo địa hình và diện tích đất.

Với không gian của chùa Một Cột, Đại đức Kiên đã từng đề nghị phương án xây nhà tăng 3 gian 2 chái (5 gian) là phù hợp nhất. Với diện tích này, nhà tăng sẽ vừa đảm bảo được mỹ quan khu vực, vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho nhà chùa. Đây cũng là phương án được công ty TNHH Hoàng Đạo thiết kế hợp lý và ổn thỏa.

“Chùa Một Cột có rất nhiều du khách ghé thăm, trong khi không gian chùa quá chật chội, không có nơi tiếp khách, không có chỗ cho chú tiểu ở... Vì thế, với một khu nhà tăng chỉ vẻn vẹn 48 mét vuông mà vừa làm chỗ tiếp khách, vừa làm nơi ở, vừa làm nhà bếp thì không hợp lý. Hơn nữa, xây dựng nhà tăng quá bé không phù hợp với kiến trúc và không gian chung của chùa”. Ông Kiên nói.

Công nhân thi công nhà Tăng có thiết kế “kỳ quặc”

Đại đức Thích Tâm Kiên quá bất ngờ với phương án tu bổ mới được phê duyệt.


Làm sai quyết định của Thủ tướng

Liên quan đến diện tích trùng tu chùa Một Cột – Diên Hựu, ngày 10/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2411/QĐ-TTg Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, theo đó, diện tích được xây dựng tại chùa Một Cột là 25% trong tổng số diện tích 0,44 ha.

“Như vậy, việc xây dựng nhà tăng diện tích 120 mét vuông với 3 gian 2 chái không những phù hợp với quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt mà còn hài hòa với cảnh quan chùa, phù hợp với khu vực”. Đại đức Thích Tâm Kiên nói.

Trước sự bất cập này, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Công văn số 129/CV/HĐTS gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị điều chỉnh diện tích xây dựng nhà tăng chùa Diên Hựu – Một Cột từ 3 gian lên diện tích 120 mét vuông với kết cấu 3 gian 2 chái (5 gian). Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định: “Việc điều chỉnh này tạo bố cục cân đối và không ảnh hưởng cảnh quan của chùa Một Cột”.

Về phía mình, chùa Một Cột cũng đã có đơn ngày 28/4/2014 đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ và sau đó, ngày 13/5/2014 Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 3410/VPCP-KTN. Trong đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu, trao đổi và trả lời về sự việc.

Những ngày này, việc trùng tu đang được thực hiện nhưng nhà chùa đã yêu cầu tạm ngừng việc thi công.

Hình như những kiến nghị hợp tình, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại chùa Một Cột – Diên Hựu; phù hợp với Quyết định Quy hoạch của Thủ tướng... vẫn bị UBND quận Ba Đình “phớt lờ” nên những lá đơn đầy tâm huyết của vị trụ trì chùa Một Cột tiếp tục được gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Hà Nội...

Thế là công cuộc “giải cứu” chùa Một Cột – Diên Hựu lại một lần nữa gặp trắc trở trong khi ngôi chùa cổ đang xuống cấp nghiêm trọng, tiếp tục “trơ gan cùng tuế nguyệt” không biết đến bao giờ.

Hạnh Vân