Truyện tranh Việt: Khó về mức độ “nóng” và bạo lực

Vấn đề của truyện tranh, không chỉ là chuyện của mặc định sai lầm về đối tượng độc giả. Với những đơn vị làm sách nghiêm túc, tuân thủ các cảnh báo theo quy định còn gặp phải một khó khăn khác: Quy định về mức độ “nóng” và bạo lực.

Nếu như trong điện ảnh hay nhiếp ảnh, cảnh nóng được quy định diễn ra trong bao nhiêu giây, quần áo thế nào là hở hang... thì đối với truyện tranh, điều này vẫn đang bỏ ngỏ, dù hình thức thể hiện chính của truyện tranh cũng giống như hai loại hình trên: bằng hình ảnh.
 
Minh họa sex, bạo lực: chi tiết hay ước lệ?

Cũng giống như với truyện chữ, truyện tranh dành cho người trưởng thành dĩ nhiên cũng sẽ có thể đề cập về các vấn đề của người trưởng thành, và đây là “khâu”mà các đơn vị làm sách “đau đầu” nhất. Theo ông Nguyễn Minh Nhựt – giám đốc NXB Trẻ, vì đó là truyện tranh nên nội dung câu chuyện dĩ nhiên phải được diễn tả bằng tranh.

 

“Khi câu chuyện nói về hai nhân vật hôn nhau, dĩ nhiên phải vẽ cảnh hôn nhau. Những hành động khác, tắm, ngủ... dĩ nhiên cũng phải được mô tả bằng hình ảnh. Thế nhưng, hiện không có quy định cụ thể nào về các mức độ, điều này rất dễ khiến các hình ảnh đó đi chệch, hoặc bị quy ghép là dung tục, phản cảm”, ông nói.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Cũng theo ông, những chi tiết như bị cưỡng hiếp, nhìm trộm khi tắm vẫn có trong các câu chuyện nhân văn, mang tính giáo dục người khác. Thế nhưng, nếu thể hiện cảnh cưỡng hiếp bằng hình ảnh lại là một chuyện không đơn giản, nếu xét về thuần phong mỹ tục. Chính vì thế, hiện các NXB phải tự điều chỉnh hình ảnh về bạo lực, cảnh “nóng” trong các tác phẩm nước ngoài, thường là rất thẳng thắn, theo nhận định chủ quan của mình, sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

 

Đã có không ít lần việc cắt các hình ảnh này bị sự phản đối của độc giả, bởi không ít độc giả cần một tác phẩm đúng nguyên tác, và đó là nhu cầu chính đáng.  Nhưng đó là với các NXB nghiêm túc, có tâm. Việc không hề có một chuẩn nào, quy định gần như cũng là một kẽ hở để các đơn vị kinh doanh sách thiếu nhân tâm luồn lách bằng những hình ảnh dung tục quá mức, dù điều đó là không cần thiết, với mục đích câu khách. Và một khi chưa có quy định, việc xử lý các trường hợp này cũng không hề dễ dàng, với lý do khá hợp pháp là trên bìa truyện đã có phân loại độc giả.

 

Một bộ truyện kéo dài 3 đời Giám đốc
 
Thực tế, hiện tại thị trường truyện tranh Việt phụ thuộc khá lớn vào các tác phẩm nước ngoài. Theo thống kê gần nhất, truyện nước ngoài hiện chiếm đến 90% thị trường truyện tranh hiện nay. “Nói một cách khác, Việt Nam chưa có công nghệ truyện tranh”, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết. Điều này cũng nhận được đồng tình của bà Mỹ Hạnh, giám đốc công ty Phan Thị - đơn vị đi đầu trong việc xuất bản truyện tranh “thuần Việt” hiện nay.

 

Theo đó, nếu như ở các nước, truyện tranh được sản xuất theo một công nghệ chặc chẽ và quy củ với hàng trăm sản phẩm ra đời trong một tháng, quy trình khép kín từ kịch bản đến minh họa thì ở Việt Nam, quy trình còn khá chắp vá, nếu không muốn nói là chưa ra quy trình. “Chúng tôi làm bộ truyện tranh lịch sử Việt Nam, chỉ có 50 tập nhưng mất đến 15 năm, kéo dài qua ba đời giám đốc của NXB Trẻ!”, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết, dù dự án thực hiện truyện tranh lịch sử này nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của trường Đại học Mỹ Thuật và các giáo viên chuyên ngành. Theo bà Mỹ Hạnh, Việt Nam không thiếu họa sĩ cho truyện tranh, nhưng điều đó chưa đủ. Thực tế, hiện tại, xuất bản một bộ truyện tranh Việt chi phí nhiều khi còn cao hơn truyện tranh nước ngoài.

 

Thực tế, tại Trung Quốc, bộ truyện tranh ăn khách Phong Vân (hiện đang được NXB Trẻ phát hành bản tiếng Việt) được sản xuất theo quy trình thăm dò độc giả. Kịch bản của truyện, nhân vật của truyện sẽ được xây dựng, thắt nút theo chính nhu cầu của người đọc. Hay như tại Nhật Bản, truyện tranh được sản xuất theo từng chương, mỗi chương mới của các tác phẩm truyện tranh sẽ được tập hợp trong một tạp chí truyện tranh, phát hành theo tuần hoặc tháng. “Họ làm được điều này bắt buộc phải có công nghệ truyện tranh thật sự”, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết. Và theo đó, cũng theo ông, có thể chục năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp mặt bằng truyện tranh các nước hiện tại!

 

Hội chợ truyện tranh Comic-Con
 
Hôm qua, Hội chợ truyện tranh Comic-Con lần thứ 43, một trong những hội chợ truyện tranh lớn nhất thế giới đã diễn ra tại thành phố San Diego, Mỹ. Thông thường, để thu hút sự chú ý của độc giả, Hội chợ Comic-Con ngoài việc tung ra những bộ truyện tranh mới, hấp dẫn đồng thời giới thiệu những tác phẩm điện ảnh được thực hiện từ truyện tranh hay những phim mới…

 

Kéo dài 5 ngày, hội chợ năm nay sẽ đưa người hâm mộ tới nhiều dự án được chờ đợi như phim “The Hobbit” và tập cuối của loạt phim Twilight. Các diễn viên tham dự hội chợ này có Jodie Foster, Matt Damon, Robert Downey Arnold Schwarzenegger, Robert Pattinson và Kristen Stewart…

 

Theo Đất Việt