"Truyền thuyết" về nhà dài truyền thống của người Ê-đê

(Dân trí) - Ngôi nhà dài truyền thống của người Ê-đê những năm gần đây đang dần “vắng bóng” ở các buôn làng Tây Nguyên, đặc biệt ở Đắk Lắk. Cứ theo đà này nếu không hướng đến việc gìn giữ, bảo tồn kịp thời, tương lai không xa ngôi nhà này sẽ mất đi…

Nhà dài truyền thống của người Ê-đê là một phức hợp không gian kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng - tâm linh, một công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng của tộc người này. Xã hội cổ truyền người Ê-đê, nhà dài là nơi chung sống của đại gia đình theo chế độ mẫu hệ. Ngôi nhà thường xuyên được nối dài mỗi khi một thành viên nữ trong đại gia đình xây dựng gia thất. Người con trai lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ và không có quyền hành gì. Thông thường ngôi nhà dài của đồng bào dân tộc Ê-đê có từ 7 - 9 cặp vợ chồng chung sống. Trong ngôi nhà dài truyền thống các giá trị điêu khắc, trang trí, tạo hình đều phỏng theo mô típ chế độ mẫu hệ, tín ngưỡng phồn thực. Không gian nhà dài bố trí ghế Kpan ngồi đánh chiêng, bếp lửa sinh hoạt; bài trí các sản vật trên rừng dưới nước thể hiện sự giàu có: chiêng, ché, sừng trâu, ba ba, kỳ đà, rau dớn…

Nguyên vật liệu “dệt” nên ngôi nhà dài truyền thống của người Ê-đê chủ yếu bằng gỗ, tre, nứa, mái tranh. Kết cấu của nhà là cột kèo bằng gỗ tốt có sức chịu đựng dãi dầu mưa nắng. Nhà được thưng vách và lót sàn bằng phên nứa, mái lợp cỏ tranh, đỉnh mái cách sàn nhà khoảng 4 - 5m, lòng nhà rộng khoảng 4,5m - 5,5m, ngôi nhà tọa lạc hướng Bắc - Nam. Bố cục nhà dài chia làm 2 phần: nửa phía trước gọi là “Gah” chứa các vật dụng như ghế chủ, ghế khách, bếp chủ, ghế dài Kpan, cồng chiêng và là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung trong gia đình. Nửa phía sau là “Ôk” là chỗ ở của các đôi vợ chồng, đặt bếp nấu ăn chung.
 
Truyền thuyết về nhà dài truyền thống của người Ê-đê

Một ngôi nhà dài ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) phần mái đã được thay đổi khi người ta lợp bằng ngói.

Ở tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê mới nhất của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh này, tính đến cuối năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 2.608 ngôi nhà dài. Trước đây, 100% các buôn làng Ê-đê, M’nông đều có nhà dài với 50 - 60 ngôi nhà dài trong một thôn buôn. Tỉnh Đắk Lắk có khoảng 600 buôn làng, thì con số thống kê mới nhất ở trên cho thấy sự sụt giảm báo động ngôi nhà dài truyền thống người Ê-đê.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trương Bi - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Đắk Lắk, cho hay: “Trong bối cảnh văn minh đô thị phát triển mạnh mẽ, người đồng bào nhận thấy rằng ngôi nhà dài lỗi thời nên phá đi xây dựng nhà kiên cố như nhà người Kinh để đảm bảo ngôi nhà ấm về mùa đông, mát về mùa hè, phục vụ nhu cầu cuộc sống hiện đại. Mặt khác, nguyên liệu để làm nhà dài bây giờ rất tốn kém, lại khó mua được gỗ tốt nên người đồng bào khi làm nhà ít làm nhà dài. Ngay cả nhà văn hóa cộng đồng thôn buôn cũng xây dựng bằng bê tông cốt thép nhưng mô phỏng theo lối kiến trúc nhà dài để thuận lợi việc hội họp, tổ chức các lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều vùng, người đồng bào Ê-đê đầu tư mở rộng sản xuất cà phê, cao su, hồ tiêu, thu nhập ngày càng cao, đời sống nâng lên, những ngôi nhà cao tầng, kiên cố thay dần những ngôi nhà dài”.

Theo điều tra thực tế của chúng tôi, không chỉ đồng bào dân tộc Ê-đê ở TP. Buôn Ma Thuột, ngay cả những buôn làng vùng sâu, vùng xa ở các huyện Krông Ana, Ma Đ’Rắk, Krông Búk hay Cư M’Gar… những căn nhà dài truyền thống cũng dần bị thay thế bằng những ngôi nhà xây bề thế.
 
Đưa nhà dài vào phát triển du lịch là một trong những phương án hữu hiệu nhằm gìn giữ ngôi nhà này.
Đưa nhà dài vào phát triển du lịch là một trong những phương án hữu hiệu nhằm gìn giữ ngôi nhà này.

Trước nguy cơ nhà dài truyền thống người Ê-đê đang xói mòn nghiêm trọng, ông Trương Bi, băn khoăn: “Không riêng gì ở tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh Tây Nguyên ngôi nhà dài truyền thống của người Ê-đê cũng đang thu hẹp đáng kể. Đáng nói, không gian đánh chiêng của người Ê-đê là trong ngôi nhà dài, nếu mất nhà dài thì cồng chiêng, các lễ hội truyền thống cũng khó lòng lưu giữ”.

Được biết, hiện ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã chọn một số buôn làng điển hình để bảo tồn nhà dài nhằm mục đích phát triển du lịch như: buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột); buôn M’liêng, buôn Jul (huyện Lắk), buôn Niêng (huyện Buôn Đôn); buôn H’Đinh (huyện Cư M’gar).

 
 
Viết Hảo

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm