Truyền hình giải trí và giá phải trả: Cạnh tranh thiếu định hướng
Đang tồn tại thực tế là nơi nào khó khăn và chặt quá trong quản lý thì thiệt, còn nơi nào “thoáng” hơn lại ăn nên làm ra
Bùng nổ về số lượng chương trình giải trí nhưng chỉ tập trung ở một vài kênh truyền hình ăn khách khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các chương trình thêm khốc liệt. Nếu không đạt rating (lượng người xem) cao, không thu hút nhiều quảng cáo, chương trình mất giờ vàng, thậm chí dời kênh để nhường sóng cho chương trình khác. Để vượt qua áp lực sống còn, nhà sản xuất phải vận dụng mọi bài tính kinh doanh, kể cả chơi “chiêu”.
Xì-căng-đan là cứu tinh
Thực tế, để có thể sống được, tức là có được sự chú ý của công chúng (thể hiện qua tỉ suất người theo dõi chương trình), các chương trình phải tạo xì-căng-đan. Đó cũng là xu hướng tất yếu của truyền hình khắp thế giới trong thời buổi có quá nhiều lựa chọn và truyền hình Việt cũng không ngoại lệ. “Trong hoàn cảnh có quá nhiều lựa chọn cho người xem truyền hình, các chương trình đều “chạy đua” để có nhiều yếu tố gây sốc, gây sốt. Ở các chương trình truyền hình phương Tây, người ta thậm chí còn phải viện đến cả yếu tố nuy (khỏa thân) để giữ chân công chúng (như chương trình Dating Naked - Hẹn hò khỏa thân chiếu trên kênh VH1 (Mỹ), Naked and Afraid (Khỏa thân và sợ hãi) của Discovery, Buying Naked (Mua nhà khỏa thân) của TLC, Naked Vegas (Khỏa thân ở Vegas) của kênh Syfy, xoay quanh nghề làm người mẫu body-painting ở Las Vegas, một chương trình khác có cùng chủ đề mang tên Skin Wars (Cuộc chiến da người) của kênh GSN hay Born in the Wild (Sinh nở nơi hoang dã) của kênh Lifetime ghi lại cảnh khỏa thân sinh con trong rừng sâu của các bà mẹ... Nói vậy để thấy rằng việc tạo xì-căng-đan cho chương trình truyền hình thực tế để câu khách như một tất yếu. Chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam cũng không ngoại lệ” - nhạc sĩ Hà Dũng, từng là giám khảo Vietnam Idol, khẳng định.
Hình ảnh mát mẻ trong chương trình Bước nhảy hoàn vũ trên sóng VTV3 chưa bao giờ được phép xuất hiện trên sóng truyền hình HTV. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Nhưng điều tệ hại là các chương trình được dàn dựng ngày càng vụng về đến mức chính đơn vị tổ chức dùng thông tin hậu trường như cứu tinh cho độ “hot” chương trình của họ.
Chẳng hạn, chương trình truyền hình thực tế Người giấu mặt mua bản quyền từ Hà Lan là một trong số những chương trình ít được công chúng quan tâm nhất. Thậm chí, mức giá quảng cáo của chương trình này cũng chỉ nằm ở 25 triệu đồng/spot 30s. Tưởng chừng chương trình sẽ “chết non” khi đến tập 30 mà vẫn chưa có phản hồi (kể cả tốt lẫn xấu) từ tuyền thông và khán giả nhưng sau đó, vô số xì-căng-đan diễn ra nên chương trình này thu hút sự chú ý của truyền thông và công chúng. Để có khán giả, chương trình đưa cả những hình ảnh hậu trường trong phần thi thử thách giảm cân, có những thí sinh nữ cởi cả áo, để ngực trần nhằm giảm trọng lượng cơ thể… vài gram khi đứng lên bàn cân. Những hình ảnh trần như nhộng này cũng được gửi đến báo mạng để giới thiệu rầm rộ trước khi chương trình phát sóng mà không cần xóa mờ.
Xì-căng-đan luôn là những chiêu trò đồng hành với truyền hình thực tế để tăng lượng khán giả. Ngay từ chương trình gốc, cảnh nóng đã trở thành xì-căng-đan truyền thống và khi về Việt Nam, nó vẫn được giữ nguyên.
Cạnh tranh bằng gây sốc
Nếu có những chương trình tạo xì-căng- đan như bản quyền thì không ít chương trình nhà sản xuất ở Việt Nam lại cố tình tạo nên “sự cố” nhằm thu hút người xem. Ở cuộc thi Vietnam’s next top model hay Project Runway (cùng chung một công ty tổ chức), chiêu bài lộ kết quả hay những câu chuyện tố cáo ban giám khảo thiên vị được sử dụng nhiều đến mức mỗi lần nghe thông tin, giới truyền thông lạnh lùng phản hồi: “Lại nữa!”.
Không có xì-căng-đan, Vietnam Idol mùa thứ 5 không gây được chú ý từ khán giả so với các chương trình có nội dung tương tự. Sau lần lên ngôi mùa đầu tiên, The Voice - Giọng hát Việt những mùa sau tụt dốc bất ngờ.
Lần đầu tiên xuất hiện với dàn giám khảo ăn khách, những tưởng X Factor - Nhân tố bí ẩn sẽ bùng nổ nhưng trái lại, chương trình diễn ra trong sự thờ ơ của công chúng vì chất lượng thí sinh không được như mong đợi. Cho đến khi xì-căng-đan thí sinh giả mạo Huyền Minh của ca sĩ Anh Thúy nổ ra, gây sốc dư luận, nhà sản xuất mới như được cứu khỏi nỗi lo ế người xem, thiếu vắng quảng cáo.
Giữa việc chọn độ an toàn nhưng không kích thích được người xem và một bên là “làm liều” nhưng đạt hiệu quả như mong đợi, chẳng lý do gì đơn vị sản xuất bỏ qua cơ hội. Suy cho cùng, nhà đài phát sóng các chương trình giải trí cũng nhắm đến mục tiêu lợi nhuận mà thôi.
Cũng cần nhắc lại, nơi khai phá truyền hình giải trí đầu tiên là HTV với Vietnam Idol diễn ra 2 mùa đầu, mở đường cho truyền hình giải trí ồ ạt vào Việt Nam. Khi chính quyền TP HCM không đồng ý cho HTV tiếp tục liên kết sản xuất và phát sóng chương trình này, Vietnam Idol mới tìm đến VTV3 và làm bùng nổ khán giả, tạo vùng đất mới cho các chương trình truyền hình giải trí khác đổ bộ vào đó. VTV3 dễ dàng tiếp nhận các chương trình và nhanh chóng trở thành đất vàng cho các công ty kinh doanh chương trình giải trí truyền hình cạnh tranh nhau cùng với nhà đài khai thác lợi nhuận.
Nếu HTV kiểm soát nghiêm ngặt, thậm chí có khi thái quá về nội dung, trang phục biểu diễn thì VTV3 gần như thoải mái. Vì vậy, HTV ngày càng ít đi những chương trình liên kết của các công ty. Những chương trình lớn đều đổ về VTV3 vì vừa được phủ sóng toàn quốc vừa không phải bị xén mất những “yếu tố” câu khán giả.
Có thể xem đây là hình thức cạnh tranh không có định hướng nên dẫn đến tình trạng nơi nào khó khăn và chặt quá trong quản lý thì thiệt, còn nơi nào “thoáng” hơn lại ăn nên làm ra.
Giao khoán thì phải chịu Như chia sẻ của các đơn vị sản xuất, họ là người làm chương trình theo đơn đặt hàng của đài và đơn vị giữ bản quyền phát sóng là nhà đài chịu trách nhiệm về nội dung. Khi công việc sản xuất hầu như giao khoán cho các công ty sản xuất theo hợp đồng đặt hàng thì khâu kiểm duyệt của nhà đài cũng không thể rốt ráo 100% được. Ngoài những chương trình quay hình phát sóng có thời gian để biên tập cắt cúp, với những chương trình truyền hình trực tiếp, công việc của các biên tập theo dõi chương trình chủ yếu là kiểm soát vấn đề ca khúc có vi phạm; trang phục, động tác có phản cảm hay không là chính. Còn những câu chuyện khác gần như là bất khả thi và được liệt vào danh sách “sự cố truyền hình”. |
Theo Thùy Trang
Người lao động