Nhân 51 năm ngày mất của Nhà thơ Nguyễn Bính
“Truyện cổ tích” - một cách tỏ tình độc đáo
(Dân trí) - Trong nghiệp chướng “Trời bắt làm thi sĩ”, Nguyễn Bính đã để lại cho kho báu văn học Việt Nam nhiều bài thơ tình nổi tiếng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Đó như là “Mưa xuân”, “Chân quê”, “Người hàng xóm”, “Cô lái đò”, “ Tương tư”, “Cô hái mơ”, “Hoa với rượu”, “Một trời quan tái”...Trong số đó, “Truyện cổ tích” là một phong cách thơ tài hoa, một lối tỏ tình độc đáo
Truyện cổ tích
Em ạ! Ngày xưa vua nước Bướm
Kén nhân tài mở Điệp lang khoa
Vua không lấy trạng, vua thề thế
Con bướm vàng tuyền đậu Thảm hoa.
Vua liền gọi gả con gái yêu
Nàng đẹp như em, chả nói điêu
Vua nuông hai vợ chồng phò mã
Cho nhởn xem hoa sớm lại chiều.
Một hôm hai vợ chồng quan Thám
Mê mải xem hoa lạc lối về
Vợ khóc: "Mình ơi! Em hãi lắm!"
Trời chiều lạc lối tới vườn lê.
Vườn đầy hoa trắng như em ấy
Bỗng một bà tiên hiển hiện ra
Sao mà đẹp thế! Tiên mà lại!
Nữ chúa vườn lê đi thǎm hoa.
Bà thấy vợ chồng con bướm dại
Sụt sùi ngồi khóc dưới hoa lê
Đến bên âu yếm bà thương hại:
"ý hẳn hai con lạc lối về?
"Đây về nước Bướm đường thì xa
"Về tạm nhà ta ngủ với ta
"Có đủ chǎn thêu cùng gối gấm
"Có nhiều bánh ngọt ướp hương hoa...
Đêm ấy chǎn êm và gối êm
Vợ chồng ǎn bánh với bà tiên
Ǎn xong thoắt chốc liền thay lốt
Chồng hoá làm anh, vợ hoá em.
NGUYỄN BÍNH
LỜI BÌNH:
Từ chuyện bâng quơ về đôi bướm nhởn nhơ dưới trời chiều khi đôi trai gái đang cùng nhau đi vãn cảnh ; người con trai đã kịp chớp lấy cơ hội để bày tỏ nỗi lòng mình. Anh ta dẫn dắt ý muốn bản thân bằng lối kể Chuyện cổ tích một cách có duyên:
Nguồn Internet
“Em ạ! Ngày xưa vua nước Bướm
Kén nhân tài mở Điệp lang khoa
Vua không lấy trạng, vua thề thế
Con bướm vàng tuyền đậu Thảm hoa.
Vua liền gọi gả con gái yêu
Nàng đẹp như em, chả nói điêu
Vua nuông hai vợ chồng phò mã
Cho nhởn xem hoa sớm lại chiều.
Sự tích con bướm vàng đỗ đạt Thám hoa được Vua gọi gả con gái quý có dung nhan đẹp “như em” đã là nút mở để tỏ tình . Sợ lời “tán tỉnh” sàm sỡ, người con trai đã thề “chả nói điêu” cũng có nghĩa là anh rất yêu em bởi em đẹp, bởi hai ta xứng đôi vừa lứa, để rồi chuyện kể được tiếp mạch:
Một hôm hai vợ chồng quan Thám
Mê mải xem hoa lạc lối về
Vợ khóc: "Mình ơi! Em hãi lắm!"
Trời chiều lạc lối tới vườn lê.
Vườn đầy hoa trắng như em ấy
Bỗng một bà tiên hiển hiện ra
Sao mà đẹp thế! Tiên mà lại!
Nữ chúa vườn lê đi thǎm hoa.
Tám câu của hai khổ thơ trên đã đưa “tài tán gái” lên một cung bậc cao hơn nhưng vẫn không mất vẻ lịch lãm giao tiếp. Lối ví von “như em đấy” được xen kẽ ý tứ trong câu chuyện cổ tích để khẳng định người mình yêu không chỉ đẹp vẻ bề ngoài mà còn đẹp sâu xa trong tâm hồn, tính cách. Đôi bướm được hiện thân dần là anh và em đang đi bên nhau. Dù trời đã chiều, đêm đang xuống, đường về con xa ... nhưng, xin em hãy ở lại với anh. Bởi tình yêu của chúng mình là chân chính, có sự chứng giám của Đất, Trời, Tiên, Phật... Và người con trai lại thủ thỉ:
Nguồn Internet
Bà thấy vợ chồng con bướm dại
Sụt sùi ngồi khóc dưới hoa lê
Đến bên âu yếm bà thương hại:
ý hẳn hai con lạc lối về?
Đây về nước Bướm đường thì xa
Về tạm nhà ta ngủ với ta
Có đủ chǎn thêu cùng gối gấm
Có nhiều bánh ngọt ướp hương hoa
Mượn điều may mắn của đôi bướm nhỏ trước phân vân lạc lối về hay ở rồi được bà Tiên giúp, để lời tỏ tình của người con trai được đưa lên thang nấc cuối, đột biến đến tế nhị bất ngờ:
Đêm ấy chǎn êm và gối êm
Vợ chồng ǎn bánh với bà tiên
Ǎn xong thoắt chốc liền thay lốt
Chồng hoá làm anh, vợ hoá em”.
Thì ra là vậy. Một lối bày tỏ đến tài tình và có hậu. Nó không giống cách tiếp cận tình yêu đường đột như trong câu ca dao: “Gặp em anh nắm cổ tay...”
Đọc trọn vẹn bài thơ được dẫn trên, hẳn chẳng có người con gái nào lại nỡ giận trách bạn trai mình mà chỉ còn cách dúi tay lên trán anh ta rồi mắng yêu: “Rõ khéo vơ vào!”.
Biết đâu nhà thơ đồng quê Nguyễn Bính muốn để lại cho lớp hậu sinh nam thanh nữ tú một bảo bối khi họ tìm đến nhau mà “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”.
Duy Thảo