Trung Quốc thu nhỏ cát sê nghệ sĩ, cấm trả lương bằng tiền mặt, cổ phiếu
(Dân trí) - Những quy định của giới chức Trung Quốc trong việc quản lý cát sê, thu nhập của giới nghệ sĩ quốc gia tỷ dân trong thời gian qua làm thay đổi, tác động mạnh mẽ tới hoạt động của showbiz.
Thị trường nghệ thuật, phim ảnh ảm đạm của làng giải trí Trung Quốc
Từ tháng 2/2022, dịch Covid-19 tái bùng phát gây ảnh hưởng đến hoạt động giải trí ở Trung Quốc. Ngành phim ảnh và âm nhạc chịu thiệt hại kinh tế nặng nề. Theo thống kê Hiệp hội Công nghiệp Biểu diễn Trung Quốc, tính đến cuối tháng 3/2022, có 9.000 buổi biểu diễn bị hủy hoặc hoãn tổ chức tại Trung Quốc vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Giai đoạn cao điểm là vào giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 với 80% các sự kiện trực tiếp và tụ tập đông người bị tạm dừng tổ chức. Điều này khiến ngành phim ảnh và âm nhạc Trung Quốc ước tính thiệt hại hàng chục triệu USD. Truyền thông Trung Quốc cho hay, nhiều sự kiện thảm đỏ cũng được tổ chức thận trọng, tránh tình huống gây nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng.
Hệ thống rạp chiếu phim Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề khi có tới 54% tổng số rạp chiếu tại nước này phải đóng cửa hồi tháng 3/2022. Việc này khiến doanh thu phòng vé quốc gia tỷ dân chạm đáy, chỉ thu về khoảng 2 triệu USD/ngày. Giới chuyên gia dự báo doanh thu phòng vé quý một của Trung Quốc có thể giảm 35% so với cùng kỳ 2021.
Dịp lễ Lao động năm nay đã trở thành "kỳ nghỉ có doanh thu phòng vé thấp nhất" tại Trung Quốc trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong đó, ba bộ phim ăn khách nhất tại rạp chiếu Trung Quốc hiện tại có doanh thu khá khiêm tốn. Tôi rất ghét yêu xa (Stay With Me) đạt 54 triệu NDT, The Bad Guys đạt 24 triệu NDT và Fantastic Beasts: The Secrets of Dumbledore đạt 13 triệu NDT.
Tờ Sina đưa tin dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc tới ngành công nghiệp điện ảnh tại Trung Quốc. Do tình trạng ế ẩm, nhiều rạp chiếu phim tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã buộc phải chuyển đổi hình thức kinh doanh, biến rạp chiếu thành các quán bar, nhà hàng vào buổi tối để tăng thu nhập.
Gần nửa năm 2022, làng giải trí Hoa ngữ chứng kiến một bức tranh ảm đạm của hoạt động nghệ thuật. Việc doanh thu phòng vé giảm sút, hoạt động nghệ thuật bị tạm hoãn do thực hiện chính sách "zero Covid" của chính phủ ảnh hưởng mạnh tới cuộc sống, thu nhập của các nghệ sĩ Trung Quốc thời gian qua.
Siết chặt việc trả lương, quy định mức trần với thu nhập đóng phim của nghệ sĩ
Bên cạnh tình trạng thị trường nghệ thuật ảm đạm, giới nghệ sĩ Trung Quốc còn chịu ảnh hưởng của một loạt những quy định của giới quản lý. Từ giữa tháng 2/2022, Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Trung Quốc tiếp tục ban hành văn bản củng cố nghiêm ngặt quy định trả lương cho nghệ sĩ tại Trung Quốc.
Theo đó, thu nhập của nghệ sĩ bị giới hạn. Thù lao của diễn viên không chiếm quá 40% tổng kinh phí sản xuất, trong đó cát sê của diễn viên chính không được vượt quá 70% tiền lương của các diễn viên còn lại. Điều này nhằm nâng cao chất lượng các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, tạo nên một môi trường làm việc công bằng, văn minh.
Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Trung Quốc liên tục mở các cuộc tổng thanh tra thu nhập, rà soát chi phí sản xuất trong ngành giải trí nước này từ năm 2022 đến năm 2027.
Tháng 3/2022, giới giải trí Hoa ngữ chấn động trước scandal trốn thuế của nam diễn viên nổi tiếng Đặng Luân. Anh bị phát hiện trốn thuế và phải nộp phạt 106 triệu nhân dân tệ (hơn 380 tỷ đồng). Sự nghiệp của nam diễn viên 30 tuổi gần như sụp đổ vì anh bị gạch tên, xóa sổ khỏi nhiều chương trình, bộ phim.
Trước đó, vào năm 2021, nữ diễn viên Trịnh Sảng cũng mất sự nghiệp vì bê bối trốn thuế và phải nộp phạt 46 triệu USD. Cô cũng không còn đường quay lại làng giải trí vì sự tẩy chay của công chúng và giới chức Trung Quốc xếp cô vào danh sách nghệ sĩ có vết nhơ, bị cấm sóng.
Nhà sản xuất Giang Giang khẳng định, mức thù lao hàng chục triệu USD đã biến mất khỏi giới giải trí Trung Quốc. "Sau hàng loạt động thái xử lý mạnh tay các ngôi sao vi phạm từ cơ quan quản lý vào năm ngoái, không còn nghệ sĩ nào dám hét giá thù lao. Hãy quên đi thời các ngôi sao được nhận lương khủng", nhà sản xuất Giang Giang cho biết.
Theo Sohu, thù lao đóng phim của các nghệ sĩ có tiếng tại Trung Quốc hiện khoảng 6,2 triệu USD, thấp hơn 2,8 triệu USD so với năm 2021. Trước khi có quy định về hạn mức cát sê của nghệ sĩ, các diễn viên/ca sĩ hạng A của Trung Quốc nhận khoảng 12-14 triệu USD khi tham gia một show truyền hình.
Năm 2021, Trịnh Sảng từng bỏ túi cát sê hơn 25 triệu USD cho 77 tập phim của Tân thiện nữ u hồn và để trốn thuế, cô thực hiện hợp đồng âm dương, tách nhỏ các khoản thu nhập. Tuy nhiên, việc làm này của Trịnh Sảng đã không thể qua mắt các cơ quan điều tra và nữ diễn viên 9X phải nhận hình phạt nặng nề.
Việc giới chức Trung Quốc đề ra những quy định về giới hạn cát sê của nghệ sĩ bắt đầu từ năm 2018 khi nữ diễn viên Phạm Băng Băng bị phát hiện trốn thuế, sử dụng hợp đồng âm dương để che giấu mức cát sê đóng phim khổng lồ. Cô bị phạt 130 triệu USD và chưa thể quay lại làng giải trí Hoa ngữ suốt 4 năm qua.
Theo Sina, lứa nghệ sĩ trẻ Trung Quốc hiện chỉ thu về 740.000 USD cho một dự án, thay vì con số 1,5-3 triệu USD như trước. Các ngôi sao hạng A của làng giải trí Hoa ngữ từng thể hiện sự bất mãn trước việc bị giảm 50% thù lao, nhưng hiện tại họ đã vui vẻ chung sống với những quy định mới của cơ quan quản lý. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hoành hành suốt hai năm qua, các hoạt động trong làng giải trí bị đóng băng, việc có cơ hội làm việc đã là điều may mắn với nghệ sĩ.
Tháng 5/2022, giới quản lý hoạt động nghệ thuật Trung Quốc tiếp tục ban hành quy định mới đối với thu nhập của giới nghệ sĩ. Theo đó, Liên đoàn phát thanh và truyền hình Trung Quốc, Hiệp hội dịch vụ truyền thông mạng Trung Quốc phát hành văn bản mẫu của hợp đồng tuyển dụng diễn viên, áp dụng trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, web drama (phim chiếu mạng).
Trong đó, văn bản ghi rõ, nghệ sĩ đóng phim không được nhận cát sê bằng tiền mặt và buộc phải có hợp đồng bằng văn bản. Các công ty, cá nhân không được trả thù lao bằng cổ phiếu, bất động sản, vàng bạc đá quý, tranh, thư pháp, đồ cổ, đồ sưu tầm... Yêu cầu này nhằm tránh trường hợp ban hành các hợp đồng âm dương để che đậy mức thu nhập cao của giới nghệ sĩ.
Đặc biệt, các nghệ sĩ phải tách bạch rõ ràng giữa thu nhập cá nhân, thu nhập của công ty quản lý. Hợp đồng lao động giữa diễn viên và công ty chủ quản phải quy định rõ việc phân chia thù lao.
Ngoài ra, nghệ sĩ không được phép dùng danh nghĩa người thân hoặc người không có liên quan đến lĩnh vực biểu diễn để ký hợp đồng nhằm lách thuế thu nhập hay che đậy những khoản thu nhập cao khổng lồ, trái với quy định của cơ quan quản lý hoạt động nghệ thuật, văn hóa tại Trung Quốc.
Từ năm 2021, làng giải trí Trung Quốc chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ, những quy định nghiêm ngặt và cả sự trừng phạt nghiêm minh đối với các nghệ sĩ sai phạm. Theo đó, các nghệ sĩ dính dáng tới bê bối pháp luật như Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng chịu sự chỉ trích nặng nề của dư luận và không còn đường quay lại làng giải trí. Trịnh Sảng đang ở nước ngoài và chưa thể về Trung Quốc trong khi Ngô Diệc Phàm đang ở trong nhà lao, chờ ngày ra tòa xét xử bê bối hiếp dâm, sử dụng chất cấm...
Nam diễn viên Trương Triết Hạn cũng bị cấm sóng sau bê bối thiếu hiểu biết chính trị. "Én nhỏ" Triệu Vy cũng mất tích khỏi làng giải trí gần một năm qua sau khi học trò (Trương Triết Hạn) của cô dính bê bối. Bản thân cô cũng bị thu hồi một số giải thưởng, danh hiệu đại hoa đán và gần như mất tích trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội Trung Quốc. Một số nguồn tin cho rằng, Triệu Vy bị điều tra hoạt động kinh doanh thương mại trong quá khứ.
Cơ quan quản lý Trung Quốc khẳng định, họ muốn hướng đến một môi trường nghệ thuật trong sạch, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của nghệ sĩ và sự biến tướng của văn hóa thần tượng tại quốc gia tỷ dân.