Việt Nam thân thương:

Trở lại cố đô

(Dân trí) - Vậy là đã gần hai chục năm tôi không quay trở lại cố đô! Ra khỏi máy bay vào tầm gần 7h sáng, tôi ngạc nhiên nhìn sân bay quốc tế Phú Bài, một sân bay cấp quốc tế nhưng vẫn còn rất đơn sơ, xa xa cỏ hoang vẫn mọc đầy.

Trở lại cố đô



Với một Việt kiều Pháp như tôi, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ra bên ngoài, con lộ dẫn về thành phố cổ kính vẫn đang thi công, sỏi đá ngổn ngang, bụi bay mịt mù, không khí nóng ẩm, ngột ngạt… Tất cả những điều đó khiến tôi tỉnh ngủ.

Đây rồi, dòng Hương Giang đang dần dần hiện ra. Biết chúng tôi từ xa tới, và chiều theo đề nghị của tôi, cậu lái xe taxi cho xe chạy chầm chậm trên con đường sát mé sông, hai bên đường phủ đầy những cây me. Xe trườn qua cầu sang mé bên kia, đến đại lộ Lê Lợi. Đường sạch sẽ, hàng cây hai bên đường đan xen nhau. Hai bên đường được sửa sang tinh tế, có thợ làm vườn đi xén cây, vô vàn các tượng nằm bên triền sông… Các khách sạn lộng lẫy trang hoàng, xe máy xe hơi chạy tấp nập, các quán xá cũng được sửa sang ngăn nắp hơn…

Tôi hồi hộp bước qua ngưỡng cửa trường Quốc học. Nơi đây đã và đang đào tạo ra bao nhân tài cho Tổ quốc. Tôi vui sướng khi đọc bản thành tích học tập của các em, khá nhiều đã ở đội tuyển thi Quốc gia, Quốc tế. Ngôi trường hôm đó là ngày nghỉ nên vắng tanh, thi thoảng có những chiếc lá rụng xuống, bị gió thổi chạy lao xao trên các lối đi và lại đậu xuống vạt cỏ xanh. Những tòa nhà màu đỏ tía lẫn giữa những đám lá cây xanh um. Tượng Nguyễn Tất Thành đứng sừng sững uy nghiêm như luôn muốn nhắc nhở đám học trò: hiền tài là tài sản của Quốc gia.

Hôm sau, thuê một chiếc xe máy, tôi có dịp đi thăm thú nhiều nơi. Từ đường Trần Cao Vân, nơi tôi đã ở vào năm 1994 trong dịp đi thực tập năm cuối tại trường đại học Tổng hợp Huế, tôi chạy xuôi theo đường Lê Lợi, xuống thôn Vỹ Dạ, nơi mà ngày trước, tôi hay trốn các bạn, để đạp xe xuống dưới đó vào những buổi trưa mặc dù trời rất nắng. Ngày ấy tôi may mắn vì có người anh họ công tác tại sở Công an thành Huế cho mượn chiếc xe đạp rất «cà tàng», nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc. Những lúc ấy, tôi lâng lâng đạp xe trên con đường đất lồi lõm sát mé sông. Hai bên bờ rợp bóng cây xum xuê, khiến tôi nhớ mãi. Trong một lần đi công tác tại thành phố Strasbourg, Pháp, có dòng sông Ile chảy qua thành phố với đôi bờ rập rạp và có những bụi cây dại trổ hoa tim tím, tôi đã nhớ dòng sông Hương đến quay quắt.

Những ngày sau, tôi vi vu trên chiếc hon-đa thuê đi thăm các chùa chiền thành quách, lăng Tự Đức, lăng Minh mạng, Thiệu trị, điện Hòn chén, chùa Thiên mụ, chùa Từ Hiếu, Minh quang… và một nơi mà khi khách đến đây thì không thể không đến, đó là Đại Nội. Đến đâu tôi cũng có cùng một cảm giác, được sống lại thứ tình cảm bồi hồi của người dân Việt khi đến thăm cố đô. Nhưng tôi không khỏi có những nỗi buồn sâu lắng khi nhìn cảnh đổ nát hoang tàn của lăng Tự Đức, của lăng Thiệu trị… Các bậc đế vương một thời giờ đây cũng đang chìm dần vào quên lãng của các bộ nhớ chăng? Những thanh gỗ, gậy sắt chống đỡ tạm thời các mái nhà cổ kính rêu phong với văn phong chạm trổ tinh vi, những phiến đá lát đường vỡ nát một cách trầm trọng, ấy thế mà lại là nơi đón tiếp biết bao khách du lịch Quốc tế mỗi ngày.

Trong thành Nội, một sự thật khiến tôi hơi choáng váng: một bức tượng rồng vàng rực mọc lên giữa sân, giữa quang cảnh cổ xưa thơ mộng. Xa hơn chút nữa, một dãy nhà sơn son thếp vàng oai phong giữa những đổ nát. Trong tôi như có điều gì đó nghèn nghẹn ở cổ trước cảnh trí có một không hai trên thế giới ở nơi đây. Rồi tôi đến thăm ngôi nhà của vỹ nhân lỗi lạc Phan Bội Châu. Cảnh đìu hiu của buổi hoàng hôn khiến cho chốn này càng thêm lặng vắng. Tôi bâng khuâng đi giữa những ngôi mộ trong nghĩa địa gia đình của người hiền sỹ. Ngôi nhà lá khiến tôi nhớ đến một ngôi nhà từa tựa như thế ở làng Sen, Nam Đàn. Bức tượng Phan Bội Châu lừng lững nhưng đã bị đẽo gọt chân.

Chùa Từ Hiếu cũng để lại cho tôi ấn tượng dịu êm. Nằm lọt thỏm trong cánh rừng thưa, tôi vào chùa đúng lúc các sư và các đệ tử đang tụng kinh dùng cơm trưa. Ấn tượng thật! Cảnh tôi chưa từng gặp bao giờ. Sau vườn, những ngôi mộ nhỏ to sang hèn đều có. Bên này là những ngôi xây lộng lẫy bề thế, nhưng bên kia lại những ngôi mộ đất sập sùi lẫn trong đám lá mục. Thật hoang vu! Mắt tôi sáng lên khi nhìn thấy một cây cầu nhỏ bắc vươn ra giữa ao. Từ lâu lắm tôi không còn được nhìn thấy những cây cầu như thế. Phút giây bên cây cầu trong chùa Từ Hiếu khiến tôi ấm lòng!

Mấy ngày ghé Huế trôi qua nhanh chóng! Buổi chiều, tôi lại quay về đường Lê Lợi, để được tận hưởng những ánh đèn hào quang rực rỡ hệt như những thành phố ở Châu Âu. Những khẩu hiệu tưng bừng đón chào Festival quốc tế. Chính tại quán cà phê mang tên Café piano mà tâm hồn tôi tĩnh lại. Tiếng đàn dương cầm bay bổng của con gái chị Song Cầm - giảng viên trường đại học Huế khiến tôi bớt ưu tư. Nhà văn Trần Thùy Mai gọi điện muốn đưa tôi ra sân bay. Có lẽ bữa «cơm niêu» mà chị mời sẽ khiến tôi nhớ mãi. Khi chia tay các chị ở sân bay, măt tôi đột nhiên rưng rưng… Tình cảm của các chị thật nồng ấm, nụ cười thật dễ mến, và giọng nói trầm bổng du dương của các chị cứ in sâu trong tâm trí tôi, khiến tôi tạm thời quên đi những bâng khuâng vì sự hoang tàn đổ nát của các lăng tẩm. Tôi tự an ủi rằng có lẽ do khí hậu khắc nghiệt của «nơi dư thừa giông bão» này, đúng như nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã nói với chúng tôi như thế trong một lần dùng cà phê nơi cố đô.

Trước khi lên máy bay, tôi ngoái đầu nhìn lại thành phố Huế đang nhấp nháy ánh đèn, lòng thầm nhủ cho dù có thế nào, tôi vẫn quay lại nơi đây, mảnh đất luôn phải chịu thiên tai, nhưng tình người đầy ắp còn quý giá hơn nhiều!

Hiệu Constant